Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển khu vực Đông Nam Bộ tựu trung trong 9 chữ "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới".

Ngày 27/11/2022
Ngày 26/11, tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có bài phát biểu liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian phân tích sâu về "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới" giúp khu vực Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ.

Hạ tầng kết nối giao thông chưa đồng bộ


Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết vùng Đông Nam Bộ có đầy đủ 5 phương thức vận tải bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Trong đó đường bộ có tổng chiều dài khoảng 11.838km (cao tốc khoảng 95 km; Quốc lộ khoảng 1.266 km; Đường tỉnh khoảng 2.666 km…); đường sắt tổng chiều dài khoảng 110 km; Đường thủy nội địa có 4 tuyến hành lang chính đóng vai trò kết nối nội - vùng, liên vùng.

Về hàng hải, hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương đã được đầu tư với quy mô, trang thiết bị hiện đại. Cảng Cái Mép - Thị Vải hiện thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và là một trong 21 cảng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải 200.000 tấn.

Về hàng không đang khai thác 2 cảng hàng không dân dụng bao gồm cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng hàng không Côn Đảo. Còn Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đang được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với quy mô công suất khoảng 25 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 2010-2020, được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam Bộ đã có sự thay đổi rõ rệt, hệ thống hạ tầng cảng biển và đường thủy nội địa đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải; hạ tầng hàng không sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải sau khi đưa vào khai thác Cảng hàng không Thành giai đoạn 1, nhà ga T3, cảng hàng không Tân Sơn Nhất và nâng cấp sân bay Côn Đảo.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) nhiều đoạn đã mãn tải; hệ thống đường bộ, đường sắt đô thị vẫn là “nút thắt” ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của Vùng.

413.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Bộ trưởng GTVT cho biết quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã chú trọng đến hệ thống đường bộ (cao tốc, quốc lộ) kết nối vùng với TP.HCM, cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cửa khẩu quốc tế, cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

Bên cạnh đó, cũng theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, vùng Đông Nam Bộ sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây, các tuyến cao tốc nối TP.HCM với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai thuộc khu vực TP.HCM; cùng với 20 tuyến quốc lộ dài khoảng 1.743km sẽ đảm nhận vận tải hành khách, hàng hóa để kết nối liên vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, dựa trên cơ sở quy hoạch trên, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ khoảng 413.000 tỷ đồng.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng GTVT, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, TP.HCM sẽ tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng để cùng thực hiện các vấn đề theo theo Nghị quyết 24. Trong đó, trước mắt sẽ phối hợp triển khai tốt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“TP.HCM sẽ làm tốt vai trò đầu mối và phối hợp với các địa phương trong vùng triển khai các dự án giao thông kết nối vùng như: đường Vành đai 3, Vành đai 4, triển khai các công trình giao thông đón đầu việc khánh thành sân bay quốc tế Long thành giai đoạn 1...”, ông Mãi nói.

Cũng theo ông Mãi, bên cạnh các công trình giao thông, TP.HCM đang chủ động phối hợp với các nhà đầu tư, Bộ GTVT xây dựng đề án “Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ” theo tinh thần Nghị quyết 24 nhằm bổ sung cho hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Và thời gian qua, Vùng có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh đó, còn nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thủ tướng nêu rõ, đó là các mâu thuẫn cần được giải quyết, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.

Kết nối hạ tầng chiến lược, đồng bộ chưa hiệu quả, đầy đủ, toàn diện. Huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào Nhà nước, chưa phát huy được các cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao "chưa ngang tầm với vai trò, vị thế của vùng, chưa ngang tầm với yêu cầu của sự phát triển, với mong muốn của chúng ta". Phát triển văn hoá chưa theo kịp phát triển về chính trị, kinh tế, xã hội.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, vùng còn đối diện nhiều thách thức, lớn nhất là phát triển chưa bền vững, trong đó có phát triển đô thị, ùn tắc giao thông, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, úng ngập.

Thách thức nữa là ô nhiễm môi trường, phân hoá giàu nghèo, an sinh xã hội.

Thủ tướng cho biết, chương trình hành động đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu phát triển vùng năng động nhất này để đóng góp nhiều nhất cho đất nước trên các lĩnh vực, trong đó có GDP, "cả nước vì vùng, vùng vì cả nước".

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, "phát triển phải nhanh, hài hoà, bao trùm, tổng thể và bền vững". Để làm điều này, cần dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ, bản lĩnh và cả tính nghệ thuật.

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, tựu trung trong 9 chữ "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới".

Phân tích cụ thể hơn, theo Thủ tướng, tư duy mới là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá, tinh thần đoàn kết…, từ đó, chúng ta có những sản phẩm không chỉ là "Made in Việt Nam, by Việt Nam". "Sản phẩm của chúng ta phải là trí tuệ, năng lực, bản lĩnh của con người Việt Nam", Thủ tướng nói rõ về tư duy tự lực, tự cường.

Tư duy mới là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tư duy mới là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

Bên cạnh đó, nội lực cần kết hợp với ngoại lực (là vốn, công nghệ, quản lý, thể chế…), sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh doanh nghiệp trong nước với ngoài nước.

Làm rõ nội hàm về "đột phá mới", Thủ tướng cho rằng, đó là cách thức, phương thức huy động các nguồn lực.

Nguồn lực hiện có so với một đất nước 100 triệu dân, so với yêu cầu cuộc sống, mặt bằng chung của thế giới còn thấp. Là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi thì phải huy động nguồn lực bằng nhiều phương thức, cách làm khác nhau. Do đó, phải có cơ chế chính sách đột phá, đây cũng chính là nguồn lực.

Về huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, Thủ tướng gợi ý 3 mô hình hợp tác công tư. Một là lãnh đạo công, quản trị tư các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Lãnh đạo công là xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, phát triển hạ tầng đến chân các khu này, còn quản trị tư là giao cho tư nhân quản trị. Thứ hai là đầu tư công, quản trị tư. Thứ 3, đầu tư tư, sử dụng công.

Làm rõ nội hàm "giá trị mới", Thủ tướng cho biết, vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng đã giảm so với các vùng khác. "Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn".

Thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người phải cao hơn, ngang tầm khu vực, các nước phát triển. Hạ tầng kết nối vùng, cả nước, khu vực cũng như quốc tế phải tốt nhất. Phải khắc phục bằng được những vấn đề tồn tại mà người dân bức xúc như vấn về biến đổi khí hậu, môi trường.

Giá trị mới nữa là chuyển đổi số, phát triển xanh, bền vững, bao trùm, tiêu biểu cả nước, góp phần vào thực hiện cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, làm hình mẫu cho các vùng khác...

Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh thành: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh với diện tích hơn 23.560 km2, dân số hơn 18,7 triệu người (năm 2021). Vùng đóng góp 32% GDP của cả nước.

Nghị quyết 24 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ chính trị ban hành ngày 7/10. Tiếp đó, Chính phủ ban hành nghị quyết, chương trình hành động để thực hiện.

Chương trình hành động của Chính phủ nhằm phát triển vùng Đông Nam Bộ thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của Đông Nam Á; tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành cụm liên kết ngành công nghiệp; phát triển TP HCM là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, tài chính quốc tế; Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường của Đông Nam Bộ đến năm 2030. Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 8-8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 380 triệu đồng/năm; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41,7%; công nghiệp và xây dựng 45,3%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70-75%...

Nguồn: baogiaothong.vn