Thủ tướng phát lệnh thông xe Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây

Ngày 29/04/2023
Sáng nay (29/4), Bộ GTVT tổ chức Lễ khánh thành cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây. Buổi Lễ được tổ chức trực tuyến tại 2 điểm cầu ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và điểm cầu xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức thông xe

 các dự án thành phần Mai Sơn-QL45, Phan Thiết-Dầu Giây tại nút giao Phan Thiết,

xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận

Tại tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (GTVT) dự lễ khánh thành các dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45, Phan Thiết-Dầu Giây với tổng chiều dài hơn 160 km thuộc tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi Lễ

Tham dự buổi lễ tại các điểm cầu có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tinh thần  thi công “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”

Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, giai đoạn 2021-2025, đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục được Đảng, nhà nước xác định là một trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, ngành GTVT được Quốc hội, Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng các Dự án đường bộ cao tốc, với mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc và hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2050, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.


Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu tại buổi Lễ

Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương; Bộ GTVT đã và đang mạnh mẽ đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm, thực hiện phân cấp, phân quyền, quyết liệt, bám sát thực tiễn để chỉ đạo, điều hành, nêu cao trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu với mục tiêu hoàn thành các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ - mỹ thuật, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư. Với tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống “đi trước mở đường” của ngành GTVT. Đến nay, nhiều dự án trọng điểm của ngành GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Trong đó, đường bộ cao tốc đã hoàn thành 1.580 km (Riêng: giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1163 km, trong 03 năm gần đây chúng ta đã đưa vào khai thác 416 km).


Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng thị sát thực tế và chỉ đạo tại
 Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, tháng 01/2023

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thêm, theo quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Trong giai đoạn vừa qua bằng nhiều nguồn vốn, ngành GTVT tiếp tục triển khai Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km và giai đoạn 2021 - 2025 gồm 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729 km.

Với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020. Đến nay đã đưa vào khai thác 2 dự án với tổng chiều dài 113 km.
"Và hôm nay, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT tổ chức khánh thành đưa vào khai thác hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 53 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua địa phận các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai, nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam đưa vào khai thác lên 784 km so với giai đoạn trước năm 2020 là 458 km. Đồng thời, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai, dự kiến  để đến ngày 19/5/2023 sẽ khánh thành thêm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49km. Tiếp đến cuối năm 2023 khánh thành thêm 04 đoạn với tổng chiều dài 133km; đến năm 2024 sẽ hoàn thành 2 đoạn[2] với tổng chiều dài 129 km và đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau", Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ.


Cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 được đưa vào khai thác từ ngày 29/4,
kịp thời san sẻ áp lực phương tiện cho QL1A trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Cũng theo Thứ trưởng, Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công vào tháng 9/2020. Quá trình triển khai thực hiện dự án đã gặp không ít khó khăn, thách thức đó là: giai đoạn năm 2020 -- 2021, khi cả nước chung tay phòng chống và vượt qua đại dịch COVID-19, có những thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội nên không thể huy động đầy đủ nhân sự, thiết bị vào công trường; Dự án trải dài qua nhiều khu vực có địa hình, địa chất phức tạp nhất là khu vực nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi chặt chẽ, điều chỉnh những giải pháp thiết kế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình; có những giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng vật liệu do cùng một thời điểm triển khai nhiều Dự án có quy mô lớn trên phạm vi cả nước; xung đột địa chính trị trên thế giới làm giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng đầu năm 2022 có biến động lớn; Thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ; khó khăn về công tác GPMB, các nhà thầu gặp khó khăn về nguồn tài chính… Những khó khăn này, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai thi công các dự án.


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng các đồng chí

lãnh đạo các cơ quan Trung ương, địa phương cắt băng thông xe Dự án tại Thanh Hóa

Tuy thế, theo Thứ trưởng, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành trung ương và địa phương, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ đạo nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, xóa bỏ những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án. Đồng thời, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhng lúc cả nước khó khăn phải cùng đồng lòng vì mục tiêu chung, vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc; lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, ngành GTVT xác định phải quyết tâm hoàn thành các dự án vì đó là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, nhà nước và nhân dân; trực tiếp các đồng chí Lãnh đạo Bộ đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, làm việc với các Bộ ngành và địa phương để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ theo thẩm quyền và đôn đốc triển khai.

Để dự án về đích theo kế hoạch đã đề ra, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã phát động phòng trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các Ban QLDA, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu nỗ lực phấn đấu. Hưởng ứng phong trào thi đua, các đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực triển khai thi công “3 ca 4 kíp”, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết nhằm sớm hoàn thành các dự án. Đến nay, 02 dự án đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện đưa vào khai thác phục vụ nhân dân.

"Nhân buổi lễ hôm nay, Bộ GTVT xin trân trọng cảm ơn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã luôn quan tâm, ủng hộ đối với sự phát triển của ngành GTVT ; Trân trọng cảm ơn Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan của Quốc hội đã luôn ủng hộ chủ trương, bố trí đủ nguồn vốn và dành sự quan tâm, giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức thực hiện các Dự án; Trân trọng cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã dành nhiều thời gian trực tiếp kiểm tra hiện trường, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các Dự án.

Sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, Đảng, nhà nước, đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn, tạo ra khí thế tích cực, quyết tâm đối toàn ngành GTVT trong thực hiện mọi nhiệm vụ được giao", Thứ trưởng Lê Đình Thọ trân trọng bày tỏ, đồng thời  trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành trung ương, các cấp ủy đảng, chính quyền của các tỉnh, thành phố có Dự án đi qua; bà con nhân dân khu vực bị ảnh hưởng của Dự án đã sẵn sàng di dời nhà cửa, ruộng vườn… để nhường đất thi công các Dự án; các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và của các địa phương luôn đồng hành, chia sẻ, cổ vũ, động viên, kịp thời tuyên truyền những kết quả cũng như những khó khăn, bất cập trong suốt quá trình triển khai Dự án.

Thứ trưởng cũng biểu dương các cơ quan thuộc Bộ GTVT, các Ban QLDA, các nhà thầu thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, đặc biệt là các công nhân, kỹ sư, cán bộ quản lý đã không quản ngày đêm trên công trường, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực triển khai, đưa 02 dự án về đích thành công.

"Những khó khăn mà chúng ta đã vượt qua sẽ là bài học kinh nghiệm hết sức quý báu đối với ngành GTVT; Bộ GTVT yêu cầu 

Dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 có tổng chiều dài hơn 63 km đi qua hai tỉnh: Ninh Bình (hơn 14 km), Thanh Hóa (hơn 49 km).

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài: 99 km đi qua hai tỉnh: Bình Thuận (gần 48 km), Đồng Nai (hơn 51 km).

Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng.

Giai đoạn hoàn chỉnh, cả hai dự án được đầu tư quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120 km/h.

các Chủ đầu tư, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn cần tiếp tục phát huy và nỗ lực hơn nữa để triển khai các dự án trong thời gian tới. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ công tác khảo sát, thiết kế, đến quản lý thi công phải chặt chẽ về thủ tục, hạn chế tối đa việc điều chỉnh thiết kế trong giai đoạn thi công, không làm tăng tổng mức đầu tư dự án; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Toàn ngành phấn đấu sớm hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ", Thứ trưởng Lê Đình Thọ bày tỏ.

Đại diện Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhấn mạnh thêm, hai dự án khánh thành ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận và Đồng Nai cũng như đối với các địa phương trong khu vực. Từ nay, thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội đến Thanh Hóa cũng như từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bình Thuận giảm đáng kể, chất lượng và năng lực khai thác được nâng cao.

Để các Dự án đưa vào khai thác và phát huy hiệu quả đầu tư, Thứ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, các đơn vị tư vấn, các đơn vị thi công tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung thi công để hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình, hoàn thành đồng bộ Dự án trước ngày 30/6/2023; đồng thời tập trung để hoàn thành công tác thanh, quyết toán công trình; trong quá trình vận hành khai thác phải đảm bảo tuyệt đối an toàn; Đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp để các đơn vị sớm hoàn thành hạng mục còn lại của dự án, cũng như phối hợp trong quá trình tổ chức khai thác tuyến cao tốc đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới để phát triển các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ và đặc biệt là giảm chi phí logistics (chi phí logistics ở nước ta khoảng 17% trong khi đó các nước trong khu vực chỉ 12-13%, làm cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu chưa cao).

Trong hạ tầng giao thông, hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo quốc phòng-an ninh, mở rộng các không gian phát triển kinh tế-xã hội cho mỗi địa phương, mỗi vùng và cho cả đất nước. Đặc biệt, hành lang vận tải Bắc-Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế-vận tải huyết mạch của đất nước.

Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị-Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố và chúng ta đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km. Với 2 dự án vừa được khánh thành dài 160 km, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc-Nam đạt khoảng 800 km và dự kiến sẽ đạt khoảng 950 km khi các đoạn Phan Thiết–Vĩnh Hảo, Cam Lâm–Nha Trang hoàn thành trong tháng 5 tới.

Vượt nắng thắng mưa đưa dự án về đích đúng hẹn

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương cán bộ, công chức, người lao động ngành GTVT, đặc biệt là các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để khắc phục các khó khăn, làm việc không quản ngày đêm, "3 ca, 4 kíp", huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành.


Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Lễ thông xe

Thủ tướng cũng đánh giá cao sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương đã phối hợp, hỗ trợ Bộ GTVT và các địa phương nhanh chóng giải quyết những vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền. Đồng thời, biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án. Thủ tướng cảm ơn bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng của các dự án, đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà, nhường chỗ ở, nhường chỗ canh tác để triển khai các dự án.

"Chúng ta đã vượt nắng, thắng mưa, vượt qua đại dịch, thắng bão giá, vượt lên chính mình với quyết tâm cao nhất, cố gắng lớn nhất, nỗ lực và quyết liệt hành động để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phải nhắc lại điều này để chúng ta có thêm tự tin, bản lĩnh trong đối phó với các khó khăn, thách thức, tiếp tục triển khai công việc trong thời gian tới", Thủ tướng nói.


Tuyến cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác 
với vận tốc thiết kế lên đến 120 km/h. 

Theo Thủ tướng, Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu tới năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km cao tốc và tới năm 2030, có khoảng 5.000 km cao tốc. Theo Bộ GTVT, tính cả các tuyến đường trục ngang và tuyến Bắc-Nam, đến nay, cả nước đã hoàn thành 1.580 km cao tốc, trong đó giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1.163 km và chỉ riêng 3 năm gần đây đưa vào khai thác 416 km. Như vậy, từ nay tới cuối nhiệm kỳ, chúng ta phải hoàn thành gần 1.500 km cao tốc nữa. Cùng với đó, chúng ta đang nghiên cứu, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, tiếp tục xây dựng các sân bay, cảng biển…

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là khối lượng công việc rất lớn, rất nặng nề, với yêu cầu rất cao, phải quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ một số bài học kinh nghiệm quan trọng từ việc triển khai các dự án cao tốc thời gian qua. Theo đó, phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả, lấy hiệu quả làm thước đo.

Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo; tuyệt đối không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ, có trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, nhà thầu.

Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi để các địa phương chủ động, linh hoạt, sáng tạo giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặt lợi ích của quốc gia dân tộc, lợi ích chung lên trên hết, trước hết.

"Phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Tôi muốn nhấn mạnh là làm sao để đời sống nhân dân phải tốt hơn và ít nhất là bằng nơi ở cũ một cách bền vững cả về vật chất và tinh thần; đặc biệt lưu ý đến là sinh kế của nhân dân nơi có dự án đi qua", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp; lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; đảm bảo các yếu tố về kỹ - mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư không hợp lý, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động, thưởng phạt phân minh, kịp thời.

"Phải xác định rõ các khó khăn, vướng mắc ở đâu, ai giải quyết? Thời hạn giải quyết? Những vấn đề giải quyết được ngay thì các bộ, ngành, địa phương có câu trả lời rõ ràng, dứt khoát; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, chủ động giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, linh hoạt, hiệu quả", Thủ tướng nêu rõ.

Việc hoàn thành 02 tuyến cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Phan Thiết – Dầu Giây có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Ninh Bình, Thanh Hóa nói riêng, của các địa phương lân cận, của các vùng và của đất nước nói chung.

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án để làm bài học cho các dự án sau này.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam vào khai thác đúng kế hoạch, nhất là tuyến Phan Thiết-Vĩnh Hảo và Cam Lâm-Nha Trang; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các địa phương khẩn trương triển khai xây dựng các dự án cao tốc trục Đông-Tây, các dự án Vành đai TPHCM và Hà Nội; Bộ GTVT chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh hơn nữa các dự án kết nối liên vùng theo hình thức PPP, đầu tư công.

Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận và Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống của người dân, nhất là những gia đình, những người đã nhường mặt bằng cho dự án, bảo đảm người dân có điều kiện sống ổn định, tốt hơn, nhất là sinh kế của người dân; tận dụng tối đa lợi thế của tuyến đường cao tốc để quy hoạch và phát triển không gian mới, các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay có ý thức chăm lo bảo dưỡng và bảo vệ các công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng cho công trình, ngày càng bền vững và an toàn tuyệt đối khi vận hành, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác.

Về việc tổ chức giao thông trên hai tuyến cao tốc

Ngay sau khi Lễ khánh thành kết thúc, các lực lượng chức năng sẽ tổ chức giao thông, hướng dẫn, phân luồng giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Người tham gia giao thông cần chú ý quan sát, theo dõi và chấp hành nghiêm mọi hướng dẫn, chỉ dẫn, điều tiết của lực lượng chức năng để đảm bảo lưu thông an toàn, tránh ùn tắc giao thông.

Bộ GTVT đã phê duyệt Phương án tổ chức giao thông hai tuyến cao tốc để sau lễ khánh thành tổ chức ngày 29/4/2023, các phương tiện giao thông sẽ được phép lưu thông trên 2 đoạn tuyến cao tốc theo các quy định cơ bản như sau:

- Đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô, các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô tô cao tốc: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).

- Người, phương tiện thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng thì được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.

- Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ nằm trong danh mục hàng nguy hiểm được Chính phủ quy định trong Nghị định 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 chỉ được lưu thông trên đường cao tốc khi có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

- Người lái xe tham gia giao thông trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ, các quy tắc tham gia an toàn theo quy định pháp luật hiện hành (Không cho xe chạy vào nơi dừng đỗ khẩn cấp và phần lề đường; không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường; người lái xe trên đường cao tốc khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe khẩn cấp người lái xe phải đưa xe ra làn dừng xe khẩn cấp đặt các vật báo hiệu và thông báo đường dây nóng hỗ trợ...)

1. Đối với đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45

- Các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu Dự án đến nút giao Đông Xuân (Km327+100) nối QL45 và QL47; tuy nhiên nhằm đảm bảo hoạt động vận chuyển người và hàng hóa được thông suốt, an toàn, hạn chế và giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các nút giao trên tuyến trong điều kiện đoạn cao tốc kế tiếp Quốc lộ 45 - Nghi Sơn chưa thông xe, trước mắt phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau:  Theo hướng Bắc - Nam, xe tải trên 10 tấn không được lưu thông; xe tải trên 3,5 tấn được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Hà Lĩnh (Km306+000); xe khách trên 16 chỗ ngồi được lưu thông từ nút giao Mai Sơn (Km274+393) đến nút giao Gia Miêu (Km295+460).

- Trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5km/ điểm trên cùng một chiều xe chạy. Kích thước mỗi vị trí: chiều dài 270m (gồm 170m đoạn dừng xe, phạm vi ra vào mỗi phía 50m), bề rộng mặt 2,5m, bề rộng lề 0,75m.

- Các phương tiện giao thông được tham gia giao thông trên tuyến cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/h. Bộ GTVT đang giao chủ đầu tư các đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư phân kỳ với mặt cắt ngang 4 làn xe tiến hành rà soát, đánh gia việc nghiên cứu nâng tốc độ khai thác lên 90 km/h và sẽ tổ chức điều chỉnh tốc độ khai thác khi đủ điều kiện cho phép.

Bố trí dự kiến trạm dừng nghỉ tại Km329+700 (bố trí hai bên đường cao tốc). Bộ GTVT đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

2. Về việc tổ chức giao thông tại đoạn Phan Thiết - Dầu Giây

- Tốc độ lưu hành cho phép: Tốc độ lưu hành tối đa, tối thiểu cho phép các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 120 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h. Mặt cắt ngang 4 làn xe lưu thông 2 chiều và 2 làn dừng xe khẩn cấp.

- Phương án khai thác: Trước mắt, Dự án đưa vào khai thác 03/7 nút giao, bao gồm nút giao với cao tốc Long Thành - Dầu Giây, nút giao với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và nút giao đường nối Ba Bàu với Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

- Giao thông trên chính tuyến: Các phương tiện đầy đủ các điều kiện lưu thông trên đường bộ được phép lưu thông trên đường cao tốc trừ các đối tượng như xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h; xe máy, xe mô tô hai bánh; máy kéo, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km47+500 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận (bố trí 2 bên cao tốc). Bộ GTVT đã giải phóng mặt bằng và đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Nhà đầu tư tự bỏ kinh phí thực hiện đầu tư, xây dựng, quản lý kinh doanh trạm dừng nghỉ theo đúng quy định của pháp luật.

 

 

 

 Hoài Lâm