Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Tĩnh về Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định quản lý và bảo vệ KCHT giao thông đường bộ

Ngày 16/08/2023
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8936/BGTVT-KCHT ngày 15/8/2023 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới trước Kỳ họp thứ 5,Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau: 

“Đề nghị sửa đổi Điều 14 và Điều 15 của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 về quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông theo hướng quy định tương tự như quy hoạch đô thị hoặc tính từ tim đường. Theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, sửa đổi tại Điều 1 Nghị định số 100/2013/NĐCP, quy định việc xác định phạm vi phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ ngoài đô thị được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào). Việc xác định phạm vi theo mái taluy gặp khó khăn khi ta luy có thể thay đổi theo thời gian (khi đào, đắp thêm dẫn tới phạm vi thay đổi); dẫn tới khó khăn trong xác định phạm vi đất bảo vệ đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ, ảnh hưởng tới việc quản lý hành lang an toàn, quản lý quy hoạch đất đai hai bên đường bộ.” 

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. 

Về nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT trả lời như sau: 

Đối với kiến nghị của cử tri xác định phạm vi phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ ngoài đô thị theo tim đường, theo quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ ngoài đô thị được xác định từ mép ngoài cùng của nền đường bộ (chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào) và cụ thể theo cấp của đường bộ. 

Theo Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô TCVN 4054 2005, cấp của đường chỉ quy định chiều rộng tối thiểu mặt đường; nên có thể cùng một cấp đường, nhưng chiều rộng mặt đường các tuyến khác nhau có thể không giống nhau, ví dụ, nhiều tuyến đường cấp III đồng bằng không có giải phân cách giữa được xây dựng với bề rộng mặt đường là 7 hoặc 9m (Theo TCVN 4054 2005 chiều rộng mặt đường tối thiểu là 7m), khi có giải phân cách giữa, chiều rộng mặt đường rộng 14m, …; mặt khác mái taluy nền đường khác nhau do địa hình, địa chất mỗi khu vực khác nhau, ví dụ đối với địa hình đắp cao, từ mép lề đường tới mép ngoài cùng của nền đường bộ có thể rộng hàng chục mét. 

Do đó việc xác định phạm vi phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ ngoài đô thị theo tim đường là không khả thi. Đối với kiến nghị của cử tri xác định phạm vi phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ ngoài đô thị theo hướng quy định tương tự như quy hoạch đô thị: Hiện nay, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội và các Nghị định quy định chi tiết của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 10/2016/TT-BXD ngày 15/3/2016 (trước đây là Thông tư số 15/2010/TT-BXD ngày 27 tháng 8 năm 2010) quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch xây dựng; tại Điều 2 có quy định: “… Mốc chỉ giới đường đỏ là mốc xác định đường ranh giới phân định giữa phần lô đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình hạ tầng kỹ thuật, có ký hiệu CGĐ.” 

Tuy nhiên đối với đường giao thông ngoài đô thị hiện nay chưa có quy định về mốc chỉ giới đường đỏ. Do đó chưa có cơ sở để xem xét, sửa đổi quy định việc xác định phạm vi phần đất bảo vệ, bảo trì đường bộ và hành lang an toàn đường bộ ngoài đô thị như quy hoạch đô thị như ý kiến cử tri. 

Theo Nghị quyết của Quốc hội , Dự án Luật Đường bộ sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Đường bộ, trong đó sẽ quy định cụ thể hơn việc xác định phạm vi đất quản lý, bảo vệ, bảo trì và đất hành lang an toàn đường bộ. 

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.
 

Nguồn: Bộ GTVT