An Giang: Nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”

Ngày 29/11/2022
Hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT)” năm 2022, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh An Giang phối hợp các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, thăm hỏi, tặng quà gia đình các nạn nhân TNGT, nhằm chia sẻ những đau thương, mất mát do di chứng TNGT gây ra. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc tự giác chấp hành pháp luật, trật tự ATGT, góp phần giảm thiểu TNGT.

Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang Nguyễn Thành Luân cho biết, TNGT đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội. Dù với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhưng tình hình TNGT vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần vào cuộc đồng bộ, hiệu quả và quyết liệt hơn nữa các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT…

Nguyên nhân gây ra các vụ va chạm và TNGT phần lớn xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Do đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT được các cấp, ngành, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện, với sự đổi mới nội dung lẫn hình thức tuyên truyền, hướng đến các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Các hoạt động truyền thông nhằm truyền đi thông điệp về ATGT: “Tính mạng con người là trên hết”, “ATGT cho hành khách và người đi môtô, xe máy”, cùng các khẩu hiệu: “Đã uống rượu, bia không lái xe”, “Không phóng nhanh, vượt ẩu”, “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “Đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy”, “Đi đúng phần đường, làn đường”…

Ban An toàn giao thông tỉnh thăm hỏi các gia đình nạn nhân
tử vong do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn

Các cấp, ngành tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, đa dạng nội dung lẫn hình thức phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo hậu quả nghiêm trọng của TNGT; nguyên nhân và nguy cơ gây ra TNGT cùng các biện pháp phòng, tránh.

Đồng thời, hướng đến các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông - vận tải. Qua đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT; tăng cường trách nhiệm của lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do TNGT.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trật tự ATGT. Đặc biệt, tập trung xử lý các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, tải trọng, chở quá số người quy định, đi không đúng làn đường; tránh, vượt sai quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, sửa chữa kịp thời những hư hỏng; bổ sung, chỉnh trang hệ thống cột tiêu, biển báo, đèn tín hiệu đường bộ, đường thủy nội địa.

Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh và các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị TNGT có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện sự chia sẻ của cộng đồng đối với những mất mát mà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNGT phải gánh chịu…

Ban ATGT tỉnh kêu gọi mọi người dân hãy nâng cao ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT. Mỗi gia đình, nhà trường chú trọng giáo dục trẻ em ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần xác định công tác đảm bảo trật tự ATGT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, để kịp thời lãnh, chỉ đạo, thực hiện một cách hiệu quả. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của nhân dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn cho bản thân và cho cộng đồng.

Hậu quả TNGT để lại không chỉ mất người, thiệt hại tài sản mà còn là tổn thất không gì có thể bù đắp được. Những đau thương, mất mát mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều gia đình và gánh nặng cho xã hội. Do đó, mỗi người khi tham gia giao thông cần tự giác tuân thủ pháp luật, có ý thức, trách nhiệm và hình thành nét văn hóa trong tham gia giao thông.

Nguồn: Báo An Giang