Cao Bằng: Những cung đường mùa xuân

Ngày 01/02/2023
Trên những cung đường mới mở rải nhựa bằng phẳng từ trung tâm tỉnh đến các xóm, xã vùng sâu, vùng xa như bừng lên một sức sống mới. Những con đường đã và đang kết nối giữa thành thị với nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho tỉnh.

Dự án Đường tỉnh 208 tiếp tục triển khai giai đoạn II

Khi những bông hoa đào bắt đầu khoe sắc dọc hai bên đường tại huyện Trùng Khánh, trước mắt chúng tôi là đường tỉnh 213 được rải nhựa bằng phẳng từ thị trấn Trùng Khánh (Trùng Khánh) chạy dọc theo các xã: Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Ngọc Côn ra Cửa khẩu Pò Peo dài trên 20 km. Con đường được khởi công xây dựng từ năm 2019 với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng với chiều dài 20,2 km, rộng 7,5 m đến nay cơ bản hoàn thành, đã được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Anh Nông Văn Chấn, xóm Pò Peo, xã Ngọc Côn là người thường xuyên qua lại tuyến đường này phấn khởi chia sẻ: Trước đây, con đường xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đoạn đường lồi lõm, có "ổ voi" chiếm cả mặt đường và sâu gần 0,5 m nên các phương tiện giao thông di chuyển rất khó khăn; khi trời nắng thì bụi, trời mưa mặt đường tạo thành những hố nước không thể phân biệt được nông, sâu nên các loại phương tiện không thể lưu thông được. Đón Tết năm nay, không riêng gì tôi mà những người dân thường xuyên qua đây đều phấn khởi khi con đường gần như đã hoàn thiện, giao thương thuận lợi, hàng hóa được vận chuyển dễ dàng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đường tỉnh 213 kết nối ra Cửa khẩu Pò Peo là một trong những cửa khẩu có lưu lượng hàng hóa lớn của tỉnh. Việc tuyến đường được hoàn thiện không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại mà còn tăng cường gắn kết, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về du lịch, kinh tế biên mậu, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Không chỉ riêng tuyến đường 213, năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai đồng loạt nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, như: Dự án đường tỉnh 208 (giai đoạn II từ Cô Ngân - Chí Viễn, quy mô đường cấp IV miền núi, dài khoảng 39 km); Dự án đường nối thị trấn Xuân Hòa - thị trấn Thông Nông (quy mô đường cấp V miền núi, dài khoảng 30 km); Dự án đường tỉnh 205 (Quảng Uyên - Tà Lùng, quy mô đường cấp IV miền núi, dài khoảng 23 km); Dự án cầu Bản Đe; Dự án đường Nà Pồng - Đức Hạnh; Dự án cầu và đường nối Quốc lộ 34 với xã Nam Quang, Nam Cao... với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.691,1 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án lớn chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng gồm: Dự án đường tỉnh 213 (Trùng Khánh - Pò Peo); Dự án nguồn vốn vay ADB đường tỉnh 206, tuyến đường Tĩnh Túc - Mai Long - Phan Thanh; Dự án Quốc lộ 34 - Phan Thanh - Thành Công; Dự án đường vào động Dơi - Đồng Loan…

Hiện nay, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh có trên 6.763,26 km quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện... Nhìn chung, hạ tầng giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, tuy nhiên chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay, chưa phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nhiều tuyến đường được đầu tư từ lâu, quy mô kỹ thuật thấp, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân.

Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Lê Văn Định cho biết: Hiện nay, tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Sau khi được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, sẽ triển khai các bước tiếp theo để phê duyệt dự án, dự kiến sẽ khởi công từ quý I, quý II/2023. Ngoài ra, giai đoạn 2020 - 2025 tiếp tục đầu tư, nâng cấp, cải tạo hoặc sửa chữa các tuyến đường kết nối đến các cửa khẩu, các khu, điểm du lịch và các huyện của tỉnh giáp ranh các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Đến hết năm 2025, phấn đấu 85% chiều dài các tuyến đường huyện, đường xã được nhựa hóa/bê tông hóa mặt đường, 100% xã có đường đến trung tâm xã được nhựa hóa/bê tông hóa; đề nghị Chính phủ quy hoạch sân bay Cao Bằng vào giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, dịch vụ, hạ tầng cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

 

Nguồn: Báo Cao Bằng