Tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ

Ngày 11/11/2022
Ngày 11/11/2022, Bộ GTVT ban hành Văn bản số 11785/BGTVT-CYT yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ; Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Ảnh minh họa

Bệnh đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, dịch đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 26/9/2022, thế giới nghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại 105 nước trên thế giới. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (132), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1). Trong tháng 10/2022, Việt Nam đã phát hiện 2 ca bệnh đậu mùa khỉ, đây đều là các trường hợp đi du lịch nước ngoài khi về Việt Nam được phát hiện, kiểm soát, cách ly kịp thời. 

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể như sau: 

Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ

Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn sau của Bộ Y tế:

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. 

Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. 

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. 

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. 

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. 

Giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời

Bộ GTVT đề nghị các Cục: Đường bộ Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai chỉ đạo các đơn vị tại cửa khẩu tích cực, chủ động phối hợp với cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm việc giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. 

Cục Y tế GTVT chỉ đạo các đơn vị y tế ngành chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí, tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị, chuyển tuyến người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở y tế. 

Các cơ quan báo chí, truyền thông, website của các đơn vị chủ động, tích cực cập nhật tình hình dịch bệnh, tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT và người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch bệnh; khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh./.