Sử dụng vật liệu, công nghệ mới thi công bảo trì cầu, đường

Ngày 09/08/2023
Mới đây, tại Hà Nội, hơn 100 đại biểu của các cơ quan hữu quan và doanh nghiệp thi công cầu đường đã tham dự hội thảo kỹ thuật về quản lý và bảo trì cầu, đường bộ do Cục Đường bộ Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tokyo Belt tổ chức.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với mục tiêu phát triển bền vững, từ tháng 7/2022, JICA và Công ty Tokyo Belt (trụ sở tại Tokyo) triển khai hoạt động khảo sát xây dựng mô hình kinh doanh cho khối doanh nghiệp tư nhân để phổ biến các phương pháp sửa chữa mặt đường có độ bền cao, sử dụng hỗn hợp gia nhiệt đàn hồi tại Việt Nam.

Hội thảo đã giới thiệu về các vật liệu và phương pháp thi công sửa chữa đường bộ; hệ thống chứng nhận đối với các công nghệ mới; các chính sách, khung pháp lý và chi tiết hoạt động liên quan đến quản lý và bảo trì cầu, đường bộ tại Việt Nam, với mục đích giúp nâng cao hiểu biết và nhận thức của người tham gia về công tác quản lý và bảo trì cầu, đường bộ.

Sử dụng vật liệu, công nghệ mới thi công bảo trì cầu, đường ảnh 1

Ông Komori Shota, Cố vấn cao cấp hình thành dự án (JICA Việt Nam) phát biểu tại hội thảo.

Công ty Tokyo Belt và Heatlock Industry đã giới thiệu phương pháp thi công khe co giãn không mối nối và sửa chữa đường vẫn bảo đảm khả năng thoát nước bằng Falcon (vật liệu sửa chữa đường) của Nhật Bản.

Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề xuống cấp sớm của cầu và đường bộ do lưu lượng giao thông đông đúc, nhiệt độ cao, lượng mưa lớn v.v… Bên cạnh đó, ngân sách để quản lý và bảo trì cầu, đường bộ còn hạn chế nên chỉ được sử dụng một số loại vật liệu và phương pháp thi công giá thành thấp, khiến chất lượng việc sửa chữa cầu, đường bộ không đạt, thường xuyên phải tiến hành bảo dưỡng, dẫn đến chi phí vòng đời cao.

Sử dụng vật liệu, công nghệ mới thi công bảo trì cầu, đường ảnh 2

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam phát biểu.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam, bên cạnh việc đầu tư mới các cơ sở hạ tầng giao thông, việc quản lý, bảo trì cầu, đường trong phạm vi ngân sách hạn chế cũng rất quan trọng. Để nâng cao chất lượng quản lý và bảo trì cầu, đường, chúng tôi rất kỳ vọng vào sự tiến bộ của công nghệ có tính ứng dụng cao”.

Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các hoạt động tập trung vào quản lý và bảo trì, áp dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng giao thông. Mặt khác, hệ thống chứng nhận công nghệ mới thông qua thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng đang được xây dựng và vận hành như một phương pháp để đưa công nghệ tiên tiến vào các công trình công cộng.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân