Phú Yên: Không thể chậm tiến độ thi công đường cao tốc

Ngày 26/06/2023
Theo Nghị quyết 18 của Chính phủ, đến 30/6/2023, các địa phương phải bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên (Dự án cao tốc Bắc - Nam). Hiện chính quyền các địa phương có dự án đi qua và chủ đầu tư đang từng ngày chạy đua để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Công nhân làm việc tại công trường thi công dự án cao tốc Bắc - Nam

Đồng loạt triển khai 79 mũi thi công

Tại công trường xây dựng cầu vượt sông Kỳ Lộ thuộc Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh, từng ngày vẫn nhộn nhịp các loại xe, máy, phương tiện và công nhân thi công. Cây cầu vượt này có chiều dài gần 2km, thuộc gói thầu xây lắp XL-13. Đến nay, đơn vị thi công đã khoan trụ T26 và làm đường công vụ 09 phục vụ thi công mố cầu phía bắc. Đây chỉ là 1 trong số 46 mũi thi công tại Dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh do Ban Quản lý dự án (QLDA) 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư, với tổng chiều dài 42,07km.

Trên toàn bộ dự án thành phần, các đơn vị đã huy động 547 kỹ sư, công nhân, lái máy thi công cùng lúc 20 mũi thi công cầu, 24 mũi thi công đường và 2 mũi thi công hầm. Các hạng mục hiện tại chủ yếu là đào, đắp nền đường, làm đường công vụ, khoan cọc nhồi, dọn mặt bằng, thi công bãi đúc, chứa dầm… Ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc điều hành dự án cho biết: Ban QLDA 85 thực hiện 2 gói thầu trên địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Đến nay, khối lượng 2 gói thầu đạt khoảng 170/2.900 tỉ đồng của tổng giá trị hợp đồng.

Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong dài 48,052km do Ban QLDA 7 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư cũng tổ chức 33 mũi thi công. Tại các gói thầu XL-01 và XL-02, nhà thầu huy động 287 thiết bị xe cơ giới với 160 kỹ sư, 626 công nhân để tổ chức thi công. Khối lượng thi công khoảng 237,7/7.557 tỉ đồng, đạt 3,15% hợp đồng. Tại hạng mục hầm đường bộ Tuy An, các nhà thầu đang thi công đúng tiến độ với sản lượng đạt 5,51% giá trị hợp đồng.

Ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA 7 cho biết: Năm 2023, dự kiến khối lượng công việc mà các nhà thầu phải thực hiện khoảng 29% khối lượng hợp đồng. Đến nay, mặc dù thời gian thi công được 6 tháng, nhưng cả hai gói thầu mới chỉ được 307/7.557 tỉ đồng, đạt khoảng 4,1% so với hợp đồng. Như vậy, khối lượng công việc trong 6 tháng còn lại của năm là rất lớn. Sắp tới, chúng tôi sẽ ưu tiên xử lý nền đất yếu, thi công hầm Tuy An và cầu Đà Rằng. Đặc biệt, với hạng mục cầu Đà Rằng, chúng tôi nỗ lực thi công những nhịp cầu nằm dưới sông trước mùa mưa lũ, phấn đấu sử dụng cây cầu này làm đường công vụ để phục vụ dự án.

Sớm giải quyết “điểm nghẽn” mặt bằng

Theo Sở GTVT Phú Yên, đến ngày 20/6, Phú Yên đã bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư là 84,81km, đạt 94,11%, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên trong số này, diện tích mặt bằng có thể thi công là 65,58km (đạt 77,64% phần mặt bằng đã bàn giao và đạt 73,06% toàn bộ dự án). Việc một số vị trí chưa bàn giao mặt bằng triệt để khiến cho các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Văn Hưng, Chỉ huy trưởng công trường gói thầu XL-13 cho biết: Cầu Kỳ Lộ là đường găng tiến độ nên được các đơn vị tập trung nhiều nhân lực, thiết bị để thi công. Thời tiết trong mùa khô nên thuận lợi cho việc đào, đắp, khoan cọc để làm các mố, trụ cầu. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng của một số hộ dân, nhất là hệ thống đường dây điện hạ thế; việc thuê mượn đất để triển khai các bãi đúc dầm. Hiện gói thầu 13-XL chưa có bãi thải để triển khai đồng bộ việc thi công trên toàn tuyến.

Theo ông Phạm Văn Bảy, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo đền bù giải phóng mặt bằng huyện Tuy An, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng còn chậm vì nhiều lý do khách quan như diện tích lớn với nhiều loại đất khác nhau nên việc kiểm kê, áp giá rất khó khăn. Trước mắt, địa phương ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng các vị trí đường găng tiến độ. Những vị trí còn lại sẽ được bàn giao sớm nhất và nhà thầu có thể thi công theo hình thức cuốn chiếu.

Việc di dời hạ tầng kỹ thuật cũng là một khó khăn đối với các đơn vị thi công. Theo Sở GTVT Phú Yên, trên phạm vi triển khai dự án có 299 trụ điện cao thế. Hiện hồ sơ thiết kế di dời đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định và chấp thuận. Các địa phương đang tập trung phê duyệt hồ sơ thiết kế để làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác di dời. Bên cạnh đó, Phú Yên mới chỉ có 3/12 khu tái định cư thi công đảm bảo hoàn thành trong tháng 6 này, còn lại 9/12 khu, khả năng không đảm bảo tiến độ theo thời gian cam kết.

Các đơn vị thi công triển khai nhiều thiết bị xe, máy để thi công cầu Kỳ Lộ (huyện Tuy An),
đường găng tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam

Tăng cường công tác phối hợp

Tại buổi làm việc của UBND tỉnh Phú Yên và các nhà thầu thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn cho biết: Bàn về các khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án, BQLDA 85 báo cáo có hơn 4 triệu m3 đất đắp, không có chỗ đổ, trong khi huyện Tuy An và TX Sông Cầu lại thiếu nguồn đất đắp để thi công các khu tái định cư. Nếu các chủ đầu tư, nhà thầu và các địa phương có sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt hơn thì vấn đề sẽ được giải quyết.

Theo ông Nguyễn Lê Minh, đại diện Ban QLDA 85, ban sẵn sàng phối hợp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất đắp và các loại vật liệu khác để giảm bớt khối lượng đổ thải cũng như phát huy hiệu quả của nguồn tài nguyên trên phạm vi của dự án. “Chúng tôi đề xuất UBND tỉnh đồng ý phương án điều phối này để chủ đầu tư và các địa phương phối hợp thực hiện”, ông Minh nói.

Ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban QLDA 7 cho biết: Nếu chúng ta quyết liệt triển khai dự án, đặc biệt là giải quyết được những điểm trọng yếu về mặt bằng, mỏ vật liệu, khả năng dự án sẽ hoàn thành bảo đảm tiến độ vào năm 2025 để đưa vào khai thác năm 2026 là rất cao. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần làm trong thời gian tới là xử lý nền đất yếu, tháo gỡ vật liệu đắp, trước mắt cần ưu tiên đường công vụ và một số vị trí nền đã giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Đà Rằng, cầu Bàn Thạch và hầm đường bộ Tuy An…

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn, các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư cần tăng cường phối hợp; tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, đẩy nhanh tiến độ triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật; xây dựng các khu tái định cư, cam kết thời gian hoàn thành cụ thể. Sở GTVT là cơ quan thường trực, cần xác định cụ thể tiến độ công tác giải phóng mặt bằng cũng như xác định những hoạt động trọng tâm cần thực hiện trong thời gian này. Mặc dù chậm trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng không được phép làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Cần xử lý tất cả các điểm găng tại hầm đường bộ Tuy An, thị xã Đông Hòa và thị xã Sông Cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo, để đẩy nhành công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cần phối hợp Ban Quản lý các dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ chi trả đền bù, thi công các khu tái định cư và chuẩn bị sẵn sàng phương án bốc thăm, bàn giao cho người dân; đồng thời đẩy nhanh tiến độ di dời các hạ tầng kỹ thuật, thực hiện công khai, minh bạch. Các ngành, địa phương cũng cần sẵn sàng các phương án cưỡng chế, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình cản trở, đầu cơ, trục lợi từ Dự án cao tốc Bắc - Nam. 

Nguồn: Báo Phú Yên