Nam Định: Phòng, chống tiêu cực trong đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ

Ngày 18/07/2023
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ngay từ đầu năm 2023, Sở GTVT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, củng cố, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo đúng lộ trình quy định.

Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ trong sát hạch lý thuyết, sát hạch thực hành lái xe, gắn thiết bị điện tử lắp trên xe ô tô để ghi, lưu trữ, xác thực và truyền nhận các thông tin bắt buộc liên quan trong quá trình dạy và thực hành lái xe, giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe (DAT); triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong công tác cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Sân tập lái xe cơ giới đường bộ của Trường Trung cấp Đại Lâm

(thành phố Nam Định).

Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn, thời gian qua, Trường Trung cấp Đại Lâm đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch (ĐTSH) đảm bảo thực chất, hiệu quả. Ông Trần Thọ Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng sân tập lái, trang thiết bị đồ dùng phục vụ công tác đào tạo, chú trọng bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hiện tại nhà trường có 2 sân thi sát hạch lái xe hạng A1 và 1 sân sát hạch ô tô loại 2 đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ GTVT. Trường đã triển khai lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch.

Trong quá trình sát hạch, hình ảnh, âm thanh và kết quả được công khai, minh bạch và truyền trực tiếp về Cục Đường bộ Việt Nam. Trường đã hoàn thành đầu tư 1 máy chủ, 2 máy trạm, hệ thống nhận diện khuôn mặt, vân tay và thẻ từ để giám sát thời gian học lý thuyết đối với các học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Thực hiện Thông tư 04/2022/TT-BGTVT ngày 26/4/2022 của Bộ GTVT, nhà trường đã đưa phần thi mô phỏng tình huống giao thông vào đào tạo; trong năm 2022 đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, lắp thiết bị giám sát quãng đường DAT cho gần 100 phương tiện. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, trường đã lắp đặt 7 ca bin điện tử và đưa vào giáo trình giảng dạy thực hành giúp học viên được thực hành quá trình lái xe cơ giới đường bộ mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết và tình huống giao thông khác nhau; qua đó góp phần nâng cao kỹ năng xử lý tình huống sát với thực tế. Với việc không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, trong 4 tháng đầu năm 2023, Trường Trung cấp Đại Lâm đã thực hiện đào tạo được trên 900 học viên lái xe cơ giới đường bộ các hạng B1; B11; B2; C đảm bảo chất lượng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trung tâm sát hạch lái xe (1 trung tâm loại 1; 1 trung tâm loại 2 và 2 trung tâm loại 3). Các trung tâm sát hạch lái xe được trang bị các thiết bị chấm điểm tự động đảm bảo quá trình sát hạch công khai, minh bạch, hạn chế tác động của con người vào kết quả sát hạch của thí sinh, hạn chế được các tiêu cực trong quá trình tổ chức sát hạch lái xe. Về phần sát hạch lý thuyết được thực hiện trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trên máy tính; sát hạch thực hành lái xe trong hình và trên đường bằng thiết bị chấm điểm tự động. Các trung tâm sát hạch sử dụng phần mềm do Cục Đường bộ Việt Nam chuyển giao, đảm bảo tính chính xác, không can thiệp vào kết quả; hệ thống camera giám sát lắp đặt tại phòng sát hạch lý thuyết, trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông, sân sát hạch, trên xe ô tô tập lái trên đường; Camera chụp ảnh ngẫu nhiên khuôn mặt thí sinh; Đảm bảo công khai, minh bạch kết quả sát hạch. Các trung tâm sát hạch lái xe có phương tiện và thiết bị hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu dự sát hạch lái xe của người dân trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Kết thúc các kỳ sát hạch lái xe ô tô, Hội đồng sát hạch tổ chức công bố công khai kết quả sát hạch và triển khai cấp GPLX ngay cho các thí sinh đạt kết quả sát hạch.

Trong đó, Trường Trung cấp nghề GTVT Nam Định (Sở GTVT) đã triển khai các điều kiện cần thiết để rút ngắn thời gian cấp bằng ngay sau khi hoàn thành kỳ sát hạch. Cụ thể, với điều kiện bình thường (thời tiết thuận lợi; đường truyền ổn định…) người tham gia sát hạch lái xe cơ giới đường bộ sẽ được cấp bằng sau 1 ngày hoàn thành kỳ thi thay vì phải đợi 10 ngày như trước. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác ĐTSH, cấp GPLX, trong tháng 2/2023 Sở GTVT thành lập Đoàn kiểm tra công tác ĐTSH, cấp GPLX tại 4 trung tâm ĐTSH lái xe trên địa bàn tỉnh gồm: Trường Trung cấp GTVT, Trường Trung cấp Đại Lâm, Trường Cao đẳng nghề số 20 (Bộ Quốc phòng) và Trường Trung cấp Công nghệ số 8. Qua công tác kiểm tra, Đoàn đã phát hiện, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại của các đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng công tác ĐTSH lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-BGTVT ngày 8/5/2023 của Bộ GTVT, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 479/UBND-VP5 ngày 26/5/2023 chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, phòng, chống tiêu cực và nâng cao chất lượng công tác ĐTSH, cấp, đổi GPLX cơ giới đường bộ; giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, hoa tiêu hàng hải.

Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng công tác ĐTSH, cấp, đổi GPLX; thường xuyên rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác ĐTSH, quản lý lái xe. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; nghiêm túc quán triệt tới công chức, viên chức, người lao động không để tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác ĐTSH, cấp, đổi GPLX cơ giới đường bộ; giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, hoa tiêu hàng hải. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan, UBND các huyện, thành phố Nam Định có phương án, triển khai cụ thể nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở đào đạo, trung tâm sát hạch công khai, minh bạch, chính xác trong ĐTSH, cấp, đổi GPLX,... Niêm yết, công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân và doanh nghiệp kịp thời thông tin, phản ánh những hành vi vi phạm. Rà soát, có phương án tăng cường nhân sự trong công tác quản lý ĐTSH lái xe, cấp, đổi GPLX đường bộ đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. 

Sở GTVT yêu cầu các phòng chức năng tăng cường kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất dữ liệu phiên học của học viên lưu trữ tại máy chủ của các cơ sở đào tạo, kiểm tra xác xuất việc sử dụng thiết bị DAT trên các xe tập lái, xử lý ngay khi có dấu hiệu can thiệp, chỉnh sửa dữ liệu DAT. Lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường giám sát thường xuyên, đột xuất các kỳ sát hạch, kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại trong công tác sát hạch.

Yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ cung cấp dữ liệu DAT và chịu hoàn toàn trách nhiệm tính trung thực của dữ liệu DAT; quản lý chặt chẽ giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng, đảm bảo phân bổ giáo viên, thiết bị dạy học đúng với kế hoạch đào tạo của nhà trường, nghiêm cấm việc tự nhận học viên và dạy thực hành bằng ô tô tập lái ngoài kế hoạch, ngoài tuyến đường tập lái đã được duyệt. Tổ chức đào tạo lý thuyết, thực hành lái xe theo đúng nội dung, chương trình và thời gian đào tạo; tổ chức kiểm tra hết môn, kiểm tra cấp chứng chỉ và lưu trữ hồ sơ đào tạo theo đúng quy định./.

Nguồn: Báo Nam Định