Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết, chuyến tàu đầu tiên chở vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu bằng đường sắt gồm 3 toa hàng với 56 tấn vải thiều tươi.
Việc vận chuyển vải thiều xuất khẩu bằng đường sắt đã mở ra một kênh vận tải mới, một hướng đi mới thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân và người sản xuất vải thiều Lục Ngạn trong hoạt động vận chuyển tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều.
Đây cũng là bước chuyển quan trọng về phát triển logistics của tỉnh Bắc Giang gắn với cải cách hành chính, bởi các dịch vụ công về thủ tục hải quan, kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu được thực hiện ngay tại địa bàn tỉnh.
Các đại biểu vẫy tay chúc chuyến tàu liên vận quốc tế đầu tiên chính thức
vận chuyển vải thiều tươi xuất khẩu khởi hành tại ga Kép an toàn, thành công
Huyện Lục Ngạn là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, trong đó cây trồng chủ lực là vải thiều. Dự kiến sản lượng quả tươi toàn huyện năm 2023 đạt khoảng 98.000 tấn, trong đó vải chín sớm đạt sản lượng khoảng 25.000 tấn. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được trên 25.000 tấn quả tươi, trong đó 54% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 46% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Nhiều nhất là thị trường Trung Quốc, đến nay đạt khoảng hơn 10.000 tấn, dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những ngày tới.
“Nếu tuyến vận tải đường sắt liên vận ga Kép được khai thác, vận hành khoa học, sẽ mở ra những cơ hội thuận lợi rất tốt cho xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Bắc Giang và các tỉnh trong khu vực nói chung, hàng hóa nông sản của huyện Lục Ngạn nói riêng nhờ vào việc giảm thiểu được khoảng cách quãng đường, thời gian, chi phí và các thủ tục hành chính về hải quan, kiểm dịch..., từ đó giảm áp lực, sự phc thuộc vào hoạt động vận chuyển, xuất khẩu bằng hệ thống đường bộ qua các cửa khẩu như hiện nay”, ông La Văn Nam nói.
Các container lạnh tự phát điện, chở vải thiều tươi Lục Ngạn xuất khẩu
được xếp lên tàu liên vận quốc tế xuất phát tại ga Kép
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cũng cho rằng, về tầm nhìn lâu dài, do hệ thống đường sắt liên vận quốc tế hiện nay và trong tương lai sẽ kết nối lưu thông với hầu hết các cảng biển lớn và các nước trong khu vực, giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, Tây Á, Trung Đông, viễn Đông..., vì thế mở ra khả năng đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đi sâu vào thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc và các nước.
Bà Vũ Thị Như, đại diện Công ty TNHH Xuất khẩu An Như cho biết, mỗi năm công ty tiêu thụ trên 1.000 tấn vải thiều tươi. Hiện tại, công ty đang vận chuyển vải thiều bằng đường bộ và đường hàng không nhưng đi lại bằng đường bộ còn ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí giá thành cao.
“Giờ có thể vận chuyển vải thiều bằng đường sắt qua ga Kép giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa, về lâu dài sẽ thuận lợi cho việc hình thành một đầu mối trung chuyển hàng hóa cho khu vực tỉnh Bắc Giang và các tỉnh phụ cận, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhanh chóng”, bà Như nói và cho rằng, nên cân đối chi phí vận chuyển bằng đường sắt và thêm một số phương án vận chuyển bằng đường sắt đi các tỉnh phía Nam, tạo các điểm trả hàng trên dọc tuyến đường sắt để các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng đồng hành và phát triển lâu dài.
Trước đó, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang đã ra mắt Đội nghiệp vụ Hải quan ga liên vận Kép, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics thực hiện các thủ tục ngay tại ga Kép được nhanh chóng.