Jakarta quyết thu phí ùn tắc sau nhiều lần thất bại

Ngày 08/02/2023
Chính quyền Jakarta, Indonesia đang hoàn tất kế hoạch thực hiện chính sách thu phí điện tử (ERP) để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông.

Đẩy mạnh thu phí điện tử

Một cổng thu phí thử nghiệm tại trung tâm Jakarta. Ảnh: Jakarta Post

ERP là giải pháp mới nhất mà chính quyền Thủ đô Indonesia tính tới khi nhiều chính sách khác như “phương pháp 3 trong 1” (chỉ những xe cá nhân có 3 người trong xe trở lên mới được phép vào một số tuyến đường), chính sách biển số chẵn - lẻ… không giúp Jakarta giảm tắc nghẽn triệt để.

Là nơi sinh sống của hơn 30 triệu người, vùng Thủ đô Jakarta liên tục phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn.

Mỗi ngày, siêu đô thị này có khoảng 48 triệu lượt đi lại, trong đó có hơn 22 triệu lượt tập trung ở trung tâm Jakarta.

Đánh giá về “căn bệnh” trầm kha này, quan chức phụ trách giao thông thuộc Sở Cảnh sát Thủ đô Jakarta - Latif Usman cho biết, tình hình tắc nghẽn ở thủ đô đã lên tới khoảng 48%, tương đương mức khó chịu.

Ở thời điểm trước đại dịch Covid-19, năm 2019, Jakarta từng là một trong 10 thành phố có tình trạng giao thông ùn tắc nhất thế giới, gây thiệt hại tới 4 tỷ USD mỗi năm.

Sau một thời gian dài áp dụng các giải pháp như “3 trong 1”, biển số chẵn - lẻ, Giám đốc Sở Giao thông Jakarta – ông Syafrin Liputo cho rằng, tắc nghẽn không giảm bền vững mà số lượng xe máy trong thủ đô lại tăng.

Theo thống kê, số lượng xe máy trong năm 2020 đã tăng 16,1 triệu, cao hơn so với một năm trước là 15,8 triệu xe.

Ông Syafrin Liputo cho biết, hiện Sở Giao thông Jakarta đang soạn thảo quy chế điều khiển giao thông điện tử áp dụng cho hệ thống ERP trên 25 tuyến đường nội đô và liên tỉnh.

Ông Syafrin nhấn mạnh tính cấp bách của việc kiểm soát giao thông bằng thu phí điện tử trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng về đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị thấp hơn nhiều so với tốc độ gia tăng phương tiện di chuyển cá nhân do tăng dân số và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông Jakarta thừa nhận biện pháp này cần chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ về kỹ thuật, pháp lý, tài chính cũng như thể chế thực hiện nhằm đạt hiệu quả tối ưu.

Nhen nhóm thu phí điện tử suốt 16 năm

Dù đã áp dụng nhiều giải pháp, Thủ đô Indonesia vẫn chưa giải quyết triệt để tắc đường

Tại Jakarta, kế hoạch thu phí điện tử đã được đưa ra bàn luận từ cách đây hơn 16 năm, bắt đầu từ Quyết định số 103 năm 2007 của Jakarta về mô hình giao thông vĩ mô.

Năm 2014, chính quyền Jakarta đã yêu cầu phải nghiên cứu thử nghiệm ERP nhưng chỉ 5 năm sau, quá trình thử nghiệm phải tạm dừng vì một công ty viễn thông tham gia dự án bị kiện.

Tuy nhiên, từ năm 2021, sau khi giải quyết xong vụ kiện, chính quyền Jakarta đã đề xuất một dự thảo quy định về kiểm soát giao thông bằng điện tử và dự thảo này đã được đưa ra bàn thảo tại Cơ quan lập pháp khu vực Jakarta.

Theo đó, Jakarta dự định sẽ thu phí ERP từ 5.000 Rp (khoảng 7,7 nghìn VNĐ) đến 19.000 Rp (29,5 nghìn VNĐ).

ERP sẽ áp dụng với ôtô, xe máy, trừ xe đạp điện, phương tiện cơ giới biển vàng, xe công vụ, xe quân sự, cảnh sát, xe mang biển ngoại giao, xe cứu thương, cứu hỏa… áp dụng từ 5h sáng đến 10h tối trên 25 tuyến đường, tổng cộng 54km.

Việc thực hiện ERP dự kiến sẽ ảnh hưởng tới người dân, buộc họ phải chuyển sang phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt trên những tuyến đường áp dụng thu phí. Đồng nghĩa, giao thông công cộng cần phải tăng công suất mạnh hơn.

Chẳng hạn, hiện tại, hệ thống vận tải xe buýt công cộng TransJakarta với tổng cộng 4.700 xe đang phục vụ 1,2 triệu khách/ngày.

Trong tương lai, dự kiến công suất vận tải của TransJakarta sẽ tăng lên 6.960 xe, phục vụ 1,5 triệu khách trong năm 2024, mở rộng từ 13 tuyến lên 15 tuyến buýt nhanh BRT.

Trong khi đó, hệ thống vận tải đại chúng Jakarta (MRT) đang có công suất 173 nghìn lượt khách/ngày, dự kiến trong năm 2024, sẽ hướng tới phục vụ 260 nghìn lượt khách/ngày khi hoàn tất dự án MRT giai đoạn 2A.

Hơn nữa, hệ thống vận tải đường sắt hạng nhẹ Jakarta (LRT) đang phục vụ 18 nghìn lượt khách/ngày, sẽ được đồng bộ với TransJakarta, tăng công suất lên 145 nghìn lượt khách/ngày.

Chưa kể còn có hệ thống đường sắt Greater Jakarta LRT dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2023, có công suất 730 nghìn lượt khách/ngày qua 18 nhà ga.

Nhà nghiên cứu đang làm việc tại Đại học Công giáo Soegijapranata ở Semarang, ông Djoko Setijowarno cho rằng, kế hoạch thu phí điện tử sẽ có cả điểm mạnh và điểm yếu.

“Một số người có thể phản đối sử dụng phương tiện công cộng do họ có quan điểm di chuyển bằng ôtô riêng thuận tiện, linh hoạt và đặc biệt là thể hiện được địa vị xã hội hơn.

Mặt khác, khi áp dụng ERP, trên một số tuyến đường, nhiều người dân buộc phải lựa chọn sử dụng hình thức giao thông công cộng, từ đó mang lại lợi ích về bảo vệ môi trường, ông Setijowarno nói.

ERP không phải là giải pháp mới để kiểm soát ùn tắc giao thông. Thu phí đường bộ điện tử (ERP) đã được Singapore thực hiện từ năm 1998 và là một trong những phương pháp xử lý ùn tắc giao thông hiệu quả nhất từ đó đến nay.

Trên thế giới, đã có Vương quốc Anh học tập mô hình này vào năm 2003. Singapore thu phí ERP với các mức giá khác nhau dựa trên khung thời gian và loại xe của chủ sở hữu phương tiện.

Thực tế, chính sách ERP tại Singapore và nhiều nước khác đã ứng dụng đòi hỏi mức đầu tư không hề thấp.

Đồng thời, để vận hành một cách tối ưu, chính phủ cần đảm bảo tích hợp liền mạch từ dữ liệu sở hữu phương tiện, hệ thống giám sát giao thông đến hệ thống thanh toán, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan.

Nguồn: Báo Giao thông