Nam Định: Bảo trì hạ tầng đường bộ, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông

Ngày 12/05/2023
Cùng với đầu tư xây mới, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, công tác bảo trì các công trình giao thông đường bộ nhằm kéo dài tuổi thọ công trình, đảm bảo mặt đường êm thuận cho các phương tiện lưu thông an toàn, thông suốt có ý nghĩa quan trọng trong quản lý giao thông, góp phần kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông đường bộ trên cả 3 tiêu chí.

Làm tốt công tác bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông đường bộ vừa đảm bảo năng lực phục vụ giao thông vận tải của hệ thống hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn chế.

Cải tạo, nâng cấp mặt đường Quốc lộ 10 đoạn qua địa phận huyện Vụ Bản

Trên quan điểm đó, Sở GTVT đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ GTVT, của tỉnh và Cục Đường bộ Việt Nam trong công tác bảo trì và bảo vệ hành lang ATGT đường bộ. Sử dụng hiệu quả nguồn quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, địa phương và vốn sự nghiệp GTVT để thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hàng năm; lựa chọn các nhà thầu có năng lực thực hiện công tác quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ do Bộ GTVT ủy thác quản lý. Chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, giám sát kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên tuần đường và các đơn vị bảo trì đường bộ; xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi xâm phạm công trình đường bộ. Năm 2022 Sở GTVT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh cải tạo, nâng cấp một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công trình cải tạo cầu Giao Nhân trên tuyến tỉnh lộ 488 thuộc địa bàn huyện Giao Thủy đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn thiết kế, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật; Công trình sửa chữa các cầu trên sông Vọp thuộc khu vực Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thuỷ) đã trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Bên cạnh đó, Sở GTVT đã hoàn thành công tác chuẩn bị và trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sửa chữa vạch sơn đường các tuyến tỉnh lộ 485B, 486B đoạn qua khu đông dân cư...

Trong công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường thuỷ nội địa, Sở GTVT đã tập trung đôn đốc đơn vị quản lý đường bộ phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng hoặc các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép đất đường bộ gây mất ATGT. Xây dựng các phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ, lãnh đạo thường trực để thực hiện công tác đảm bảo giao thông, khắc phục kịp thời hư hỏng công trình đường bộ tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông, bến phà, cầu phao để xử lý kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt. Phối hợp với Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh sớm tháo gỡ các khó khăn trong quá trình lập giá sản phẩm dịch vụ công, làm cơ sở lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường tỉnh lộ, đường thủy nội địa địa phương và chăm sóc cây xanh chiếu sáng.

Cùng với đó, Sở GTVT cũng quan tâm thực hiện tốt công tác sửa chữa định kỳ hệ thống quốc lộ theo kế hoạch năm 2023 đã được Bộ GTVT uỷ thác. Đến nay, trong 10 công trình sửa chữa định kỳ hệ thống quốc lộ, Sở đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu 7 công trình, phê duyệt cập nhật giá trước khi tổ chức đấu thầu 2 công trình và 1 công trình đã lựa chọn xong nhà thầu. Đối với công trình sửa chữa bổ sung, đột xuất được Cục Đường bộ Việt Nam đã đồng ý, đến thời điểm hiện tại đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật 7 công trình và 1 công trình đang phê duyệt. Ngoài ra, Sở đã đề xuất Bộ GTVT cho phép sửa chữa đột xuất cầu phao Ninh Cường để đảm bảo ATGT đường thuỷ nội địa. Năm 2023, Sở đã giao Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông chủ trì thực hiện 5 công trình sửa chữa, cải tạo kết cấu hạ tầng đảm bảo giao thông. Hiện tại đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật; hoàn thành và trình UBND tỉnh phê duyệt 9 công trình theo kế hoạch sửa chữa định kỳ hệ thống đường địa phương năm 2023. Đến nay, Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông Nam Định đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn thiết kế, đang triển khai các bước thực hiện tiếp theo.

Để thực hiện tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thời gian tới, Sở GTVT yêu cầu các phòng, ban, đơn vị tiếp tục quản lý chặt chẽ hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên, tiến hành nghiệm thu khối lượng đã thực hiện theo các điều khoản trong hợp đồng, giảm trừ khối lượng công việc chưa thực hiện. Nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời hoặc lập hồ sơ báo cáo cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm về lấn chiếm, sử dụng hành lang đường bộ, đặc biệt là các điểm đấu nối trái phép của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên các hệ thống đường tỉnh và quốc lộ.

Yêu cầu các Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định, Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Nam thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong các hợp đồng bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên (bao gồm cả các bến phà và cầu phao) đã ký với Sở GTVT.

Bố trí đầy đủ vật tư, nhân lực tại các Cung, Hạt quản lý đường bộ, các bến phà, cầu phao theo đúng hợp đồng đã ký kết. Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc báo cáo cấp trên xử lý các vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là các điểm đấu nối (các cây xăng, dầu, điểm đấu nối vào các khu, cụm công nghiệp, nhà máy)./.

Nguồn: Báo Nam Định