Giảm ô nhiễm, tắc nghẽn bằng hệ thống chở hàng tự động dưới lòng đất

Ngày 11/08/2023
Theo dự án mang tên Cargo Sous Terrain, một hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện tự động sẽ được xây dựng dưới lòng đất tại Thụy Sĩ.

Hệ thống vận chuyển hàng hóa ngầm dài 500km

Theo hãng tin CNN, dự án Cargo Sous Terrain (CST) thu hút nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực giao thông, hậu cần, bán lẻ, viễn thông và năng lượng tại Thụy Sĩ hợp tác.

Ý tưởng chính là xây dựng mạng lưới đường hầm dài 500km dưới lòng đất, nơi các phương tiện tự động sẽ vận chuyển hàng hóa trong khu vực rộng lớn trải dài từ thành phố Geneva, miền tây Thụy Sĩ tới thành phố St. Gallen, đông bắc nước này. Công tác xây dựng mạng lưới dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

Đường hầm sẽ nằm ở độ sâu từ 40-80m dưới lòng đất. Trong mỗi đường hầm, phương tiện tự động sẽ di chuyển ở tốc độ khoảng 30km/h trên ba làn đường.

Ảnh đồ họa phương tiện tự động vận chuyển
hàng hóa trong mạng lưới Cargo Sous Terrain

Mỗi phương tiện có không gian đặt hai kệ chở hàng, có cả phương tiện tích hợp tủ lạnh để vận chuyển thực phẩm, hàng hóa đông lạnh. Các trạm trung chuyển hàng hóa trong hệ thống trang bị thang nâng để bốc dỡ hoặc xếp hàng hóa vào kho chứa.

Ý tưởng hệ thống CST lần đầu được đề xuất vào năm 2010, nhưng tới năm 2021, Quốc hội Thụy Sĩ mới thông qua kế hoạch. Bên cạnh đó, dự án CST còn cần nhận được sự chấp thuận từ chính quyền nơi mạng lưới dự kiến đi qua.

Các bên tham gia dự án đã thành lập công ty CST để hiện thực hóa ý tưởng. Công ty cho biết dự án sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng vốn tư nhân, với sự tham gia của các nhà đầu tư: Credit Suisse, Coop và Siemens.

Ông Mo Najafi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Cơ sở hạ tầng dưới lòng đất tại Đại học Texas cho rằng thách thức lớn nhất đối với dự án CST là vấn đề chi phí. Công ty CST ước tính riêng kinh phí xây dựng phần đầu tiên của mạng lưới là 3,6 tỷ Franc Thụy Sĩ (4,1 tỷ USD) trong khi chi phí xây dựng toàn hệ thống là 34 tỷ USD.

Hiện công ty mới huy động được khoản vốn 100 triệu Franc Thụy Sĩ (114 triệu USD) để thực hiện phần đầu tiên của mạng lưới - đoạn đường hầm dài 70km nối các thành phố Härkingen-Niederbipp với Zurich, dự kiến đi vào vận hành vào năm 2032. Đầu năm nay, CST đã tiến hành khoan thăm dò tại một số khu vực ở TP Härkingen-Niederbipp.

Giảm phát thải, tắc nghẽn

Công ty CST kỳ vọng, sau khi đi vào vận hành, hệ thống sẽ giúp giảm tới 40% mật độ giao thông trên đường phố Thụy Sĩ.

Ngoài ra, vì các phương tiện tự động và toàn hệ thống vận hành bằng năng lượng tái tạo nên quá trình vận chuyển hàng hóa trong hệ thống phát thải CO2 thấp hơn 80% (tính trên mỗi tấn hàng hóa) so với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ hiện nay.

Ông Patrik Aellig - Giám đốc truyền thông công ty CST cho biết kể cả tính đến lượng khí phát thải sinh ra trong quá trình xây dựng mạng lưới hay thực tế là nhiều xe tải sẽ chuyển sang xe điện trong tương lai, thì về lâu dài, hệ thống CST vẫn thải ra lượng khí phát thải thấp hơn hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ.

Theo hãng tin CNN, ý tưởng mạng lưới CST ra đời nhằm giảm phụ thuộc vào xe tải trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu đang gia tăng trong khi nhiều khu vực trên thế giới lại thiếu trầm trọng lái xe tải.

Xét về ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ chiếm khoảng 6% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn cầu.

Chưa kể, chuyên gia cũng cho rằng xe tải là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vụ tai nạn đường bộ, gây hư hại cầu đường do trọng tải nặng.

Ông Mo Najafi cho rằng qua việc cung cấp giải pháp vận chuyển hàng hóa mới, hệ thống CST có thể hỗ trợ giảm lưu lượng giao thông trên các tuyến đường bộ và giảm ô nhiễm.

Nguồn: Báo Giao thông