Hà Nội: Hiện thực hóa giấc mơ giao thông xanh

Ngày 05/09/2023
Với sự hiện diện liên tiếp của tàu điện, xe buýt điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, taxi điện, xe đạp và xe đạp điện công cộng, Hà Nội đang cho thấy quyết tâm mạnh mẽ, từng bước hiện thực hóa giấc mơ giao thông xanh của TP.

Những thành tựu đầu tiên

Giao thông xanh sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và những loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh.

Ở Hà Nội, trong khi ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp do lượng xe cá nhân gia tăng mất kiểm soát, gây quá tải hạ tầng, đe dọa môi trường, giao thông xanh vẫn còn khá mới mẻ. Đa số người dân không có thói quen đi bộ, đi xe đạp hay sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), mà vẫn lệ thuộc rất lớn vào xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.

Trong bối cảnh đó, việc phát triển các loại hình giao thông xanh thay thế dần xe cơ giới không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai của Thủ đô. Nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều nơi đã phát triển mạnh mẽ giao thông xanh.

Tàu đô thị Cát Linh - Hà Đông

Ví dụ như Hà Lan được coi là vương quốc xe đạp. Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấm hoàn toàn xe máy, người dân sử dụng phương tiện VTHKCC là chính. Nhật Bản, Hàn Quốc đã phổ biến mô hình xe đạp cho thuê với giá rẻ, tiện lợi ở nhiều TP. Nhiều nước phát triển đang dần thay thế ô tô sử dụng xăng bằng ô tô điện, pin mặt trời…

Bắt nhịp với xu thế đó, Hà Nội đã nỗ lực hết sức trong những năm qua và đạt được những thành tựu ban đầu vô cùng ý nghĩa. Đó là sự xuất hiện của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; 10 tuyến xe buýt điện, 4 tuyến buýt sử dụng xe chạy bằng khí nén CNG. Mới đây, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác, cung cấp khí nén với một DN của Nga, chuẩn bị cho nhiều tuyến buýt “sạch” khác ra đời.

Cùng với đó Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành. Dự kiến trong năm 2024, tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 3, đoạn Nhổn - Cầu Giấy cũng sẽ đi vào vận hành, gia tăng tỷ trọng VTHKCC bằng phương tiện xanh.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội nói: “Có thể khẳng định, dù còn nhiều khó khăn thách thức, Hà Nội đã đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi phương thức VTHKCC. Việc sử dụng phương tiện xanh trong VTHKCC không chỉ góp phần rất tích cực bảo vệ môi trường mà còn tạo nên sức hút mạnh mẽ với người dân, dần thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân, chuyển sang tàu điện, xe buýt...”.

Anh Dương Hồng Minh (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) cho biết: “Tàu điện có lợi thế chạy rất nhanh, xe buýt, taxi điện thì vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi tắc đường. Nhưng điểm chung của các loại hình này là sạch sẽ, văn minh, tạo cảm giác dễ chịu hơn hẳn tàu xe chạy bằng xăng, dầu nên được hành khách ưa chuộng hơn hẳn. Bản thân tôi cũng đã chuyển sang đi xe buýt từ khi có xe buýt điện”.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành phân tích, với xe buýt điện, taxi và xe đạp điện công cộng, kết nối với ĐSĐT sẽ được mở rộng hơn, thuận tiện và hiện đại hơn rất nhiều. Các loại hình VTHKCC sử dụng nhiên liệu sạch không chỉ bổ trợ cho nhau về tính kết nối, vận chuyển mà còn đang cùng góp phần hình thành một hệ sinh thái của giao thông xanh.

Cần sự ủng hộ tuyệt đối

Bên cạnh những thành công bước đầu, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội chưa đủ điều kiện để phát triển mô hình giao thông xanh, đặc biệt là thiếu nguồn vốn đầu tư, hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt sạch, tàu điện… Tuy nhiên, thạc sĩ Phan Trường Thành cho rằng: “Khó khăn thì ở đâu cũng có. Cái khó nhất không phải thiếu tiền, thiếu cơ sở vật chất mà là thiếu ý thức tự giác, đoàn kết vì lợi ích chung của không ít người dân”.

Thói quen sử dụng xe máy, ô tô riêng đã ăn sâu bén rễ trong bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội. Mỗi khi đề cập tới việc hạn chế xe cá nhân, chuyển đổi phương tiện sang đi bộ, xe đạp, xe buýt, chính quyền TP lại gặp không ít khó khăn, ý kiến trái chiều.

Để xây dựng được một Hà Nội văn minh, hiện đại, đáng sống với giao thông xanh, nguồn lực đầu tiên cần đến là chính sách. Thực vậy, các vấn đề như hạn chế xe cá nhân, đầu tư cho vận tải công cộng; phát triển xe chạy bằng nhiên liệu sạch; phổ biến xe đạp hay khuyến khích người dân đi bộ đều cần có chính sách rõ ràng, cụ thể và phù hợp.

TP cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các DN kinh doanh VTHKCC hướng tới sử dụng xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên, điện. Song song với đó là các biện pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông để hướng người dân đến với VTHKCC, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa hạn chế tối đa trở ngại cho VTHKCC khi lưu thông trên đường.

Bên cạnh đó, Chính phủ và chính quyền TP cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích nguồn lực xã hội nhằm đầu tư cho ĐSĐT cũng như phát triển các loại hình phương tiện xanh khác.

Các cơ quan công chính và DN tại Hà Nội cần đi đầu trong phong trào hạn chế sử dụng xe máy, ô tô chạy bằng xăng, dầu, chuyển sang sử dụng xe đạp, xe buýt sạch, tàu điện, xe máy, ô tô điện. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây sẽ là điểm đột phá, đưa chính sách hạn chế xe cá nhân vào đời sống đô thị của Hà Nội.

Hiện có đến hàng nghìn cán bộ, công nhân viên, công chức, viên chức của Hà Nội, dù nhu cầu đi lại không nhiều nhưng vẫn sử dụng xe máy, ô tô riêng hằng ngày. Nếu chuyển hóa lực lượng này sang đi bộ, đi xe đạp, tàu điện, xe buýt sẽ giảm đáng kể ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy được phong trào xanh hóa giao thông trong lòng Hà Nội.

Có thể thấy giao thông xanh là giải pháp toàn diện cho đô thị Hà Nội trong hiện tại và cả tương lai. Chính quyền cũng như Nhân dân TP cần chung tay, đồng lòng tiếp thêm sức lực “xanh hóa” hệ thống VTHKCC, giảm thiểu phương tiện cá nhân vì một Thủ đô văn minh, hiện đại và đáng sống./.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị