Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc
với Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Dự buổi làm việc cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng có các đồng chí Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Danh Huy và các đồng chí là lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ, lãnh đạo Cục Đường cao tốc VN, Cục Đường bộ VN, Cục Hàng không VN, Cục Đường sắt, Ban QLDA Đường sắt và nhiều cơ quan liên quan.
Các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ
cùng dự buổi làm việc
Về phía tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu , tham dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo nhiều Sở ban ngành cùng dự buổi làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cùng lãnh đạo UBND tỉnh
đưa nhiều kiến nghị nhằm phát triển hạ tầng GTVT tại địa phương
Tại buổi làm việc, sau khi nghe ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo UBND địa phương cũng như ý kiến của các đồng chí Thứ trưởng và lãnh đạo các cơ quan của Bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cơ bản nhất trí về chủ trương với những đề xuất của Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mọi kiến nghị đề xuất của Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và các địa phương nói chung liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông cũng như các lĩnh vực của ngành GTVT tại các địa phương đều được lãnh đạo Bộ và các cơ quan liên quan xem xét cụ thể từng vấn đề, luôn chia sẻ với địa phương để phát triển hạ tầng giao thông, từng bước phát triển kinh tế xã hội của các địa phương nhưng phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
“Quan điểm của Ngành Giao thông vận tải là đồng hành cùng các địa phương, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hài hòa với lợi ích của người dân nhưng không được để kẽ hở để các tổ chức, cá nhân trục lợi, "ngô khoai phải rõ ràng". Từng vấn đề phải được đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên trước, không được xử lý vấn đề vì giữ vùng giữ miếng, không nhất thiết phải là Bộ GTVT hay địa phương mà ai làm tốt hơn thì phải để người đó làm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng cho ý kiến cũng như phân công rõ ràng các đơn vị của Bộ giải quyết từng kiến nghị cụ thể của lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa ra.
Cụ thể, Lãnh đạo Tỉnh đề xuất thời điểm kết thúc thu phí và kiến nghị tổ chức thu phí không dừng tại các trạm thu phí trên Quốc lộ 51, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đồng tình với ý kiến của Cục trưởng Cục Đường cao tốc Lê Kim Thành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thu phí không dừng là xu hướng tất yếu với những ưu điểm vượt trội so với thu phí thủ công. Ở Dự án này, Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của địa phương, song Bộ trưởng cũng giao Cục Đường cao tốc VN và Vụ Pháp chế rà soát lại từng điều khoản hợp đồng, có tính toán đúng các quy định của pháp luật để giúp địa phương giải quyết vướng mắc, kiến nghị.
Theo ông Lê Kim Thành, vấn đề này đã được Bộ GTVT ra Công văn số 11500/BGTVT-CĐCTVN ngày 03/11/2022 trả lời gửi Đoàn đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trong đó trả lời rõ, Dự án BOT QL51 (đoạn từ Km0+900 đến Km73+600) có chiều dài 72,7 km, tổng mức đầu tư được duyệt 3.970 tỷ đồng, đến nay đã thỏa thuận quyết toán 3.486 tỷ đồng, giá trị còn lại đang được Bộ GTVT tiếp tục xem xét thỏa thuận quyết toán theo quy định. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 4/2013, bảo đảm tiến độ, chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư.
Theo hợp đồng, dự án dự kiến thời gian thu phí khoảng 20 năm 6 tháng 11 ngày (từ ngày 01/7/2009 đến hết ngày 12/01/2030, bao gồm 04 năm thu phí tạo lợi nhuận). Để xác định thời điểm dừng thu phí chính thức của dự án, thời gian qua Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam), Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (gọi tắt là BVEC) và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành quyết toán các chi phí, đàm phán để ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian theo quy định. Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, trên cơ sở các kết luận Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước về một số nội dung liên quan đến chỉ tiêu tài chính của dự án, đến nay các bên đã tiến hành thương thảo, đàm phán 15 lần, tuy nhiên Nhà đầu tư chưa thống nhất với quan điểm tính toán của Cục Đường bộ Việt Nam nên chưa thể xác định chính xác thời điểm chính thức dừng thu phí của dự án.
Để giải quyết dứt điểm, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam với vai trò là cơ quan ký kết hợp đồng dự án, chủ động tiếp tục đàm phán với Nhà đầu tư và quyết định các nội dung theo thẩm quyền để xác định ngày dừng thu phí của dự án. Theo kết quả tính toán sơ bộ của Cục Đường bộ Việt Nam, thời gian kết thúc thu phí sẽ sớm hơn so với hợp đồng đã ký và hiện Cục Đường bộ Việt Nam đang tiếp tục tổ chức đàm phán với Nhà đầu tư theo quy định.
“Việc rút ngắn thời gian thu phí so với hợp đồng dự án đã ký do Cục Đường bộ Việt Nam đã cập nhật doanh thu thực tế, giá trị quyết toán và tính toán lại một số chỉ tiêu tài chính của dự án nêu trên. Trường hợp Nhà đầu tư không thống nhất, Bộ GTVT sẽ tiến hành xem xét các thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật”, Cục trưởng Cục Đường Cao tốc VN Lê Kim Thành khẳng định.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, trên QL51 từ đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây về Bà Rịa Vũng Tàu có 02 trạm thu phí BOT thu phí theo hình thức bán vé tại chỗ dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là trong các ngày cuối tuần, lễ tết. Do đó, Lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị Bộ GTVT cho phép triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng tại trạm thu phí này.
Về vấn đề này, cũng theo ông Lê Kim Thành, theo quy định tại khoản d, Điều 5, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, “căn cứ điều kiện cụ thể đối với từng trạm thu phí, Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí có thời gian hoàn vốn còn lại dưới 03 năm đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng của các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đối với các trạm thu phí có thời gian hoàn vốn trên 03 năm.
“Đối với dự án BOT QL51, theo kết quả tính toán sơ bộ của Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo hiện đang tổ chức đàm phán với Nhà đầu tư thì thời gian kết thúc thu phí sẽ sớm hơn so với hợp đồng đã ký nên việc triển khai lắp đặt hệ thống thu phí theo hình thức điện tử không dừng dự án (30 làn thu phí) với thời gian ngắn là không hiệu quả, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Lê Kim Thành khẳng định.
Về kiến nghị bổ sung quy hoạch đoạn tuyến kết nối đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (từ nút giao QL56) đến đường ven biển (ĐT994) vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, chấp thuận giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT Lưu Quang Thìn khẳng định, theo Quy hoạch phát triển đường cao tốc trước đây (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ), tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được quy hoạch có điểm đầu từ TP. Biên Hòa (Đồng Nai), điểm cuối tại đường ven biển TP. Vũng Tàu, chiều dài 76km. Trong quá trình triển khai quy hoạch, theo đề xuất của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tách đoạn từ nút giao Vũng Vằn đến đường ven biển TP. Vũng Tàu (dài 9,6km) thành đường địa phương và giao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đầu tư.
Trong quá trình lập Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, Tư vấn đã nghiên cứu tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu với điểm cuối kết thúc tại nút giao Vũng Vằn. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiến nghị tách đoạn từ Nút giao Vũng Vằn đến nút giao QL56 (dài 6,1 km) ra khỏi quy hoạch tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu để UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện đầu tư.
Vì vậy, Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, trong đó tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu dài 54km, quy mô 6-8 làn xe, điểm đầu tại TP Biên Hòa, điểm cuối tại điểm giao với QL56 (TP Bà Rịa). Căn cứ quy hoạch mạng lưới đường bộ, Bộ GTVT đã xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chiều dài 54km, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 theo phạm vi quy hoạch này.
Theo đề xuất nêu trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiến nghị bổ sung đoạn tuyến từ QL.56 (TP Bà Rịa) đến đường ven biển (TP. Vũng Tàu), chiều dài khoảng 13,1km vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Tuy nhiên, Luật Quy hoạch không quy định điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trình tự thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như lập quy hoạch mới nên nếu thực hiện điều chỉnh bổ sung đoạn tuyến như kiến nghị của Tỉnh sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian”, ông Lưu Quang Thìn nói đồng thời cho biết thêm, trong khi hiện nay tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai lập quy hoạch tỉnh (đang trình Hội đồng thẩm định), vì vậy, đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Không bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt mà nghiên cứu đưa đoạn tuyến nêu trên vào quy hoạch tỉnh, quy mô đường cao tốc đô thị (tương tự như đường vành đai 3, 4 Hà Nội) làm cơ sở triển khai đầu tư; Căn cứ quy mô quy hoạch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư theo thẩm quyền (trường hợp đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, việc sử dụng vốn địa phương đầu tư sẽ gặp vướng mắc về Luật Ngân sách nhà nước).
Tại buổi làm việc sáng nay (15/11), lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét sớm triển khai đầu tư đồng bộ CHK Côn Đảo đáp ứng các loại máy bay thông dụng hiện nay (A321, A320, A319…).
Về vấn đề này, đại diện Vụ KHĐT Bộ GTVT cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 298/TB-VPCP ngày 24/9/2022, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng CHK Côn Đảo tại Văn bản số 11006/BGTVT-KHĐT ngày 24/10/2022, trong đó: Bộ GTVT kiến nghị cho phép tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư đang triển khai để sớm đưa vào khai thác, ổn định hoạt động vận tải của địa phương (hoàn thành quý II/2025) gồm: Bộ GTVT đầu tư nâng cấp đường cất hạ cánh; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV đầu tư nhà ga hành khách, sân đỗ; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư các công trình quản lý bay.
Phần công trình do Bộ GTVT đầu tư đã bảo đảm có thể khai thác các loại tàu bay A319, A320,…theo quy hoạch với kinh phí đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng. Để khai thác đồng bộ CHK Côn Đảo như trên, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) chỉ đạo ACV cân đối nguồn vốn để xây dựng nhà ga hành khách mới (tổng kinh phí khoảng 2.400 tỷ đồng) thay vì mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu (khoảng 850 tỷ đồng).
“Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Ủy ban để chỉ đạo ACV cân đối, bố trí nguồn vốn để khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định”, đại diện Bộ GTVT chỉ rõ.
Trả lời về kiến nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung Cảng hàng không Vũng Tàu tại Gò Găng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tại buổi làm việc, đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh: Sân bay Vũng Tàu hiện đang nằm trong trung tâm của TP Vũng Tàu, bị giới hạn về không gian phát triển do hạn chế về chiều cao, tĩnh không an toàn bay. Năm 2010, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có chủ trương di dời sân bay Vũng Tàu về Gò Găng. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp cùng Bộ Quốc phòng và các bộ liên quan triển khai theo quy định. Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương di dời, triển khai lập quy hoạch xây dựng sân bay mới tại Gò Găng. Cục HKVN đã nghiên cứu và đề xuất quy hoạch CHK Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là sân bay chuyên dùng, cấp 3C.
Quá trình lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đã phối hợp với tư vấn nước ngoài nghiên cứu quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), kinh nghiệm các nước trên thế giới để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự cần thiết và mức độ khả thi hình thành cảng hàng không mới, đảm bảo hiệu quả đầu tư và không xung đột vùng hấp dẫn. Thông qua bộ tiêu chí, đơn vị tư vấn đã thực hiện rà soát, đánh giá cho toàn bộ 63 địa phương trên cả nước đảm bảo tính khách quan, khoa học. Kết quả đánh giá không đề xuất quy hoạch cảng hàng không tại Gò Găng.
"Hiện nay, CHKQT Long Thành được quy hoạch dài hạn với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (bao gồm cả TP Vũng Tàu) cho tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu đang triển khai đầu tư (hoàn thành 2025) nên việc kết nối từ TP Vũng Tàu đến CHKQT Long Thành thuận lợi", đại diện Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT khẳng định.
Lâm Hoài