Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các bộ, ngành trung ương đã và đang chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ 3 dự án trọng điểm này.
Gấp rút thi công
Những ngày này, trên công trường thi công đường 991B (tuyến đường nối từ QL51 đến hạ lưu cảng Cái Mép, TX.Phú Mỹ), hàng trăm công nhân đang thi công đồng loạt các hạng mục như: phần đường, cầu Rạch Ông, cầu Mỏ Nhát, cầu vượt QL51.
Ông Đinh Trọng Quỳnh, Giám đốc điều hành dự án đường 991B, Tập đoàn Cường Thịnh Thi cho biết, đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành 60% khối lượng công trình và phấn đấu đưa vào khai thác toàn tuyến vào năm 2024.
Tại dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1 (dự án đường cao tốc BH-VT), hơn 100 công nhân, kỹ sư đang hối hả điều khiển máy móc, phương tiện thi công các hạng mục. Ông Dương Hồng Quân, Chỉ huy trưởng Tập đoàn Sơn Hải (đơn vị thi công dự án) cho biết, từ ngày khởi công dự án (18/6) đến nay, đơn vị đã được bàn giao 2km đầu tuyến. Nhà thầu đang triển khai bóc tách lớp đất bề mặt, đã đưa 2/3 máy móc thiết bị chuyên dụng hiện đại nhất phục vụ công tác thi công. Mục tiêu của đơn vị thi công là đẩy nhanh tiến độ công trình mà vẫn bảo đảm chất lượng.
Báo cáo từ Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải (Ban QLDA, chủ đầu tư) cho biết, tính đến hết tháng 7, tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã ban hành quyết định phê duyệt 2.191 tỷ đồng cho 1.080 hộ. Tổng kinh phí đã chi trả gần 1.892 tỷ đồng. Tổng diện tích đất cần thu hồi để thực hiện dự án là 137,49ha; đã thu hồi 122,29ha (tương đương 88,61%). Hiện đơn vị thi công đã đóng cọc nhồi thi công một số cầu trên tuyến. Đây là dự án quan trọng, nhằm phá thế độc đạo và giải quyết tình trạng quá tải trên quốc lộ 51 nối Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép-Thị Vải lớn nhất nước.
Còn dự án cầu Phước An với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, có vai trò quan trọng, kết nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải sang phía Tây, qua tỉnh Đồng Nai để nối với đồng bằng sông Cửu Long. Có cây cầu này, hàng hóa xuất, nhập khẩu của miền Tây sẽ không cần đi vòng qua TP.Hồ Chí Minh để đến cảng. Tính đến đầu tháng 8/2023, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giải phóng xong mặt bằng dự án; hoàn tất thủ tục đấu thầu, ký hợp đồng với các nhà thầu thi công xây lắp các gói thầu. Năm 2023, dự án được bố trí 300 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt 68,6%. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2027.
Theo ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban QLDA, đây là các dự án trọng điểm nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương trên địa bàn tỉnh. Ban Quản lý đang phối hợp với các bên giải quyết lượng công việc rất lớn, nhằm mục tiêu thực hiện các dự án bảo đảm cả tiến độ và chất lượng.
Công nhân thi công trên công trình dự án cầu Phước An.
Tháo gỡ vướng mắc để các dự án hoàn thành tiến độ
Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban QLDA cho biết, đối với dự án cầu Phước An và đường 991 B hiện công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành. Riêng dự cao tốc BH-VT khó khăn hiện nay là khu đất sẽ được khai thác vật liệu đắp đường cho dự án nằm tại xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức), do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam quản lý. Từ cuối tháng 5/2023, UBND tỉnh đã gửi văn bản đề nghị tập đoàn bàn giao khu đất 47,4ha này để san hạ mặt bằng, lấy đất đắp đường. Tuy nhiên, hiện Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chưa bàn giao. Cùng với đó, còn một số hộ dân trong vùng dự án chưa bàn giao mặt bằng nên đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công.
Hiện tỉnh đã hoàn tất các thủ tục đền bù cho Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam. Do đó, tại buổi khảo sát tiến độ triển khai thực hiện dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua địa bàn TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa vào ngày 5/8 vừa qua, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các bên đẩy nhanh tiến độ dự án, giải quyết ngay các tồn đọng phát sinh, để dự án bảo đảm tiến độ. Do đó, tỉnh sẽ thực hiện cưỡng chế nếu Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chậm trễ trong việc bàn giao khu đất 47,4ha cho các đơn vị thi công tiến hành san hạ mặt bằng, lấy đất đắp đường./.