Vĩnh Long: Nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt

Ngày 21/02/2023
Theo đánh giá, các tuyến xe buýt của tỉnh hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân cũng như chất lượng dịch vụ. Do đó, Vĩnh Long cần nhanh chóng thực hiện các kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, nhằm đảm bảo nhu cầu vận chuyển và xây dựng hình ảnh giao thông công cộng an toàn, văn minh, hiện đại.

Vĩnh Long hiện có 6 tuyến xe buýt đang khai thác.

Phương tiện cũ, chất lượng dịch vụ kém

Theo Sở GTVT, hiện nay, tỉnh đang khai thác 6 tuyến xe buýt, trong đó 2 tuyến liên tỉnh với 25 phương tiện phục vụ và 4 tuyến nội tỉnh với 35 phương tiện.

Tình trạng của các phương tiện hiện nay đa phần đều đã cũ và xuống cấp, chưa thu hút được người dân khi có nhu cầu di chuyển, đồng thời gây mất mỹ quan đô thị.

Các phương tiện mới chỉ cơ bản đáp ứng theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô khách thành phố (QCVN 10:2015/BGTVT).

Tuy nhiên, có nhiều tiêu chuẩn chưa đạt như số cửa lên xuống khách, số cửa thoát hiểm trên xe, điều hòa nhiệt độ…

Theo ông Nguyễn Quang Khải - Phó Giám đốc Sở GTVT, các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của người dân vì chất lượng dịch vụ chưa tốt, tính kết nối chưa cao, các phương tiện xe buýt phần lớn đã cũ. Người dân chưa lựa chọn xe buýt như phương tiện chính khi có nhu cầu di chuyển.

Những khó khăn trong việc khai thác hệ thống xe buýt trên hiện nay là do hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Các tuyến xe hiện tại chưa kết nối được trung tâm 8 huyện, thị xã, thành phố và các tỉnh lân cận.

Đặc biệt là chưa kết nối các khu công nghiệp, các trường học, các trung tâm thương mại. Ngoài ra các đơn vị khai thác không đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư mới phương tiện đưa vào khai thác để thu hút người dân sử dụng xe buýt.

Theo anh Nguyễn Thanh Tâm (Phường 9, TP Vĩnh Long) - người thường xuyên sử dụng xe buýt để di chuyển giữa TP Vĩnh Long và xã Thới Hòa (huyện Trà Ôn) cho biết, các xe buýt hiện nay đã rất cũ và hình thức xe cũng “phai màu” theo thời gian. Đặc biệt là hiện nay muốn di chuyển bằng xe buýt phải đợi đến 2 giờ mới có chuyến xe tiếp theo.

“Tôi cũng có dịp đi xe buýt ở một số tỉnh thành như Đồng Tháp, Cần Thơ,… cảm thấy khá tốt về phương tiện, chất lượng dịch vụ và giá cả.

Hy vọng thời gian tới tỉnh cũng sẽ có phương án để khai thác các tuyến xe buýt, làm thế nào để thu hút được người dân đi xe buýt”- anh Tâm chia sẻ.

Một chủ phương tiện đang chạy tuyến xe buýt TP Vĩnh Long - Tích Thiện (huyện Trà Ôn) thì chia sẻ, lượng khách đi ít nên rất khó khăn trong việc hoàn vốn và tái đầu tư dẫn đến việc phương tiện xuống cấp. Hiện đa phần xe buýt đang khai thác đều xuống cấp.

Cần nâng cấp hệ thống vận tải xe buýt

Theo Sở GTVT, trong năm 2023 sở sẽ tiến hành đấu thầu khai thác 6 tuyến xe buýt, trong đó yêu cầu về chất lượng phương tiện sẽ được xem là điều kiện tiên quyết để lựa chọn nhà đầu tư.

Trong khi đó, giai đoạn 2024 - 2025 theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt sẽ mở thêm 3 tuyến mới, trong đó có 1 tuyến liên tỉnh từ Vĩnh Long đi Trà Vinh.

Theo ông Nguyễn Quang Khải, hiện nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương cho Sở GTVT tổ chức đấu thầu khai thác một số tuyến xe buýt trong tỉnh nhằm thu hút các đơn vị có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm vận hành để phát triển loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe buýt.

Theo ông Khải, hiện sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về việc ban hành Kế hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2021 - 2025 và quyết định về việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Qua đó, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu khai thác 6 tuyến xe buýt không trợ giá trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023.

Cụ thể là các tuyến: Vĩnh Long - Quới An; Vĩnh Long - Vũng Liêm; Vĩnh Long - Trà Ôn; Vĩnh Long - Tích Thiện; Vĩnh Long - Cần Thơ; Cần Thơ - Vũng Liêm để nâng cấp, mời gọi đầu tư khai thác các tuyến xe buýt.

Đồng thời đã có kế hoạch xây dựng, cải tạo, nâng cấp các điểm dừng, nhà chờ bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và thống nhất chủ trương thực hiện xã hội hóa.

Cũng theo ông Khải, hiện cũng đã xây dựng một số chính sách đãi ngộ để thu hút đầu tư như: các nhà đầu tư sau khi trúng đấu giá sẽ được độc quyền khai thác các tuyến xe buýt, cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.

“Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác 6 tuyến xe buýt, là tiền đề để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng bằng xe buýt, đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân cũng như đáp ứng các tiêu chí về xây dựng hệ thống xe buýt an toàn, hiện đại, văn minh”- ông Nguyễn Quang Khải cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quang Khải, sở tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2427/QĐ-UBND ngày 7/1/2018 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ vận tải tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đặc biệt là phát triển hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt. Trong đó tập trung duy trì hoạt động của các tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt, nâng cao mức độ phục vụ, tần suất hoạt động, đổi mới các phương tiện. Đồng thời tiến hành xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của các tuyến vận tải công cộng bằng xe buýt. Thúc đẩy đưa xe buýt là một trong những phương tiện chính để di chuyển của người dân.

Nguồn: Báo Vĩnh Long