Hậu Giang: Đầu tư hạ tầng giao thông, tạo cơ hội phát triển

Ngày 18/05/2023
Hạ tầng giao thông Hậu Giang không ngừng được đầu tư, mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh trẻ “bứt tốc” phát triển.

Hạ tầng giao thông Hậu Giang không ngừng được đầu tư.

Tự hào quê hương phát triển

Sau khi thành lập tỉnh, mạng lưới đường giao thông trên địa bàn Hậu Giang không ngừng được đầu tư xây dựng. Những tuyến đường nông thôn như “cánh tay nối dài” tạo điều kiện đi lại thuận tiện nhất cho người dân. Nhất là những tuyến đường liên xóm ấp ở vùng sâu cơ bản được hoàn thiện với mặt lộ rộng rãi, êm thuận. Nhiều cây cầu mới vượt sông giờ đây đã giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn, rút ngắn thời gian di chuyển.

Trở về vùng đất anh hùng Long Mỹ ngày nay, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại kết nối liên vùng bằng các trục Tỉnh lộ 930, Tỉnh lộ 930B, Tỉnh lộ 931… Giao thông mở đường, kèm theo là sự phát triển của kinh tế - xã hội, thương mại dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Ông Nguyễn Văn Nhung, ở ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn, hồi tưởng lại: “Sau ngày giải phóng, tôi trở về vùng Vĩnh Viễn khai hoang đất đai, tăng gia sản xuất. Thời điểm bấy giờ, giao thông chủ yếu bằng đường thủy, phương tiện đi lại chính bằng ghe, xuồng. Rồi sau khi chia tách tỉnh Cần Thơ và Hậu Giang vào năm 2004, đường sá được đầu tư xây dựng không ngừng, đời sống người dân khấm khá. Ngày nay lộ làng thênh thang, nhiều công trình lớn mọc lên sung túc. Tôi thật sự tự hào trước sự phát triển của quê hương mình”.

Ngoài hệ thống đường giao thông nông thôn đang không ngừng hoàn thiện, mạng lưới tỉnh lộ trên địa bàn cũng được đầu tư xây dựng với mục tiêu gia tăng tính kết nối liên vùng. Từ đó, mở ra không gian liên kết tối đa với các tỉnh, thành phố lân cận, từ đó khơi thông tiềm năng phát triển về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị… Tỉnh đang có 6 tuyến Quốc lộ đi qua, 14 tuyến đường tỉnh, 44 tuyến đường huyện. Nhiều dự án giao thông trọng điểm mang tính liên kết vùng đang và sẽ triển khai trong giai đoạn này như: Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, Đường tỉnh 926B, nâng cấp tuyến nối Vị Thanh - Cần Thơ (nay là Quốc lộ 61C).

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Mai Văn Tân, kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng, là nền tảng, cần được ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh sẽ kết nối thuận lợi với mạng lưới đường cao tốc, đường quốc lộ; hoàn thành các tuyến cao tốc qua địa bàn. Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống quốc lộ qua địa bàn. Đầu tư nâng cấp một số tuyến đường tỉnh đảm bảo kết nối hệ thống cao tốc, hệ thống quốc lộ, phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và dịch vụ logictics.

Nơi giao thoa của 3 tuyến cao tốc

Đầu năm 2023, 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 đồng loạt khởi công, trong đó có đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Sự kiện này đánh dấu chặng đường nỗ lực mới, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh rằng: “Đại lộ sinh đại phú”. Hậu Giang xác định dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau sẽ là cơ hội để tỉnh bứt tốc phát triển trong thời gian tới. Thời gian qua, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cấp ủy các cấp phát huy tốt vai trò trong triển khai dự án, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Huyện ủy của các huyện có dự án đi qua làm trưởng ban chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị trong tỉnh phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền vận động người dân. Trên cơ sở đó, tạo được đồng thuận rất cao với chủ trương của tỉnh và Trung ương trong quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1. Đây là tuyến cao tốc thứ 2 đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang, dự kiến khởi công vào tháng 6 tới. Tuyến sẽ kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển cho toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, từ đây góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Theo dự kiến, tới đây Hậu Giang sẽ đón thêm tuyến cao tốc trục ngang là Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đi qua địa bàn tỉnh. Đây sẽ là tuyến cao tốc thứ 3 đi qua địa phận tỉnh trẻ Hậu Giang. Từ đây có thể thấy, tỉnh trẻ đang trên đà “bứt tốc” phát triển hạ tầng giao thông, mở ra nhiều cơ hội mới, gia tăng tiềm lực thu hút, kêu gọi đầu tư, tăng cường liên kết giữa tỉnh với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: Báo Hậu Giang