Châu Á đau đầu với tài xế giao hàng vi phạm giao thông

Ngày 06/11/2022
Ngành giao nhận tại châu Á phát triển, kéo theo một lượng lớn lái xe hành nghề này tham gia giao thông.

Song, đôi khi vì vội đơn hàng, sợ bị phạt hoặc ý thức kém, nhiều lái xe đã bất chấp nguy hiểm và vi phạm giao thông.

Áp lực thời gian giao hàng

Tại Malaysia, ngành giao nhận hàng hoá, thực phẩm rất phát triển nhưng thực trạng ATGT liên quan tới hoạt động này lại theo chiều hướng đi xuống.

Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu An toàn Đường bộ Malaysia (Miros) thực hiện, có tới 70% lái xe giao hàng, xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông trên đường làm việc, với nhiều lỗi phổ biến như: Vượt đèn đỏ, dùng điện thoại khi đang di chuyển, đi ngược chiều…

CSGT Thượng Hải quét mã của lái xe giao hàng vi phạm giao thông, kiểm tra danh tính và ghi lại vi phạm chuyển về công ty giao hàng

Ở Trung Quốc, ngành giao nhận đồ ăn được coi là “cứu cánh” cho nước này trong thời gian giãn cách xã hội hoặc phong tỏa cục bộ để phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, các ngành này càng nở rộ, tỉ lệ vi phạm giao thông liên quan tới các lái xe sử dụng xe máy trong ngành càng tăng.

Ví dụ, trong nửa đầu năm 2021, cảnh sát giao thông ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã xử lý 4.304 người giao hàng vi phạm giao thông. Riêng tháng 11/2020, tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã có hơn 800 người giao hàng vi phạm.

Một nghiên cứu về tình hình vi phạm giao thông trong lĩnh vực giao hàng tại Trung Quốc do các chuyên gia về giao thông, kinh tế của nước này thực hiện cho thấy, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng vi phạm giao thông tăng cao đó là nhu cầu giao hàng của khách lớn, thời gian giao hàng chủ yếu tập trung vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, nhiều tài xế và một số nhà hoạt động vì người lao động cho rằng, nguyên nhân nằm ở chỗ nhiều nền tảng giao hàng có chế độ thưởng/phạt với tài xế giao hàng nhanh/chậm.

Một số tài xế Trung Quốc chia sẻ, họ có thể bị phạt vì giao hàng muộn hoặc khách hàng chấm sao thấp. Nếu đến đúng giờ và nhận được đánh giá tốt từ khách hàng, tài xế có thể được thưởng thêm từ 5 Nhân dân tệ trở lên cho mỗi lần giao hàng.

Mặt khác, các công ty thường ngần ngại hỗ trợ bảo hiểm hoặc trang trải các chi phí khi xảy ra tai nạn.

Tài xế ít được bảo vệ khi xảy ra tai nạn

Ở Singapore, thực trạng mất an toàn của lái xe hợp tác với Grab và nhân viên giao nhận thực phẩm cũng là vấn đề nóng. Tại một cuộc họp Quốc hội Singapore hồi tháng 7, có báo cáo cho thấy chỉ trong 18 tháng vừa qua, đã có tới 5 nhân viên giao nhận tử vong vì TNGT trong khi đang làm việc.

Hiện trường vụ một tài xế giao hàng ở Malaysia bị va chạm giao thông liên tiếp chỉ trong vài phút. Ảnh: New Strait Times

Báo Today (Singapore) từng phỏng vấn 12 lao động trong ngành này và kết quả cho thấy có tới 11 người từng bị hoặc suýt gặp tai nạn trên đường giao hàng.

Chia sẻ về những yếu tố gây mất an toàn giao thông trong quá trình giao hàng, chở khách, nhiều tài xế cho biết đó là vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mệt mỏi do làm việc nhiều giờ, vội vàng để hoàn thành đơn hàng, phương tiện làm việc chủ yếu là xe đạp, xe đạp điện có kích thước và tốc độ thấp hơn các phương tiện khác cùng lưu thông trên đường nên dễ bị tổn thương hơn khi xảy ra va chạm.

Anh Alvin Tan, 35 tuổi, một lái xe giao hàng cho biết, nguy cơ va chạm thường xuyên xảy ra, có tuần anh suýt va chạm tới 3 lần. Lý do là vì đường đông đúc và các ô tô tham gia giao thông trên đường không chú ý giữ khoảng cách với xe đạp điện/xe máy điện.

Một số nhân viên giao hàng dùng xe đạp điện thà vi phạm quy định và đi lên vỉa hè còn hơn là liên tục đối mặt với nguy cơ va chạm.

Bên cạnh đó, nhiều tài xế tại Singapore còn “than trời” vì không được bảo vệ, hỗ trợ chi phí điều trị trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Ông Mohammed Kamarruhadi, 47 tuổi, sinh sống tại Singapore có lẽ không bao giờ quên ngày gia đình ông vội vàng lao tới bệnh viện vì con trai 18 tuổi bị thương nặng do tai nạn giao thông trong lúc đang giao hàng.

Khi con trai ông nằm trên giường bệnh, gia đình đã gọi tới công ty giao hàng để thông báo về việc con trai gặp nạn nhưng nhận lại câu trả lời là họ không thể làm gì nếu không có mã đơn hàng mà con ông Kamarruhadi giao ngày hôm đó. Phản ứng của công ty khiến gia đình vô cùng đau lòng và bức xúc.

“Con tôi Mohammed Ali đang phải giành giật sự sống, điện thoại vỡ nát nhưng họ lại đưa ra những yêu cầu như vậy. Chỉ vì một đơn hàng 5 đôla Singapore, bây giờ thần kinh của con trai tôi bị ảnh hưởng, cuộc sống của con không còn như xưa” – ông Kamarruhadi cũng là một nhân viên giao thực phẩm, chia sẻ.

Làm gì để nâng cao an toàn?

Trước thực trạng này, ở Malaysia, Chủ tịch Viện Miros – ông Datuk Suret Singh khuyến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn giao thông và kỹ năng lái xe hơn nữa.

Ngoài ra, các hãng xe công nghệ cần sửa đổi thuật toán, chú trọng thưởng cho những lái xe có hồ sơ hoạt động trong sạch, ít vi phạm giao thông.

“Người điều khiển phương tiện cũng nên mặc trang phục an toàn thích hợp. Nếu chẳng may gặp TNGT thì việc mặc trang phục phù hợp, đội mũ bảo hiểm có thể giúp giảm thương tích. Khi giao hàng vào ban đêm, lái xe nên mặc quần áo có tính năng phản quang”, ông Suret nói.

Tại Trung Quốc, cũng có rất nhiều biện pháp để nâng cao an toàn cho người lao động trong các ngành này. Điển hình tại Thượng Hải, địa phương này thực hiện cơ chế “một người giao hàng, một xe máy, một bằng lái và một mã”.

Trong đó mã của tài xế sẽ được in trực tiếp trên thùng giao hàng. Nếu lái xe vi phạm giao thông, CSGT địa phương sẽ yêu cầu dừng xe và chỉ cần quét mã số là có thể nắm được thông tin đầy đủ về người này, xử lý phạt vi phạm giao thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà tài xế này hợp tác.

Cảnh sát giao thông tại Tây An phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, cửa hàng ăn nhanh để thiết lập cơ chế sa thải đối với tài xế cố tình vi phạm luật giao thông nhiều lần đồng thời đưa vào “danh sách đen” trong ngành.

Về phía các nền tảng giao hàng, xe ôm công nghệ, những đơn vị lớn như Grab, Meituan… đều khẳng định có hướng dẫn rõ ràng về cách ứng xử của lái xe khi tham gia giao thông. Trong đó nhấn mạnh phải tuân thủ luật giao thông để đảm bảo an toàn, tổ chức các khóa tập huấn về ATGT.

Phía Grab tại Malaysia khẳng định có chính sách không khoan nhượng đối với lái xe vi phạm giao thông. Lái xe hợp tác với họ đều phải tham gia khóa đào tạo an toàn và đánh giá thực tế, được trang bị mũ bảo hiểm cũng như áo khoác phản quang.

Grab cũng có thể đánh giá hiệu suất trên đường của tài xế và người đi xe thông qua giám sát mệt mỏi và báo cáo từ các hệ thống telematics - công nghệ truyền thông phương tiện.

Nguồn: Báo Giao thông