Thiết lập CSDL dùng chung của cả bộ máy hành chính

Ngày 23/11/2022
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đề án 06 bắt đầu bước vào giai đoạn thiết lập cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của cả bộ máy hành chính và các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị

Thiết lập CSDL dùng chung của cả bộ máy hành chính

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp trực tuyến đến 30 điểm cầu
tại trụ sở UBND 30 quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội.

Ngày 22/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) đã có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về tình hình triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay, hệ thống hành chính các cấp có khoảng 6.000 dịch vụ công, trong đó hơn 4.000 dịch vụ công trực tuyến. Đề án 06 đặt mục tiêu cung cấp 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó 4 dịch vụ liên bộ ngành gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do khó kết nối, khó chia sẻ và thiếu dữ liệu.

Với việc thí điểm cung cấp 2 dịch vụ công liên thông tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Đề án 06 bắt đầu bước vào giai đoạn thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung của cả bộ máy hành chính và các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương còn rời rạc, manh mún, chưa đầy đủ, nằm ở nhiều bộ phận khác nhau.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến không phân biệt ít hay nhiều người dùng mà để thấy rằng, muốn cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải thay đổi cách làm việc, đặc biệt phối hợp giữa các cơ quan. “Chúng ta bắt tay làm những dịch vụ ít người dùng để sau đó làm những dịch vụ lớn, phức tạp sẽ ít bị lỗi hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, có 3 nhóm Cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng nhất liên quan đến người dân, doanh nghiệp và tài nguyên (trong đó, quan trọng nhất là đất đai). Đề án 06 bắt đầu từ con người, từ đó kết nối với 2 nhóm cơ sở dữ liệu còn lại. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thống nhất danh mục các trường dữ liệu cần thiết cho công tác quản lý của ngành, lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở đó, các địa phương lập tổ công tác đến tận xã, phường, nòng cốt là lực lượng công an, để thu thập dữ liệu theo hộ gia đình, gắn với cơ chế thiết lập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin; đồng thời, thực hiện giao ban hàng ngày, hàng tuần; xử lý ngay những vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị, trong thời gian tới, Hà Nội tập trung thu thập, rà soát, cập nhật 3 nhóm dữ liệu phục vụ cho các thủ tục hành chính liên quan đến rất nhiều đến người dân: Đất đai, xây dựng, nhà ở; lao động, thương binh, xã hội (đối tượng bảo trợ xã hội, người có công); y tế (tích hợp sổ sức khỏe điện tử vào ứng dụng định danh điện tử - VneID, quản lý các nhà thuốc trên địa bàn…).

Hà Nội đã sẵn sàng triển khai thí điểm 2 DVC liên thông

Theo UBND TP. Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã sẵn sàng tổ chức triển khai thí điểm 2 DVC liên thông. Hệ thống thông tin (HTTT) giải quyết TTHC thử nghiệm của Thành phố đã kết nối với CSDL quốc gia về dân cư và thực hiện 3 TTHC (khai sinh - khai tử - kết hôn); thực hiện các giải pháp kỹ thuật đồng bộ kết nối theo đúng kế hoạch.

Thiết lập CSDL dùng chung của cả bộ máy hành chính - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi làm việc

Về triển khai thí điểm số hóa, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu về đất đai, xây dựng, thuế, y tế, an sinh xã hội và dân cư trên địa bàn Hà Nội, các HTTT, CSDL trong các ngành, lĩnh vực như: Giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế,... được triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Tuy nhiên, hiện ngành y tế Hà Nội chưa triển khai phần mềm Quản lý Hồ sơ sức khoẻ, và phần mềm liên thông kết quả khám sức khoẻ lái xe, giấy chứng sinh và chứng tử điện tử.

UBND Thành phố đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ triển khai phần mềm liên thông kết quả khám sức khoẻ lái xe cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP. Hà Nội; đáp ứng yêu cầu cung cấp DVCTT cấp độ 4 đối với thủ tục đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG); sớm có hướng dẫn, chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh số hoá, cung cấp dữ liệu về Giấy chứng sinh, Giấy chứng tử hoặc thực hiện "Chứng sinh điện tử", "Báo tử điện tử" kết nối với CSDL hộ tịch hoặc kết nối dữ liệu với Cổng DVCQG/Cổng DVC các địa phương để thực hiện thủ tục "Đăng ký khai sinh", "Đăng ký khai tử" được thuận tiện; xây dựng phần mềm liên thông dữ liệu chứng sinh, chứng tử thống nhất triển khai trên toàn quốc.

Trong lĩnh vực đất đai, TP đang triển khai thu thập, bổ sung các trường dữ liệu về đất đai của 30 quận, huyện. Dự kiến, sau khi hoàn thiện toàn bộ CSDL đất đai và xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính, sẽ thực hiện ngay việc chia sẻ dữ liệu này.

Sở Xây dựng TP. Hà Nội bước đầu triển khai các hệ thống phần mềm và CSDL chuyên ngành như: Quản lý số liệu về quỹ nhà phục vụ tái định cư, nhà ở xã hội trên địa bàn TP; quản lý hệ thống cây xanh; quản lý nhà ở và công sở.

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, TP. Hà Nội đã hoàn thành công tác thu thập số căn cước công dân của đối tượng bảo trợ xã hội để cập nhật vào danh sách chuẩn hóa, nhằm đối chiếu thông tin, sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu khi đảm bảo các yêu cầu./.