Xây dựng “huyết mạch” phía Tây TP. Huế: Cần tăng tốc giải phóng mặt bằng

Ngày 03/07/2023
Dự án (DA) xây dựng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương đến thời điểm này đã qua hơn 6 tháng thi công với tiến độ khá tốt. Tuy vậy, với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm như hiện nay sẽ có nguy cơ làm chậm tiến độ DA theo kế hoạch đề ra.

Cầu vượt sông Hương phấn đấu thi công hoàn tất phần hạ bộ dưới mặt nước trước mùa mưa năm nay 

Giải phóng mặt bằng chậm

Những chiếc cần cẩu tập kết vật liệu, sắt thép đang thi công giữa dòng Hương rộn ràng không chỉ làm cho người dân địa phương vui mừng. Đây là kết quả và là nỗ lực lớn của lãnh đạo chính quyền, người dân địa phương sau nhiều năm chờ đợi để rồi không xa nữa, cầu vượt sông Hương ra đời tạo thêm động lực mới, thúc đẩy các địa phương phát triển.

Từ thời điểm mới triển khai, DA trên có 131 hộ gia đình của phường Kim Long và phường Phường Đúc, TP. Huế ảnh hưởng phải thu hồi hơn 35.705m2 đất. Bên cạnh thu hồi đất bị ảnh hưởng DA của phường Phường Đúc, tại phường Kim Long có 25 hộ thu hồi 22.752,5m2 (đất đô thị 2.790,0m2; đất giao thông 670,5m2...). Trong số hộ dân ảnh hưởng DA, dự kiến có hơn 70 hộ chính và hàng chục hộ phụ phải tái định cư (TĐC) nơi ở mới.

Anh Lê Văn Bốn (kiệt 166, phường Phương Đúc), một trong những hộ dân thuộc diện ảnh hưởng DA phải TĐC chia sẻ, khi nghe đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương xây dựng, lòng anh vui như mở cờ vì đó là DA thiết thực, có ý nghĩa đến đời sống dân sinh của người dân. Bản thân anh cùng với người thân, gia đình đã đồng tình hưởng ứng chủ trương chính sách đền bù GPMB và TĐC của DA.

Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND phường Phường Đúc cho biết, qua rà soát thống kê đến thời điểm này tại Phường Đúc hơn 120 hộ gia đình bị ảnh hưởng dự án; trong đó, phần lớn sẽ TĐC nơi ở mới theo chủ trương chính sách của thành phố, tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay mới xác nhận được hồ sơ hơn 60% chuyển các phòng chức năng TP. Huế để có cơ sở ra quyết định chi trả bồi thường và cấp đất TĐC…

Theo lãnh đạo BQL DA Đầu tư Xây dựng Công trình giao thông tỉnh - chủ đầu tư DA, với thời gian tiến độ chi trả bồi thường, GPMB DA như hiện nay là quá chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Theo cam kết ban đầu, thời gian GPMB DA hoàn tất vào tháng 8/2023 nhưng đến thời điểm này chỉ còn chừng 2 tháng mà phải giải quyết một khối lượng công việc lớn cho hơn 120 hộ dân TĐC về nơi ở mới là điều không tưởng, dù với thiện chí tích cực của người dân và chính quyền sở tại.

“Chúng tôi đề xuất các ban, ngành chức năng địa phương liên quan vào cuộc tích cực để công tác GPMB của DA dứt điểm, không lỡ công việc chung” - lãnh đạo Chủ đầu tư nói.

Nhà thầu cần mặt bằng để thi công

DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có quy mô đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Theo quy mô thiết kế, DA hoàn chỉnh, gồm 2 hạng mục chính là xây dựng cầu vượt sông Hương (điểm đầu thiết kế cầu tại khu vực nút giao đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Hoàng; điểm cuối tại khu vực nút giao đường Bùi Thị Xuân) và hạng mục đường Nguyễn Hoàng (nhánh đường vào cầu vượt phía bờ bắc sông Hương, chiều dài tuyến khoảng 1,08km).

Theo ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế (đơn vị triển khai công tác GPMB DA), khi triển khai DA, đơn vị cùng chủ đầu tư; ban, ngành chức năng các địa phương có hộ dân ảnh hưởng mặt bằng đẩy nhanh việc kiểm kê, thẩm định đất thu hồi và có kế hoạch chi trả bồi thường, xúc tiến công tác TĐC cho người dân ảnh hưởng DA đến khu quy hoạch Lịch Đợi giai đoạn 4, tại phường Thủy Xuân, TP. Huế. Quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, mất nhiều thời gian, đòi hỏi tính thận trọng trong việc xác định nguồn gốc đất, vấn đề thừa kế, tách hộ… của các trường hợp gia đình ảnh hưởng DA.

Hơn nữa, thời gian qua các đơn vị liên quan mất thời gian giải quyết dứt điểm 13 hộ bị ảnh hưởng thu hồi đất, ảnh hưởng DA nhưng trước đây đã được kiểm kê thu hồi hơn 3.354m2, thuộc DA tuyến đường đi bộ dọc sông Hương (phía nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa được phê duyệt theo Quyết định số 2295/QĐ-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh để bàn giao cho DA.

Ông Trần Anh Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, đơn vị liên danh thi công chính DA cho biết, theo quy mô thiết kế và cam kết xây dựng, DA sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025. Đến thời điểm, này các liên danh đơn vị nhà thầu thi công cơ bản hoàn thành các gói và giải ngân vốn đúng tiến độ. Trong đó hạng mục thi công cầu vượt, đơn vị sẽ phấn đấu hoàn tất phần hạ bộ ở mặt nước trước mùa mưa năm nay. “Hiện tại đơn vị rất cần mặt bằng ở phía nam cầu vượt sông Hương để tập kết trang thiết bị máy móc, vật liệu để thi công các cọc khoan nhồi ở trên bờ… Tuy nhiên, mặt bằng chưa được bàn giao nên làm lỡ tiến độ của nhà thầu thi công” - ông Trần Anh Long nói.

Với đặc thù của DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương muốn về đích đúng kế hoạch, công tác GPMB phải đi trước một bước. Dù ngay từ ban đầu, lãnh đạo tỉnh, thành phố và chủ đầu tư xác định công tác bồi thường, GPMB là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiến độ thi công, hoàn thành DA đúng kế hoạch. Thế nhưng với tiến độ GPMB hiện nay của DA rất cần các ban, ngành chức năng địa phương đồng tâm, có trách nhiệm tháo gỡ nhanh, nếu không các nhà thầu thi công khó về đích đúng hẹn.

DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, cùng với các DA đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây… đang thi công là từng bước cụ thể hóa, hiện thực hóa mục tiêu, chủ trương của tỉnh, Trung ương về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, sớm đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị./.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế