Tập trung nâng cao chất lượng thuyền viên VIMC

Ngày 14/06/2022
Ngày 14/6/2022, tại trụ sở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, VIMC tổ chức Hội thảo về công tác thuyền viên năm 2022. Đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tham dự và chủ trì Hội thảo.

Trong giai đoạn 2020 – 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới với nhiều biến thể có tốc độ lây lan nhanh, diễn biến hết sức phức tạp, kèm theo các quy định nghiêm ngặt về giãn cách, cách ly, đảm bảo phòng, chống dịch của từng khu vực, từng nước. Việc thay thế thuyền viên của các công ty vận tải biển thuộc VIMC gặp rất nhiều khó khăn, chi phí tăng cao do các quy định về xét nghiệm, thời gian cách ly tập trung bắt buộc, nhiều trường hợp bắt buộc phải ballast tàu về Việt Nam mới thay được thuyền viên…

Thêm vào đó, khi các máy móc, thiết bị trên tàu gặp sự cố thì hầu như không thể thu xếp thợ trên bờ xuống sửa chữa nên phần lớn các tình huống anh em sỹ quan thuyền viên đều phải tự tìm hiểu, cùng với sự hỗ trợ từ bộ phận kỹ thuật Công ty để tự sửa chữa, khắc phục. Đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tâm lý của thuyền viên

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp đặc biệt là sự đoàn kết, cố gắng, nỗ lực phấn đấu của tập thể lãnh đạo và toàn thể sỹ quan, thuyền viên, các doanh nghiệp Vận tải biển thuộc Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch SXKD đã đề ra

Hội thảo về công tác thuyền viên VIMC năm 2022 nhằm đánh giá, rà soát lại để có một chiến lược ổn định, lâu dài đảm bảo đủ thuyền viên có chất lượng cho đội tàu VIMC cũng như đội ngũ thuyền viên hiện đang cho nước ngoài thuê hiện nay.

Hiện tại số lượng thuyền viên tại các DN VTB xin tự chấm dứt hợp đồng từ đầu năm 2021 đến tháng 05/2022 tăng, ngoài ra số còn lại là hết hạn hợp đồng với doanh nghiệp, hoặc đến tuổi nghỉ hưu. Số liệu trên cho thấy, thuyền viên không còn gắn bó với nghề đi tàu nữa, hoặc là họ đã tìm được ngành nghề khác trên bờ, hoặc là chuyển sang đi cho các chủ tàu khác có mức lương ưu đãi hơn.

Trong thời gian ngắn, quy mô đào tạo các bậc học, đào tạo sỹ quan thuyền viên suy giảm từ 2 đến 3 lần và có xu hướng tiếp tục giảm nếu không có các chính sách giải quyết phù hợp, trong khi nhu cầu về thuyền viên nội địa và xuất khẩu vẫn đang tăng lên. Việc này làm cho tình hình thiếu hụt nguồn nhân lực các ngành đi biển càng trở lên trầm trọng, là một thách thức lớn đối với các DN có nhu cầu về thuyền viên cũng như các trường đào tạo 2 chuyên ngành này.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp vận tải biển đã chủ động cơ cấu lại đội ngũ sỹ quan, thuyền viên bằng việc ưu tiên sử dụng những thuyền viên có năng lực, mẫn cán, có nhiều đóng góp cho Doanh nghiệp, không tái ký hợp đồng với những thuyền viên có chuyên môn và đạo đức kém. Đồng thời các doanh nghiệp đã chủ động tuyển dụng và đào tạo kịp thời những chức danh còn thiếu như thợ cả, thủy thủ trưởng,…

Nhờ sự nỗ lực trên, các doanh nghiệp đã giữ được một lực lượng thuyền viên yêu nghề và gắn bó với nghề đi biển, có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo quản, bảo dưỡng tàu. Các thuyền viên có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc cũng như những lúc khó khăn.

Tại Hội thảo các đại biểu tham dự cũng đã được nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị vận tải biển chia sẻ những thuận lợi và khó khăn về tình hình chất lượng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp thuyền viên, công tác tuyển dụng, đào tạo, quản lý, sử dụng thuyền viên, đảm bảo chế độ cho thuyền viên.

Kết luận và phát biểu chỉ đại tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh, nhấn mạnh thuyền viên là nghề nghiệp đặc thù, phải trải qua những tháng ngày chẳng giống ai khi lênh đênh trên biển mà không thể cập bờ… Những năm qua Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên cùng tổ chức công đoàn đã thường xuyên thăm hỏi, vận động thuyền viên và gia đình yên tâm công tác, chấp hành tốt các quy định của đơn vị. Đồng chí đề nghị các doanh nghiệp vận tải biển coi công tác phát triển thuyền viên là quan trọng, phải tìm các giải pháp lâu dài, đổi mới trong công tác phát triển thuyền viên, ứng dụng các công nghệ trong việc đào tạo, quản lý, đánh giá, quản trị để nâng cao tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của thuyền viên. Tăng cường sự phối hợp trong công tác đào tạo thuyền viên giữa các doanh nghiệp vận tải biển thuộc VIMC và các cơ sở đào tạo trong việc tìm nguồn để đào tạo thuyền viên. Đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định của nhà nước và Hợp đồng lao động như đóng BHXH, BHYT, BHTN và bảo hiểm trách nhiệm cao cho thuyền viên.

Về công tác phát triển đảng viên trên tàu, Tổng giám đốc yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục được những khó khăn, bất cập tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giới thiệu, kèm cặp, kết nạp Đảng. Đồng chí đã giao KPI cho các doanh nghiệp phát triển đảng viên là sỹ quan, thuyền viên, để thông qua đó, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ sỹ quan, thuyền viên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn Tổng công ty.