Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, doanh nghiệp dự án (DNDA) đề xuất, kiến nghị giải quyết dứt điểm các vướng mắc và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đặc biệt là phạm vi giải phóng mặt bằng bổ sung và đường điện 22kV để đảm bảo mặt bằng triển khai các mũi thi công.
DNDA cũng đang đề nghị các cấp ngành liên quan sớm cho ý kiến thống nhất về công tác kỹ thuật như kích thước và cấu tạo dải phân cách giữa, tiêu chí ô kỹ thuật sử dụng trong gia cố mái taluy; thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế điều chỉnh bổ sung làn dừng xe khẩn cấp làm cơ sở để triển khai các thủ tục tiếp theo đáp ứng tiến độ của dự án.
Mặt khác, để tăng cường ổn định lớp bê tông nhựa, khả năng chống hằn lún vệt bánh xe và nâng cao tuổi thọ công trình, Liên danh nhà thầu cũng kiến nghị các ban, ngành liên quan xem xét về điều chỉnh thiết kế kết cấu mặt đường. Đồng thời thống nhất phương án trên cơ sở các đề xuất của UBND tỉnh Ninh Thuận cho đầu tư hoàn chỉnh nút giao kết nối đường ĐT709 trong giai đoạn 1 của dự án và bổ sung một số đoạn đường gom dân sinh đoạn 2 bên cầu Sông Dinh để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi tuyến cao tốc đi qua.
Tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công
Để giải quyết các khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt trong việc bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cấp phép khai thác 2 mỏ đất Phước Vinh, Phước Hữu (Ninh Phước) cho dự án. Tuy nhiên, đến nay DNDA chưa thể khai thác do người dân lấn chiếm, cản trở. Hiện khu vực mỏ có trên 7,8 ha đất chưa thỏa thuận được với người dân và 4,87 ha đất do xã quản lý có một số hộ dân bao chiếm sử dụng, cản trở khai thác, chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động, giải quyết để bàn giao khu mỏ cho dự án.
Thi công cầu vượt trên tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận
Ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết: Trước khó khăn và yêu cầu rút ngắn tiến độ dự án, chúng tôi đã chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn cung vật liệu, không để dự án trọng điểm quốc gia bị thi công gián đoạn. Qua đánh giá thực trạng nguồn đất đắp cho phân đoạn Bắc Sông Dinh hiện đang còn thiếu khoảng 0,32 triệu m3, DNDA đã kiến nghị UBND tỉnh kịp thời hỗ trợ cấp phép bổ sung cho dự án thêm 3 vị trí tận thu cải tạo đất với trữ lượng khoảng 0,24 triệu m3. Như vậy, còn thiếu khoảng 0,08 triệu m3, nằm chủ yếu tại phía Bắc Sông Dinh nhưng lại không thuận lợi về phương án vận chuyển do một số tuyến đường thi công bị chia cắt, việc vận chuyển, điều phối đất dọc tuyến, nhất là khu vực Bắc Sông Dinh và nút giao Quốc lộ 27 gặp nhiều khó khăn.
"Để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh cho phép DNDA được tận thu các vị trí cải tạo đất nông nghiệp của người dân để kịp thời bổ sung phần đất còn thiếu của dự án; tận thu nguồn đất dôi dư từ công tác đào ao, hạ cốt cải tạo đất nông nghiệp của người dân khu vực xã Phước Thái để bù vào phần thiếu hụt do không thể khai thác được mỏ Phước Vinh. Đồng thời chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với DNDA tiến hành vận động, xử lý người dân lấn chiếm di dời ra khỏi phạm vi mỏ Phước Vinh để tiến hành khai thác đất đắp, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án"- ông Thắng nói.
Được biết, đến nay khối lượng thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Ninh Thuận, đã đạt hơn 2.200 tỷ đồng, tương ứng 30% khối lượng xây lắp, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu, trong đó phân đoạn do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận đạt sản lượng là 1.418 tỷ đồng, đạt 31,19% tổng giá trị các gói thầu (vượt 5% kế hoạch); phân đoạn do Công ty 194 sản lượng là 789,55 tỷ đồng, đạt 26% tổng giá trị các gói thầu.
Mặc dù mới trải qua khoảng 1/3 thời gian thi công nhưng đến thời điểm này trên toàn công trường, ngoại trừ các vị trí cầu lớn và hầm đường bộ Núi Vung, công tác thi công nền đường thuộc Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã đạt hơn 80%.
Tuy dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai theo phương thức PPP nhưng là công trình đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công. Liên danh nhà đầu tư đã góp vốn 773,91 tỷ đồng (đạt 75,14 % tổng vốn chủ sở hữu), vượt 140% tiến độ yêu cầu. Phần vốn ngân sách nhà nước hiện đã giải ngân được 867,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch vốn bố trí năm 2022. Hiện DNDA đã có văn bản đề nghị cơ quan thẩm quyền sớm điều chuyển, bổ sung nguồn vốn ngân sách cho dự án.