Bất cập thu phí THC cao, trả giá xếp dỡ cảng biển thấp

Ngày 23/02/2023
Các hãng tàu thường phụ thu phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng (THC) khá cao, song lại trả các doanh nghiệp cảng biển khá thấp.

Giá xếp dỡ cảng biển bằng 30-45% giá THC

Tin từ Cục Hàng hải VN, các hãng tàu hiện nay đang thu giá THC tại Việt Nam với các hãng xuất nhập khẩu là 120 USD/cont 20 feet và 170 - 180 USD/cont 40 feet. Đáng chú ý, các hãng trả cho cảng giá bốc dỡ container bằng khoảng 30-45% giá THC.

Cụ thể, so sánh bảng giá niêm yết từ các hãng tàu cho thấy, mức giá THC các hãng tàu thu của chủ hàng tại Việt Nam khá cao. Mức giá này cao hơn Indonesia (khoảng 95 USD/cont 20 feet, 145 USD/cont 40 feet), Malaysia (khoảng 100 USD/cont 20’, 145 USD/cont 40’) và chỉ thấp hơn Singapore (154 USD/cont 20’, 238 USD/cont 40’), Philippines (171 USD/cont 20’, 214 USD/cont 40’) và Campuchia (130 USD/cont 20’, 180 USD/cont 40’).

Hiện nay, các hãng tàu ngoại đều đang thu phụ phí THC. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, mức giá mà các hãng tàu trả cho các cảng biển Việt Nam lại thuộc hệ thấp nhất khu vực. Hiện nay, giá bốc dỡ trả cho các cảng dao động khoảng 33-52 USD/cont 20’ và 50-77 USD/cont 40’. Mức giá này chỉ tương đương 30-45% giá THC.

Trong khi đó ở các cảng biển khác trong khu vực, tỷ lệ giá bốc dỡ trong giá THC đều đạt mức cao như Indonesia (86 - 88 %), Malaysia (75 - 84 %), Singapore (66 - 72 %), Phlippines (57 - 64 %). Ngay Campuchia cũng được trả mức giá xếp dỡ tại cảng biển cao, đạt 50 - 55 % giá THC.

Đáng nói hiện nay, có tới 90% hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam đang bị các hãng tàu nước ngoài “thâu tóm”. Trong đó, mức giá các loại phụ thu do hãng tàu tự đưa ra mà không có sự thỏa thuận với khách hàng.

Bởi thế, biên độ chênh lệch giữa giá THC và giá bốc dỡ lớn được cho là sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho hãng tàu nước ngoài.

Giá xếp dỡ container của Việt Nam đang thấp nhất khu vực

“Cần thiết phải xây dựng quy định để điều tiết lại tỉ lệ giữa giá bốc dỡ tại cảng biển với giá THC (giảm biên độ chênh lệch) để bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp cảng biển Việt Nam, đồng thời phải bổ sung cơ chế quản lý giá THC chặt chẽ hơn để hãng tàu không tuỳ tiện tăng giá THC khi cảng điều chỉnh giá bốc dỡ”, đó là nhận định của Cục Hàng hải VN trong phương án quản lý giá dịch vụ cảng biển.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp cảng biển, mức giá bốc dỡ container của Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực. Ngay cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải được áp dụng khung giá xếp dỡ cao, nhưng cũng chỉ bằng 60% so với các cảng trong khu vực ASEAN.

Theo các DN, giá bốc dỡ hiện nay tại các cảng biển được áp dụng trong Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam không còn phù hợp với thực tiễn.

Trong khi phí thu THC của các hãng tàu quá cao, nhưng chỉ trả về cảng chưa đầy 50%, việc cần thiết hiện nay là tăng khung giá dịch vụ cảng biển.

Như lời Tổng giám đốc Cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) Nguyễn Xuân Kỳ, khung giá bốc xếp cảng biển hiện nay nên tăng giá khoảng 10% và theo chu kỳ 3 năm một lần. “Các hãng tàu nước ngoài có thể tự do tăng phụ phí THC, nên việc tăng khung giá dịch vụ cảng biển càng cần thiết”, Tổng giám đốc CMIT nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp với Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu DN này phối hợp với các đơn vị liên quan, đánh giá cụ thể những tác động của việc tăng giá, phí cảng biển đến các vấn đề như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đến các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng giao Cục Hàng hải VN sớm nghiên cứu sửa đổi Thông tư 54/2018 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Phí THC là phụ phí xếp dỡ tại cảng là khoản phụ phí thu trên mỗi container để bù đắp chi phí cho các hoạt động làm hàng tại cảng, như: xếp dỡ, tập kết container ra cầu tàu...

Theo báo cáo của một số hãng tàu, giá THC bao gồm các giá bốc dỡ container, giá bốc dỡ container rỗng, chi phí liên quan đến chuyển tải, chi phí liên quan đến vận tải rỗng, chi phí liên quan đến cảng (buộc cởi dây, đổ rác, đại lý phí), chi phí liên quan đến hành chính và bảo hiểm...

Nguồn: Báo Giao thông