Bắc Giang: Bảo đảm an toàn giao thông từ đường làng

Ngày 17/01/2023
Đời sống người dân ở khu vực nông thôn, miền núi được cải thiện nên nhiều gia đình có điều kiện mua sắm xe máy, ô tô. Hệ thống giao thông nông thôn cũng được đầu tư xây dựng, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã cứng hóa hơn 4.200 km đường thôn, xã, huyện.

Tuy vậy, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) cũng gia tăng đòi hỏi các giải pháp hữu hiệu.

Cảnh sát giao thông huyện Lục Nam phối hợp với Công an xã Cương Sơn tuần tra, xử lý vi phạm trên đường tỉnh 293. 

Xã Cương Sơn (Lục Nam) có nhiều tuyến giao thông nối với các xã, thị trấn khác, lượng người đi lại lớn. Thượng úy Dương Đức Bình, cán bộ Công an xã Cương Sơn cho biết, lực lượng công an xã thường xuyên hỗ trợ, phối hợp với các đội nghiệp vụ Công an huyện trong công tác tuần tra, xử lý, xác định người vi phạm trên địa bàn…

Bên cạnh đó, Công an xã tổ chức tuyên truyền những quy định về bảo đảm trật tự ATGT, kỹ năng tham gia giao thông cho nông dân, thanh thiếu niên, học sinh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành.

Trực tiếp tuần tra, lập chốt xử lý những vi phạm nên Trung úy Trịnh Phú Quý, Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Lục Nam nắm rõ thực trạng chấp hành quy định pháp luật về ATGT của người dân. Anh trao đổi, mặc dù lực lượng công an và các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhưng nhận thức của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. 

Vi phạm pháp luật giao thông đường bộ chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm (MBH), điều khiển phương tiện không có giấy phép, chở quá số người quy định... Trong đó, đáng lo ngại là các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông và làm tăng mức độ nghiêm trọng nếu xảy ra tai nạn.

Chỉ trong thời gian ngắn cùng tổ tuần tra của Công an huyện Lục Nam làm nhiệm vụ trên đường tỉnh 293, chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử như anh Đ.V.Đ (SN 1977) ở xã Nghĩa Phương (Lục Nam) điều khiển xe máy chở thêm một người nhưng cả hai đều không đội MBH. Lý do được anh Đ đưa ra là “đi ra chợ mua ít hàng, do nhà gần nên chủ quan không đội MBH”.

Được biết, từ ngày 1 đến 13/1, Công an huyện Lục Nam đã lập biên bản 162 trường hợp vi phạm, trong đó 23 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 35 trường hợp vượt quá tốc độ, 78 trường hợp không đội MBH… Qua đó, cơ quan công an tạm giữ 8 ô tô, 43 mô tô, xử phạt hơn 190 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 21 trường hợp.

Tìm hiểu trên địa bàn huyện Yên Thế cũng có nhiều điểm tương tự. Tại tuyến đường liên xã thuộc xã Đồng Vương, tổ tuần tra của Công an huyện phát hiện anh N.H.P (SN 2003) ở xã Đồng Tiến đi xe máy không đội MBH, xe không có gương chiếu hậu. Anh P phân trần: “Do đi từ nhà đến gia đình chị gái ở khu vực Mỏ Trạng, nghĩ khoảng cách gần nên không đội MBH”. 

Đại úy Lê Thế Biên, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Yên Thế cho biết, thực tế cho thấy trong tổng số trường hợp vi phạm, người dân khu vực nông thôn, miền núi, đồng bào là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 40%. Trước thực trạng đó, Công an huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân thực hiện quy định "Đã uống rượu, bia, không lái xe", tuân thủ đội MBH, không chở quá số người khi đi xe máy, đi đúng tốc độ, không phóng nhanh vượt ẩu... 

Đồng thời huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường và địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự ATGT; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chú ý đến những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông.

Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, để giảm thiểu vi phạm ATGT và tai nạn giao thông khu vực nông thôn, miền núi vẫn cần kiên trì tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT đến người dân. Tập trung đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh và người đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, khu vực nông thôn. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, phù hợp với đặc điểm, nhận thức của người dân. Tranh thủ sự giúp đỡ của những có người uy tín, già làng, trưởng thôn, bản… để tăng hiệu quả tuyên truyền.

Lực lượng cảnh sát giao thông cấp tỉnh, huyện phối hợp chặt chẽ với công an các xã, thị trấn nắm tình hình, địa bàn, phối hợp tuần tra bảo đảm ATGT khu vực nông thôn, miền núi. Đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Đề xuất, kiến nghị với chính quyền, ngành giao thông rà soát, khắc phục bất cập về tổ chức giao thông, hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, bảo đảm an toàn cho nhân dân ngay từ trên đường thôn, làng.

Nguồn: Báo Bắc Giang