Nguy cơ mất an toàn giao thông từ xe ba gác ở Bạc Liêu

Ngày 06/12/2022
Trên một số tuyến đường cả nội ô thành phố lẫn ngoại ô tỉnh Bạc Liêu, dù đã có chế tài xử phạt, nhưng các phương tiện như mô tô tự chế, xe ba gác... chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ vẫn tham gia giao thông. Đặc biệt, nhiều trong số các phương tiện này đã cũ kỹ, các lái xe phóng nhanh vượt ẩu, một số trường hợp chở hàng cồng kềnh không đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), rất cần được xử lý nghiêm.

Xe ba gác hoạt động khi về đêm

Các quy định về quản lý xe ba gác

Xe ba gác được biết đến như một phương tiện vận chuyển hàng hóa tiện lợi và rẻ hơn rất nhiều so với xe tải. Sau nhiều năm hoạt động, xe ba gác gây ra nhiều sự tranh cãi xoay quanh loại phương tiện này ảnh hưởng đến trật tự ATGT. Việc chở những vật kích thước lớn, cồng kềnh, vượt ra khỏi phạm vi chứa đựng của thùng xe gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người tham gia giao thông.

Luật Giao thông đường bộ quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; mô tô hai bánh, ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Theo đó, xe ba gác được xếp vào loại mô tô ba bánh và được phân vào loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Để đảm bảo trật tự ATGT, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và cấm xe ba - bốn bánh thô sơ, tự chế lưu thông trên toàn quốc. Chỉ số ít xe ba gác được phép tham gia giao thông và phải đảm bảo các quy định pháp luật về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phải đăng ký tại cơ quan cảnh sát giao thông và chịu sự quản lý, xử lý của lực lượng này nếu vi phạm các quy định liên quan. Người sở hữu, điều khiển và sử dụng xe ba gác lưu thông trên đường cần đáp ứng cơ bản các điều kiện về bằng lái xe, chất lượng xe. Đặc biệt là khi sử dụng xe ba gác để vận chuyển hàng hóa, cần lưu tâm đến quy định khi sắp xếp hàng hóa lên xe, tránh việc xếp hàng hóa cồng kềnh, gây ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông. Cụ thể, khi chở hàng hóa tham gia giao thông, xe ba gác cần phải tuân thủ điều kiện: về chiều ngang, không vượt quá 0,3m mỗi bên (theo thiết kế giá chở hàng của nhà sản xuất). Phía sau, không vượt quá giá chở hàng 0,5m và chiều cao không quá 1,5m tính từ mặt đường xe chạy.

Cần xử lý nghiêm

Vào dịp cuối năm, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng, trên các tuyến đường xuất hiện nhiều xe ba gác tự chế, chở hàng cồng kềnh tiềm ẩn các nguy cơ mất ATGT. Chế tài hiện nay đưa ra mức phạt tiền từ 0,8 - 1 triệu đồng đối với hành vi vi phạm điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định tham gia giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông vi phạm còn bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Trong trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật Hình sự 2015.

Tuy nhiên, hiện nay tại địa phương vẫn còn một số trường hợp sử dụng xe ba gác không đăng ký, xe không đảm bảo các quy định của pháp luật. Hoặc các xe có đăng ký nhưng quá trình lưu thông vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự ATGT. Ông Nguyễn Hoàng Duy (Phường 2, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết: “Cứ tối đến, trên các tuyến đường của thành phố lại xuất hiện xe ba gác. Họ điều khiển đánh vòng vào các con hẻm, hoặc lưu thông chớp nhoáng trên đường lớn để né sự tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng. Bên cạnh việc chở tôn, sắt thép tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, một số trường hợp còn phóng nhanh vượt ẩu gây bức xúc cho người tham gia giao thông”.

Hiện nay, phần lớn người điều khiển xe thô sơ, tự chế là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, khó chuyển đổi ngành nghề đành phải hoạt động “chui” để mưu sinh qua ngày. Song kéo theo đó là nhiều tình cảnh éo le, như việc người điều khiển xe ba gác chở hàng trong điều kiện không an toàn, khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông chỉ lặng lẽ chịu hậu quả mà không dám báo lực lượng chức năng giải quyết. Thậm chí có gia đình, hai thế hệ mưu sinh bằng xe ba gác liên tục gặp nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. Bên cạnh đó, còn có trường hợp xảy ra tai nạn giao thông chết người do va chạm với xe ba gác…

Để giải quyết tình trạng xe ba gác thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, làm tăng nguy cơ gây mất ATGT, để lại nhiều hệ lụy về trật tự an toàn xã hội, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, quá tải. Xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế hoạt động trái phép - kể cả các xe ba gác được cấp phép nhưng xem thường quy định pháp luật, thường xuyên vi phạm Luật Giao thông.

Nguồn: Báo Bạc Liêu