Tại gói thầu K16+600, đoạn huyện Yên Thành (Nghệ An),
phương tiện xe máy, cùng công nhân đang hối hả thi công
Đến nay, các nhà thầu thi công mới nhận bàn giao được 50% khối lượng mặt bằng. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, đại diện các đơn vị thi công rất mong được sự hỗ trợ của các địa phương liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng “sạch” để nhà thầu kịp thời triển khai thi công theo đúng kế hoạch phê duyệt, nhất là đoạn từ Km0 đến nút giao Diễn Cát (Diễn Châu) với đường cao tốc bắc-nam, đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu.
Vượt nắng, thắng mưa
Tại gói thầu xây dựng số 2- cầu vượt đường sắt tại xã Diễn Phúc, công nhân và phương tiện máy móc của Công ty Đầu tư xây dựng cầu đường-CTCP đang tập trung đưa lồng sắt vào vị trí móc để chuẩn bị công đoạn đổ bê tông phần mố cầu vượt đường sắt. Chỉ huy trưởng công trường Lê Thế Chất phấn khởi cho biết: Tuy mới khởi công từ giữa tháng 10 nhưng đến nay đã hoàn thành việc khoan toàn bộ cọc nhồi với chiều dài gần 50m/cọc từ trụ A0 đến P4 ở đơn nguyên bên trái tuyến; đã đúc được 1/4 số dầm Super T... Hiện nhà thầu đang khẩn trương thi công xong các trụ P1, P2; thi công 6 cột trụ và mố cầu vượt.
Cũng theo đại diện công ty, hằng ngày trên công trường, có khoảng 40 công nhân cùng máy khoan cọc nhồi, máy đào hối hả làm việc ba ca để đẩy nhanh tiến độ. Do thi công ở ngay sát QL7, nơi có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, cho nên đơn vị vừa phải làm tốt công tác bảo đảm an toàn giao thông, phân luồng giao thông, đồng thời bảo đảm đường găng tiến độ như đã cam kết. “Điều lo lắng nhất ở gói thầu này là vướng mặt bằng của 16 hộ dân ở phía tây đường sắt, trong đó, nhiều hộ chưa tiến hành kiểm đếm để làm công tác di dời tới khu tái định cư”, Chỉ huy trưởng Lê Thế Chất cho hay.
Cùng lãnh đạo Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) đi thực tế kiểm tra đoạn qua thị trấn Vân Tụ, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, đường được nâng cấp, mở rộng từ 12m lên 28m, chúng tôi nhận thấy tại gói thầu K16+600, nhiều phương tiện xe máy thi công cùng công nhân vẫn đang hối hả làm việc. Dọc hai bên tuyến đường, lớp phong hóa được bốc sâu xuống khoảng 0,5m. Những chiếc xe ben chở đất từ từ đổ xuống, được xe ủi san gạt và xe lu nối đuôi nhau lu, lèn; trong chốc lát, từng lớp đất móng, nền đã trở nên bằng phẳng.
Anh Dương Xuân Kỷ, phụ trách kỹ thuật của Công ty Biên Đông cho biết: Hằng ngày trên công trường có gần 20 ô-tô, máy xúc, máy lu hoạt động nên tiến độ thi công bảo đảm. Sau hơn hai tháng thi công, đến nay, đơn vị đã hoàn thành hơn 1.000m rãnh dọc D600 và đang thi công phần móng cấp phối, nền ở đoạn đường đôi thị trấn Vân Tụ; hoàn thành 90% việc đúc cấu kiện-làm rãnh thoát nước...
Hiện cả bốn gói thầu xây lắp đang triển khai đồng loạt từ giữa tháng 10/2022. Các nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực cùng các phương tiện xe máy thi công hiện đại với phương châm “vượt nắng, thắng mưa”, đẩy nhanh tiến độ thi công ở những đoạn được bàn giao mặt bằng. Đến nay đã giải ngân được 226 tỷ đồng trong tổng số 302 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2022. Số vốn còn lại phải giải ngân là khoảng 76 tỷ đồng, nhưng hiện nay giá trị xây lắp thực hiện của các nhà thầu là 81,317 tỷ đồng, vượt số vốn còn lại.
Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành Dự án cải tạo nâng cấp QL7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi-Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An cho biết: Dự án này do Ban Quản lý dự án 4 làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng hơn 861 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng hơn 259 tỷ đồng... Theo đúng kế hoạch, đến hết năm 2023, Dự án sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng và khi đó, các phương tiện đi cao tốc từ Hà Nội đến Diễn Châu sẽ đi QL7 đã được nâng cấp mở rộng để vào QL1 ở thị trấn Diễn Châu và ngược lại, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tuyến cao tốc và quốc lộ...
Áp lực chờ... mặt bằng
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 Trần Đình Sơn, do thời gian thi công không dài nên áp lực tiến độ là khá lớn. Nếu địa phương sớm bàn giao mặt bằng, các nhà thầu sẽ bảo đảm tiến độ đề ra, thậm chí có thể về đích sớm hơn. Tuy nhiên, tính đến nay mặt bằng trên toàn tuyến mới bàn giao được 30,7km trong tổng số 58,4km, đạt 53,7%, trong đó, nhiều đoạn đang vướng mặt bằng đi qua các khu đông dân cư, đất rừng phòng hộ...
Ngay giữa tháng 12/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức, chủ trì họp với Ban Quản lý dự án 4, các sở, ngành liên quan cùng ba huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và ngày 28/12/2022 đã có Thông báo Kết luận số 932/TB-UBND. Đồng thời, Ban Quản lý dự án 4 đã cử các cán bộ chuyên trách thường xuyên làm việc với UBND các huyện, xã trong công tác giải phóng mặt bằng để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Do chưa giải phóng được mặt bằng nên nguồn vốn dành cho công tác giải phóng mặt bằng QL7 vẫn chưa được giải ngân theo đúng kế hoạch. Đơn cử như huyện Diễn Châu, kế hoạch vốn cấp năm 2022 là 40 tỷ đồng và đã chuyển về kho bạc huyện. Tuy nhiên, đến hết tháng 12/2022 Diễn Châu mới giải ngân được 3 tỷ đồng. Dự kiến, đến tháng 2/2023 sẽ chi trả chi phí giải phóng mặt bằng năm 2022. Trong khi huyện Yên Thành cũng rơi vào tình trạng tương tự. Kế hoạch vốn giải phóng mặt bằng năm 2022 cấp 15 tỷ đồng và đã chuyển về kho bạc huyện. Đến hết năm 2022, Yên Thành mới giải ngân được gần 1 tỷ đồng...
Theo báo cáo sơ bộ, đến nay huyện Diễn Châu mới ký hồ sơ được 598 trong số 846 thửa đất. Nguyên nhân do một số hộ đo không đúng diện tích so với thực tế, một số người làm ăn xa chưa về, chưa lấy được sổ đỏ để cùng rà soát, đối chứng. Một số thửa đang đo, bao gồm nhiều nhà vào một thửa do hiện trạng sử dụng không có ranh giới cụ thể, một số thửa đất khác lại có hiện trạng không khớp so với giấy chứng nhận.
Đặc biệt nhất là khu đô thị Hoàng Sơn nằm ở trái tuyến QL7 đang có phần vỉa hè lát đá tự nhiên nằm trong phạm vi hành lang đường bộ, đến nay vẫn... chưa có kế hoạch tháo dỡ, để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Chánh Văn phòng UBND huyện Diễn Châu Trần Văn Hiến cho biết: Do đất ở hai bên QL7 đoạn qua huyện Diễn Châu được cấp từ khá lâu nên còn một số vấn đề tồn tại, do đó Ban giải phóng mặt bằng phải làm thận trọng, theo đúng quy định, thời gian phải kéo dài...
Điều mà Ban Quản lý dự án 4 lo lắng nhất hiện nay là tuy các huyện đã có văn bản về kế hoạch thực hiện, nhưng do các vướng mắc nêu trên nên rất khó hoàn thành theo tiến độ đề ra. Đặc biệt, công tác ký hồ sơ của các hộ dân vào bản đồ trích đo tại huyện Diễn Châu, đến nay còn 248 thửa chưa ký biên bản. Một vướng mắc nữa là các đoạn đã được bàn giao không liên tục, nên việc triển khai thi công chỉ được một số đoạn và gặp nhiều khó khăn.
Đoạn Km0-Km5, theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải phải hoàn thành trong quý III/2023, nhưng đến nay mới bàn giao được 3,725km trong tổng số 10km. “Trong đoạn này có 18 hộ phải tái định cư, đến nay chưa kiểm đếm. Đoạn Km0+200-Km0+800 phía trái tuyến, qua khu đô thị Hoàng Sơn hiện tại có vỉa hè và hệ thống điện chiếu sáng nằm ngoài quy hoạch được duyệt.
Tháng 10/2022, Ban Quản lý dự án 4 đã báo cáo UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ban, ngành sớm giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến”, ông Trần Đình Sơn nhấn mạnh. Với tiến độ giải phóng mặt bằng nêu trên, các đơn vị thi công khó hoàn thành theo tiến độ đề ra, do vậy đề nghị tỉnh Nghệ An chỉ đạo các huyện và ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho Ban Quản lý dự án 4 nhằm bảo đảm tiến độ dự án.