Hà Nội: Rà soát, bố trí hợp lý điểm dừng đỗ xe buýt

Ngày 28/06/2023
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội cho biết đã kiến nghị Sở GTVT Hà Nội tham mưu, báo cáo UBND thành phố Hà Nội ngay trong năm 2023 xem xét, phê duyệt Đề án rà soát, bố trí hợp lý các điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển phục vụ kết nối giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, các điểm giao thông tĩnh với phương tiện giao thông cá nhân làm cơ sở tổ chức thực hiện.

Hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố hiện bao gồm 4.405 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (trong đó có 12,6km làn đường đành riêng cho xe buýt nhanh BRT và 0,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ) đã góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ của mạng lưới, bảo đảm an toàn cho phương tiện và hành khách.

Hạ tầng phục vụ cho xe buýt đã được đầu tư, phát triển song vẫn còn thiếu và chưa bảo đảm theo quy hoạch. Trong quá trình mở mới các tuyến buýt, việc bố trí các điểm dừng còn có chỗ chưa hợp lý dẫn tới tình trạng đơn thư đề nghị bổ sung hoặc di chuyển.  Chỉ riêng năm 2022 đã phải di chuyển, hợp lý hóa 26 điểm dừng. Bên cạnh đó việc nghiên cứu, tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, các điểm trung chuyển còn chưa được theo yêu cầu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Thủy cho biết, qua rà soát trên các tuyến buýt của Tổng công ty có 112 điểm dừng đỗ cần xử lý, khắc phục kịp thời. Tổng công ty đã kiến nghị các cơ quan chức năng thành phố triển khai rà soát tổng thể về hạ tầng các điểm đầu cuối, dừng đỗ xe buýt. Trước mắt cần bổ sung, khắc phục ngay các điểm dừng đỗ bị mất, hư hỏng, thiếu thông tin trên các tuyến xe buýt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách nắm bắt thông tin, tiếp cận với xe buýt và bảo đảm an toàn cho xe buýt dừng đỗ tập kết, đón trả khách.

Đại diện Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Liên Ninh cũng kiến nghị sớm rà soát, hợp lý hóa và cải tạo, nâng cấp toàn bộ hệ thống các điểm dừng xe buýt để bảo đảm tính kết nối, thuận lợi chuyển tuyến; đầu tư bổ sung và cải tạo toàn bộ hệ thống điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, nhà chờ xe buýt hiện có theo hướng đồng bộ hiện đại, thân thiện và tiện lợi để tạo sự văn minh, thân thiện cho hành khách khi tiếp cận dịch vụ.

Nguồn: Hà Nội mới