Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ: Ưu tiên GPMB, đẩy nhanh tiến độ thi công

Ngày 29/03/2023
Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C) với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, khởi công vào tháng 11/2022.

Hiện nay, dự án chậm tiến độ do ảnh hưởng công tác giải phóng mặt bằng. Thành phố đang khẩn trương tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành dự án…

Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra hiện trường công trình xây dựng cầu Ba Láng

thuộc Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ.

Vướng mắc...

Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ có khoảng 1.380 trường hợp bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất hơn 161ha. Ðến nay, đã tiến hành kiểm đếm nhà, vật kiến trúc, cây trồng đạt 98,5%. UBND các quận, huyện đã ban hành quyết định phê duyệt chi phí bồi thường cho 416 hộ dân với số tiền là 649,457 tỉ đồng. Ðã chi trả cho 392 hộ dân với số tiền là 618,035 tỉ đồng. Tính đến tháng 3/2023, bàn giao mặt bằng có thể triển khai thi công là 3,2km, đạt tỷ lệ 17%.

Hiện đang triển khai thi công 4/7 gói thầu. Cụ thể, gói 16 thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km03+000-Km06+080); gói 17 thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km06+080-Km09+340); gói 19 thi công xây dựng đường và các cầu (đoạn Km12+480-Km16+550.13) và gói 20 thi công xây dựng cầu Ba Láng. Do chưa có mặt bằng, nên nhà thầu thi công và tư vấn giám sát đang thực hiện hoàn chỉnh một số công tác liên quan trình chủ đầu tư phê duyệt. Tại một số vị trí đã nhận mặt bằng, đơn vị thi công phát hoang, đào khuôn đường; tập kết máy móc, thiết bị, triển khai công tác dọn dẹp, san lấp mặt bằng…

Về nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố cho biết: Số trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án rất lớn, nhưng đến nay, các địa phương chỉ phê duyệt được khoảng 34%. Ðồng thời, các hộ dân phê duyệt và chi trả bồi thường nằm rải rác trên tuyến nên chưa thể triển khai thi công đồng bộ các gói thầu số 16,17, 19 và 20. Mặt khác, các khu tái định cư của các quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa áp giá nền. Do vậy, chưa đủ điều kiện để bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Hiện nay, theo khái toán sơ bộ của các địa phương theo giá đất năm 2022, kinh phí công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư toàn bộ dự án dự kiến tăng. Với kinh phí được duyệt ban đầu chỉ giải quyết cho khoảng 40% số hộ, còn lại phải chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư mới triển khai tiếp tục.

Ðối với việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt còn chậm. Ngoài ra Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận, huyện vẫn chưa ký hợp đồng với các đơn vị thiết kế để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Các gói thầu còn lại đang điều chỉnh nguồn vốn đầu tư do giá các loại vật liệu xây dựng tăng nên vẫn chưa triển khai đấu thầu...

Đẩy nhanh tiến độ

Dự án đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ là công trình trọng điểm của TP Cần Thơ, theo kế hoạch, sẽ hoàn thành vào năm 2026. Tuy nhiên, tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thành phố rút ngắn thời gian triển khai thi công. Thành phố phấn đấu hoàn thành dự án vào tháng 6/2025, đây sẽ là công trình chào mừng Ðại hội Ðảng bộ TP Cần Thơ nhiệm kỳ tới. Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã thành lập Tổ công tác để theo dõi và kịp thời có những chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dự án.

Ðể triển khai thi công công trình đảm bảo đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2025, ông Nguyễn Hoàng Tùng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao mặt bằng các vị trí ưu tiên trong tháng 4/2023 để tập trung thi công các gói thầu. Ðối với các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, các chủ sở hữu khẩn trương hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt trong Quý I/2023. Ðồng thời, ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất các quận, huyện khẩn trương ký hợp đồng với các đơn vị thiết kế để có cơ sở xem xét, phê duyệt chi phí hỗ trợ di dời…

Hiện nay, UBND các quận, huyện cùng các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Theo bà Phan Thị Nguyệt, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, quận đang tích cực rà soát, tháo gỡ khó khăn từng trường hợp, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, bàn giao mặt bằng. Trong đó, sẽ ưu tiên giải phóng mặt bằng những nơi đơn vị đã thi công để tập trung nguồn vốn chi trả, tránh tình trạng thi công loang lổ, da beo…

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ yêu cầu chủ đầu tư và các quận, huyện phải xây dựng kế hoạch chi tiết trong công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án từng tháng và phân công nhiệm vụ rõ ràng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vấn đề phát sinh. Ðối với giải phóng mặt bằng, các địa phương tập trung giải quyết bố trí tái định cư, nhanh, chất lượng, đảm bảo pháp luật, từ thời gian thông báo đến khi thu hồi đất phải có sự đồng thuận của người dân. Lưu ý, quyết định thu hồi đất, quyết định phương án bồi thường phải được thực hiện cùng ngày. Ðối với vấn đề bố trí tái định cư, ông Dương Tấn Hiển gợi mở: Người dân nào cần tái định cư thì xem xét giao trước. Trên thực tế những người dân nhận nền tái định cư chỉ có 30% là xây nhà, còn lại là bán nền. Do đó, có thể xem xét đẩy mạnh phương án tái định cư phân tán. Ngoài ra, quận Ninh Kiều, Cái Răng có thể tính toán thêm phương án xây chung cư tái định cư. Tùy điều kiện từng địa phương, thành phố triển khai phương án tái định cư tập trung, tái định cư phân tán bằng tiền hoặc xây dựng chung cư tái định cư. Ðối với công tác xây lắp tại 4 gói thầu đang triển khai, chủ đầu tư quan tâm đôn đốc các nhà thầu thi công thực hiện theo đúng thời gian, đảm bảo chất lượng…

Dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ có điểm đầu giao với Quốc lộ 91 (tại Km20+370 Quốc lộ 91) và giao với đường tỉnh 922; điểm cuối giao với Quốc lộ 61C (tại Km1+400 Quốc lộ 61C). Chiều dài tuyến 19,264km đi qua các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và huyện Phong Ðiền. Trong đó có 24 vị trí cầu trung và nhỏ, 1 vị trí cầu lớn và các cống thoát nước theo địa hình.

Tuyến đường được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài đặc biệt quan trọng của thành phố, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của quốc gia và của vùng ÐBSCL như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 1A tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa thành phố với các tỉnh lân cận được thuận lợi, nhanh chóng và an toàn. Ngoài ra, góp phần rất lớn giảm ùn tắc giao thông khu vực nội ô quận Ninh Kiều, mở rộng không gian phát triển thành phố về phía Tây…

Nguồn: Báo Cần Thơ