Thúc đẩy nhanh tiến độ một số dự án giao thông quan trọng

Ngày 05/01/2023
Với lợi thế là địa phương nằm ở trung điểm của các tuyến giao thông huyết mạch quốc gia, tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực kêu gọi đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông, tăng cường kết nối để tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế địa phương.

Thi công dự án mở rộng Quốc lộ 9, đoạn qua địa bàn xã Gio Quang, huyện Gio Linh

- Ảnh: H.N.K

Theo đó, nhiều dự án giao thông quan trọng đã được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó phải kể đến một số dự án giao thông trọng điểm như đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được triển khai thi công một số công trình trên tuyến từ tháng 3/2022.

Để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với đơn vị đo đạc thu hồi đất đã thực hiện hoàn thành, các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh đã có thông báo thu hồi đất. Do đó, công tác kiểm kê, giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 9/15 km, đạt 60% khối lượng và đơn vị tư vấn hoàn chỉnh hồ sơ định giá đất cụ thể được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3121/ QĐ-UBND ngày 7/12/2022.

Hiện nay, Ban QLDA Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Linh đang tiến hành áp giá để công khai phương án và chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ. Bên cạnh đó, các hạng mục thuộc dự án như cầu Km25+300/ĐT.571 đã thi công cơ bản hoàn thành, dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng trong tháng1/2023; các cầu trên tuyến Km7+497,93, Km9+610,06 đang khẩn trương triển khai thi công, đến nay đạt khoảng 30% khối lượng công việc.

Trong quá trình triển khai dự án có một số vướng mắc liên quan đến quy hoạch sử dụng đất qua địa bàn các huyện, có sự sai khác về số liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất so với nghị quyết của HĐND tỉnh; kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các huyện; dự án phải lập hồ sơ chuyển đổi đất rừng và thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Vì vậy, Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý, để đẩy nhanh GPMB, sớm bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu triển khai thi công đúng tiến độ.

Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà đoạn tuyến từ Km741+170/QL1(Dốc Miếu) đến Km10+187/QL9 về cảng Cửa Việt dài 13,2km. Dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1719/QĐ-BGTVT ngày 28/9/2021 và phê duyệt điều chỉnh chủ trương tại Quyết định 657/QĐ-BGTVT ngày 24/5/2022.

Mới đây, ngày 27/12/2022, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số:1731/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.

Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm phân luồng các phương tiện vận tải lớn không đi qua trung tâm thị trấn Gio Linh và thành phố Đông Hà, giảm tải giao thông trên Quốc lộ 1, đảm bảo an toàn giao thông, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư xây dựng các dự án mở rộng Quốc lộ 1, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh.

Phạm vi dự án, điểm đầu giao với Quốc lộ 1 (Km0+00) tại xã Phong Bình, huyện Gio Linh; điểm cuối giao với Quốc lộ 9 (khoảng Km13+236) tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh. Chiều dài tuyến đường là 13,31km, quy mô đường cấp III đồng bằng (TCVN4054-05), tốc độ thiết kế 80km/h. Mặt cắt ngang đường quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt đường 11m. Tổng mức đầu tư 399.960 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024.

Đối với các dự án giao thông chuyển tiếp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, Sở Giao thông vận tải đã cùng với Ban QLDA ĐTXD tỉnh hoàn thành công tác bàn giao chủ đầu tư các dự án giao thông 9 dự án gồm: Đường biên giới Khe SanhSa Trầm (ĐT.587) giai đoạn 1; Hợp phần đường dự án LRAMP; Cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu; Cầu Cam Hiếu, huyện Cam Lộ; Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nối dài và cầu chui đường sắt; Cầu Xà Ợt Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Đensavanh; Đường nối cầu An Mô vào Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn; Cầu An Mô mới, huyện Triệu Phong; Tiểu dự án GPMB thuộc Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ-La Sơn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư về giao thông vẫn còn một số tồn tại như công tác GPMB, tiến độ và chất lượng thi công của một vài nhà thầu thi công chưa đảm bảo kế hoạch đề ra.

Vật liệu thi công, đặc biệt là đất đắp trên địa bàn tỉnh thiếu nghiêm trọng; giá cả của vật liệu và nhân công tăng dẫn tới tiến độ thi công chung bị ảnh hưởng. Chất lượng hồ sơ một số dự án được khảo sát, thiết kế chưa đảm bảo yêu cầu phải điều chỉnh trong quá trình thi công; các dự án do các chủ đầu tư khác trình đến chất lượng hồ sơ khảo sát, thiết kế còn nhiều thiếu sót, dẫn đến công tác thẩm định phải chỉnh sửa nhiều lần, kéo dài thời gian.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giao thông vận tải trong năm 2023 và những năm tiếp theo là tích cực phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án: Đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây; Dự án đường tránh phía Đông thành phố Đông Hà, đặc biệt là phối hợp để thực hiện quyết liệt công tác GPMB để sớm triển khai dự án khi được đầu tư, tranh thủ sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

Tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn đầu tư tuyến Quốc lộ 15D; lập quy hoạch và lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư giai đoạn 1, dự án Đường tránh phía Tây Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Trị. Tranh thủ các chương trình dự án từ trung ương đầu tư như chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ có mục tiêu, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho hệ thống giao thông, đặc biệt là được hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn ODA.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Hữu Hùng, nhiệm vụ trước mắt của ngành là sớm triển khai kế hoạch thực hiện nguồn vốn năm 2023 từ công tác kiểm tra, rà soát danh mục dự án, lựa chọn các tuyến đường ưu tiên, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư…

Tập trung quản lý tốt công tác đấu thầu trong xây dựng cơ bản nhằm lựa chọn được các nhà thầu có năng lực để thi công các công trình, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành triển khai các công trình xây dựng cơ bản năm 2023. Nắm bắt xử lý nhanh những vướng mắc nhằm đảm bảo tiến độ công trình, giải ngân kịp thời.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là công tác GPMB, tái định cư cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp đồng bộ của chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân mới có thể đảm bảo tiến độ GPMB, giúp ngành giao thông vận tải sớm hoàn thành các công trình đúng tiến độ và phát huy hiệu quả của vốn đầu tư.

Nguồn: Báo Quảng Trị