Khánh Hòa: Quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông

Ngày 16/02/2023
Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn biến khá phức tạp. Để kéo giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương), đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp.

Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí

Theo thống kê, năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 112 vụ TNGT, làm 117 người chết, 36 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021, TNGT tăng 28 vụ, tăng 30 người chết, tăng 11 người bị thương. Trong đó, có 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người chết, 8 người bị thương.


Lực lượng CSGT đo tốc độ trên Quốc lộ 1 qua địa bàn thị xã Ninh Hòa

Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Khánh Hòa cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT trên địa bàn tỉnh tăng cao. Theo thống kê, trong năm 2022, cả 3 tiêu chí về TNGT đều giảm sâu so với năm 2019 (giảm 30%) - thời điểm chưa diễn ra dịch Covid-19. Từ đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh dần hồi phục, kéo theo lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông tăng cao, mật độ lưu thông quá lớn, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh của phương tiện. Cùng với đó, công tác quản lý, bảo vệ lòng đường, hè phố, hành lang ATGT đã được các địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt; tuy nhiên, một số người dân vẫn chưa tuân thủ quy định, gây khó khăn cho công tác xử lý. Nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động bảo đảm trật tự ATGT còn hạn chế, chưa kịp thời.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người tham gia giao thông ý thức chấp hành kém hoặc cố tình vi phạm các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Chủ yếu các vụ TNGT xảy ra do người tham gia giao thông thiếu quan sát, đi không đúng phần đường, làn đường... chiếm 49/55 vụ đã có kết quả điều tra; phương tiện gây TNGT đường bộ đa số là mô tô, chiếm 36/55 vụ. Ngoài ra, số người không có giấy phép lái xe mô tô nhưng vẫn điều khiển mô tô tham gia giao thông rất lớn, khoảng 47%.

Khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp

Để kéo giảm TNGT trên địa bàn tỉnh, Ban ATGT tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu các địa phương, lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo ông Phạm Văn Trọng - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông, các địa phương, lực lượng chức năng cần có kế hoạch huy động tối đa lực lượng, tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến giao thông trọng điểm; những đoạn đường, nút giao thông thường xảy ra TNGT; điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; các bến thủy nội địa, điểm du lịch nhằm phát hiện và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. Cụ thể là vi phạm quy định về tốc độ, tải trọng, số người chở trên phương tiện, phần đường, tránh vượt, đón trả khách, nồng độ cồn; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

Các địa phương, sở, ngành liên quan cũng cần thường xuyên duy tu, bảo trì, nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông; khẩn trương tiến hành kiểm tra, rà soát việc bảo đảm ATGT đối với các công trình đường bộ đang khai thác. Đồng thời, yêu cầu các nhà thầu xây dựng tổ chức thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo đảm ATGT trong quá trình thi công các công trình giao thông; tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm của nhà thầu xây dựng do không thực hiện đúng các quy định về bảo đảm ATGT, để xảy ra TNGT nghiêm trọng tại các công trình đang thi công; rà soát bổ sung biển báo hiệu, giải tỏa vật cản che khuất tầm nhìn, bổ sung, gia cố sửa chữa các công trình bảo đảm ATGT tại các đoạn dốc, đường cong nguy hiểm.

Cơ quan chức năng cũng cần xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh vận tải không thực hiện đúng phương án kinh doanh đã đăng ký, để xảy ra TNGT nghiêm trọng và những cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe không đạt các điều kiện theo quy định; tăng cường kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm quá tải trọng theo quy định, chú trọng các giải pháp ngăn chặn vi phạm từ gốc, từ khâu xếp hàng lên xe. Các địa phương xử lý nghiêm việc lấn, chiếm hành lang ATGT đường bộ, đường sắt gây mất ATGT; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép, tăng cường cảnh báo, bố trí người cảnh giới tại những điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn cao; tăng cường kiểm tra ATGT đường thủy tại các bến thủy nội địa trên địa bàn, điểm du lịch...

Nguồn: Báo Khánh Hòa