Bà Rịa - Vũng Tàu: Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ 3 dự án trọng điểm

Ngày 14/08/2023
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường 991B và cầu Phước An không chỉ có vai trò quan trọng với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mà còn cho cả vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ 3 dự án trọng điểm này.

Phối cảnh một nút giao trên cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Khẩn trương thi công

Theo báo cáo cập nhật từ Ban Quản lý dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải (Ban Quản lý - chủ đầu tư 3 dự án), với dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sau khi khởi công ngày 20/6, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang khẩn trương đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đoạn tuyến dự án qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài hơn 19,5km/53,7km dự án, tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng, sử dụng vốn đầu tư công. Dự kiến dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2026.

Tính đến ngày 31/7, tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã ban hành quyết định phê duyệt 2.191 tỷ đồng cho 1.080 hộ. Tổng kinh phí đã chi trả gần 1.892 tỷ đồng. Tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án là 137,49ha; đã thu hồi 122,29ha (tương đương 88,61%). Hiện đơn vị thi công đã đóng cọc nhồi thi công một số cầu trên tuyến.

Đây là dự án quan trọng, nhằm phá thế độc đạo và giải quyết tình trạng quá tải trên Quốc lộ 51 nối Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải lớn nhất nước.

Với dự án đường 991B, đây là tuyến đường quan trọng dài gần 10km, nối Quốc lộ 51 với đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, tăng năng lực giao thông, vận tải và lưu chuyển hàng hóa của cảng, nhất là sẽ kết nối với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được thi công. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 3.900 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương. Tính đến đầu tháng 8/2023, toàn tuyến đã giải phóng xong mặt bằng, đang được khẩn trương thi công để phấn đấu hoàn thành vào năm 2024.

Còn dự án cầu Phước An với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, có vai trò quan trọng, kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sang phía Tây, qua tỉnh Đồng Nai để nối với Đồng bằng sông Cửu Long. Có cây cầu này, hàng hóa xuất, nhập khẩu của miền Tây sẽ không cần đi vòng qua thành phố Hồ Chí Minh để đến cảng.

Tính đến đầu tháng 8/2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải phóng xong mặt bằng dự án; hoàn tất thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng với các nhà thầu thi công xây lắp các gói thầu. Năm 2023, dự án được bố trí 300 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt 68,6%. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2027.

Theo ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý, đây là các dự án trọng điểm nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ban Quản lý đang phối hợp với các bên giải quyết lượng công việc rất lớn, nhằm mục tiêu thực hiện các dự án bảo đảm cả tiến độ và chất lượng.

Thông tin đến báo chí về công việc đang làm, ông Dương Hồng Quân, Chỉ huy trưởng Tập đoàn Sơn Hải, đang thi công dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua thành phố Bà Rịa cho biết, đơn vị đã nhận đủ mặt bằng 2km đầu dự án; đã tập trung 2/3 số thiết bị chuyên dụng cần thiết và huy động hơn 100 công nhân khẩn trương làm việc theo tinh thần chất lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất.

Giám sát chặt chẽ

Sau khi có buổi kiểm tra thực tế tiến độ thi công tại công trường dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua thành phố Bà Rịa và thị xã Phú Mỹ hôm 5-8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh thông tin, ngoài việc tỉnh đã sẵn sàng nguồn vốn; hoàn thành ký kết các gói thầu với đơn vị thi công, thủ tục nhận bàn giao khu vực khai thác vật liệu cho dự án vẫn còn một số khâu cần hoàn thiện với Tập đoàn Cao su Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh

kiểm tra tiến độ dự án.

Cụ thể, khu đất sẽ được khai thác vật liệu đắp đường cho cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nằm tại xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức, do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý. Từ cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi văn bản đề nghị tập đoàn bàn giao khu đất 47,4ha này để san hạ mặt bằng, lấy đất đắp đường.

Cùng với đó, còn một số hộ dân trong vùng dự án chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài việc tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các bên đẩy nhanh tiến độ dự án, giải quyết ngay các tồn đọng phát sinh, ông Nguyễn Công Vinh cho biết, quan điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là chỗ nào vướng mắc về mặt bằng sẽ thực hiện cưỡng chế để việc triển khai dự án được thông suốt, đúng tiến độ đề ra.

Cũng thực hiện chức năng giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã kiểm tra tình hình thực hiện 3 dự án trọng điểm nêu trên hôm 9/8 vừa qua. Tại các công trường, đoàn đã cùng các bên liên quan làm rõ hơn những khó khăn, vướng mắc của các dự án. Đồng thời cập nhật tiến độ giải phóng mặt bằng; việc giải quyết khiếu kiện của người dân liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho biết, đoàn đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung trong các báo cáo; nêu rõ những đề xuất cụ thể để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhất là với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương với những dự án quốc gia này. Trên cơ sở đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc lại với các sở, ngành và có đề xuất Trung ương giải quyết nhanh.

Tính đến đầu tháng 8/2023, đoạn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua tỉnh Đồng Nai đã cắm xong mốc xác định ranh dự án, nhưng công tác giải phóng mặt bằng chậm do nhiều nguyên nhân, nổi bật là thiếu quỹ đất tái định cư. UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất Chính phủ cho phép địa phương được bố trí dân tái định cư vào Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, vốn được bố trí cho di dời dân trong vùng dự án sân bay Long Thành.

Nguồn: Hà Nội mới