Tiền Giang: Nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông

Ngày 07/07/2023
Xác định hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá của nhiệm kỳ, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện. Nhiều công trình mang "ý Đảng, lòng dân" được triển khai và đưa vào sử dụng, góp phần tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Trịnh Văn Chính hiến hơn 400m2 đất để làm đường

Khi Nhà nước và nhân dân cũng làm

Trước đây, con đường Xóm Mới đi ngang nhà ông Trịnh Văn Chính (ấp 5, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông) chỉ rộng khoảng 1,5m. Năm 2021, xã Tân Tây phấn đấu ra mắt xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Do đó, để hoàn thành tiêu chí giao thông, xã có chủ trương đầu tư mở rộng tuyến đường Xóm Mới. Tuyến đường đi ngang phần đất của gia đình ông Chính, dù diện tích đất bị ảnh hưởng lớn, nhưng gia đình ông Chính đã tích cực ủng hộ bằng việc hiến khoảng 400m2 đất để làm đường. Ông Chính chia sẻ: "Lúc con đường này chưa được mở rộng, việc đi lại hơi khó khăn. Tôi rất vui khi Nhà nước đầu tư mở rộng đường, giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện. Do đó, gia đình tôi đã quyết định hiến đất".

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tây, quá trình xây dựng NTM, người dân trên địa bàn xã đã rất đồng tình ủng hộ. Trong thực hiện tiêu chí Giao thông, người dân rất tích cực ủng hộ, tự nguyện hiến đất làm đường. Có những hộ dân đã hiến hàng trăm mét vuông đất để làm đường. Qua đó, bộ mặt giao thông nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc, người dân rất phấn khởi.

Đến xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) vào những ngày giữa tháng 6, ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư mở rộng, khang trang. Trong đó, nhiều công trình giao thông có sự chung tay đóng góp của người dân. Trước đây, con đường trước nhà của ông Nguyễn Văn Minh (ấp Hiệp Thành, xã Hiệp Đức) chỉ rộng hơn 01m. Việc đi lại, vận chuyển sầu riêng của nông dân khá khó khăn. Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng đường, gia đình ông Minh cũng như hộ dân sinh sống trên tuyến đường này rất đồng tình ủng hộ bằng việc hiến đất, cây cối, vật kiến trúc trên đất. "Sau khi xã có chủ trương, gia đình tôi thống nhất hiến đất để mở rộng đường, giúp việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn. Tổng cộng tôi đã hiến khoảng hơn 200m2 để làm đường. Gia đình còn nhổ hàng rào, chặt cây cối để thi công tuyến đường. Chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư đường xá cho người dân đi lại nên chúng tôi đều đồng tình ủng hộ" - ông Minh bộc bạch.

Cũng tại ấp Hiệp Thành, xã Hiệp Đức, ông Phạm Thanh Tòng (72 tuổi) là một trong những điển hình của xã về việc tham gia xây dựng giao thông nông thôn. Theo ông Tòng, gia đình ông rất ủng hộ chủ trương đầu tư hệ thống giao thông để nông thôn ngày càng phát triển. Đường xá được mở rộng sẽ giúp giá trị đất tăng lên, đặc biệt là có đường đi rộng rãi, vận chuyển nông sản thuận lợi, bán có giá hơn. Do đó, bản thân ông luôn nêu gương, tích cực hiến đất làm đường. Ông Tòng chia sẻ: "Lúc đầu, tuyến đường Huyện lộ 67 chỉ rộng khoảng 1,5m. Đến nay, tuyến đường này đã được đầu tư mở rộng nhiều lần, hiện chiều rộng khoảng 06m. Lần đầu tư mở rộng gần nhất cách nay khoảng 02 năm, gia đình tôi đã hiến khoảng hơn 200m2 đất mặt tiền để làm đường. Tôi không quan tâm đến việc mất đất mà chỉ quan tâm đến con cháu của mình sau này được hưởng lợi. Việc đi lại của bà con được thuận lợi hơn là đủ rồi".

Theo ông Bùi Hữu Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Hiệp Đức, quá trình thực hiện tiêu chí Giao thông trong xây dựng NTM, người dân trên địa bàn xã hưởng ứng rất cao. Khi triển khai các công trình giao thông, UBND xã chỉ đạo các ấp tổ chức họp dân, bàn bạc để triển khai thực hiện và được người dân đồng tình ủng hộ. Cụ thể, người dân đã hiến đất, cây trái nằm trên công trình. Điển hình như việc đầu tư mở rộng Huyện lộ 67, có rất nhiều hộ dân đã hiến đất làm đường. Từ sự chung sức, đồng lòng đó, hiện qua đối chiếu với bộ tiêu chí NTM nâng cao, tiêu chí Giao thông ở xã đã đạt theo tỷ lệ quy định. Bộ mặt giao thông nông thôn ngày càng khởi sắc.

Cầu Ngũ Hiệp đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp xã Ngũ Hiệp bước sang trang mới

Nối những bờ vui

Thực tế cho thấy, một trong những điểm nhấn nổi bật của việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là tỉnh Tiền Giang đã đầu tư các cây cầu nối các xã cù lao, giữa xã với xã. Trong năm 2020, tỉnh đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng các cây cầu trăm tỷ như: Bình Xuân, Vàm Trà Lọt, Long Hưng, Ngũ Hiệp. Các cây cầu đã góp phần kéo các xã trước giờ bị "đò giang cách trở" gần lại với nhau, tạo ra cơ hội và động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội. Và những cây cầu "mơ ước" ấy đã thỏa nỗi mong chờ của người dân từ bao đời nay.

Trở lại xã cù lao Ngũ Hiệp (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) vào những ngày giữa tháng 6, xe chúng tôi bon bon trên cây cầu trăm tỷ nối đôi bờ sông Năm Thôn. Cây cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong sự mong đợi của biết bao thế hệ người dân xã Ngũ Hiệp. Khát vọng nối vui đôi bờ của người dân đã trở thành sự thật. Người dân không còn phải chịu cảnh sang sông phải lụy phà như trước. Chưa kể, tuyến Đường tỉnh 868 đoạn qua xã Ngũ Hiệp cũng được đầu tư mở rộng, tạo sự kết nối đồng bộ trong phát triển kinh tế - xã hội của xã. Xã Ngũ Hiệp giờ đây đã khoác lên mình chiếc áo mới, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Gia đình ông Huỳnh Văn Đỏ (ấp Hòa Hảo, xã Ngũ Hiệp) sinh sống ở cù lao Ngũ Hiệp từ nhiều đời nay. Gần 70 tuổi, nhưng ông không nghĩ tới việc sẽ có cầu bắc qua cù lao Ngũ Hiệp. Song giờ đây, điều tưởng chừng không thể đó đã trở thành hiện thực. Theo ông Đỏ, người dân Ngũ Hiệp rất phấn khởi khi có cầu bắc qua sông Năm Thôn. "Trước đây, mỗi khi đi ra khỏi cù lao là không dám về muộn do phà không đưa, muốn đi thì phải bao phà. Giờ đây, việc đi lại thoải mái, thuận tiện hơn. Từ ngày cầu, đường được đầu tư đồng bộ, công việc buôn bán của gia đình ngày càng phát triển hơn. Không khí kinh doanh, mua bán trên địa bàn xã cũng sôi động hơn" - ông Đỏ phấn khởi nói.

Cũng mới vào đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức khánh thành đưa vào sử dụng cầu Vàm Cái Thia (huyện Cái Bè). Cầu Vàm Cái Thia bắc qua sông Cái Cối là cây cầu cuối cùng trên Đường tỉnh 864. Đây là công trình then chốt, mang tính kết nối toàn tuyến Đường tỉnh 864; kết nối giao thông từ cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè đến TP. Mỹ Tho. Việc đưa vào sử dụng cây cầu có ý nghĩa rất quan trọng, thỏa mong ước của người dân.

Gia đình ông Nguyễn Văn Lý sinh sống từ nhiều đời nay ở xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè. Ước mơ về việc có cầu bắc qua Vàm Cái Thia luôn là niềm mong ước của ông và nhiều người dân địa phương. Ông Lý chia sẻ: "Trước đây, muốn đi xuống trung tâm huyện Cái Bè hay xuống tỉnh thì phải qua đò, rất bất tiện. Từ ngày có cầu, việc đi lại, vận chuyển nông sản của gia đình tôi và người dân rất thuận tiện, người dân chúng tôi rất phấn khởi".

Ngoài những cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mới đây, tỉnh Tiền Giang cũng khởi công xây dựng cầu Tân Thạnh. Cây cầu được xây dựng bắc qua sông Cửa Trung nối xã cù lao Tân Thạnh với huyện cù lao Tân Phú Đông. Đây là công trình được kỳ vọng sẽ đưa xã Tân Thạnh xích lại gần hơn, xóa thế cô lập của xã đảo. Sắp tới đây, cầu Tân Phong bắc qua cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) sẽ được khởi công. Như vậy, khát vọng nối vui đôi bờ của tỉnh đang dần trở thành sự thật. Những cây cầu trăm tỷ sẽ giúp hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh từng bước hoàn thiện. Quan trọng hơn hết, những công trình này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.

Nguồn: Cổng TTĐT Tiền Giang