Cuộc cách mạng 90 giây xuất xưởng 1 chiếc xe máy điện

Ngày 11/09/2023
Ấn Độ đang diễn ra một cuộc cách mạng xe 2 bánh và 3 bánh điện, với mục tiêu xe điện sẽ chiếm 1/3 tổng doanh số bán ô tô tư nhân và 80% doanh số bán xe hai và ba bánh vào cuối thập kỷ này.

Giới chuyên gia nhận định muốn hiện thực hóa tham vọng trên, Ấn Độ cần khắc phục nhiều trở ngại lớn trong đó có giảm giá và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Ảnh: CNN

Trong một nhà máy khởi nghiệp tại Hosur, thành phố phía nam Ấn Độ, dây chuyền lắp ráp đang hoạt động với tốc độ chóng mặt; cứ 90 giây lại cho ra đời một chiếc xe máy điện mới.

Ông Tarun Mehta, Giám đốc điều hành Ather Energy, một công ty sản xuất xe máy điện cho biết, cách đây 3 năm, mỗi tháng công ty bán được khoảng 200 chiếc. Hiện tại doanh số mỗi tháng dễ dàng đạt 15.000 chiếc. Thậm chí công ty này còn không cần phải xuất khẩu, bởi thị trường trong nước đã quá đủ với họ: “Ngày nay, Ấn Độ là một trong những thị trường xe máy điện hiện đại và tiên tiến nhất so với bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Ngoại trừ pin phải nhập khẩu, mọi linh kiện tại nhà máy này đều được sản xuất tại Ấn Độ. Thế nhưng việc sản xuất hàng loạt xe từ ban đầu không hề dễ dàng.

Ông Swapnil Jain, Đồng sáng lập Ather Energy, chia sẻ: “Chuỗi cung ứng linh kiện lúc đầu không hề có nên chúng tôi phải xây dựng toàn bộ chuỗi cung ứng”.

Thị trường phương tiện cá nhân chạy điện Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành ngành công nghiệp trị giá 100 tỉ USD vào năm 2030. Ở quốc gia đông dân nhất thế giới, xe 2 bánh và 3 bánh là trọng tâm chính – vượt xa các phương tiệnkhác, nhiều gấp bốn lần số lượng ô tô..

Đi bộ xuống một con phố ở New Delhi hoặc Bangalore là đủ để chứng minh điều đó. Những chiếc xe máy điện có giá thấp nhất 1.000 USD đang chạy trên những con đường tắc nghẽn. Chúng được các nhà bảo vệ môi trường và chính phủ quảng bá như một cách giảm bớt khí thải gây ô nhiễm.

Bà Anumita Roychowdhury, Giám đốc điều hành Trung tâm khoa học và môi trường, nêu ý kiến: “Nếu chúng ta có thể kết hợp cả hai, kết hợp quá trình chuyển đổi xe điện và quá trình khử carbon trong điện, thì đó thực sự là việc đôi bên cùng có lợi và chúng ta sẽ có được lợi ích to lớn về môi trường và sức khỏe”.

Ảnh: CNN

Lượng đăng ký xe máy điện trong 3 năm qua tăng gấp 10 lần. Tại Ấn Độ, nhiều chiếc xe kéo đầy màu sắc, từng chạy bằng sức người, giờ đây chạy bằng pin để đưa hành khách rong ruổi qua các thị trấn.

Giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ đang nỗ lực xanh hóa với mục tiêu đến cuối thập kỷ này xe điện chiếm 1/3 tổng doanh số ô tô cá nhân cũng như chiếm 80% doanh số xe 2 và 3 bánh.

Thế nhưng, giới chuyên gia nhận định muốn hiện thực hóa tham vọng trên, Ấn Độ cần khắc phục nhiều trở ngại lớn trong đó có giảm giá và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia Brajesh Chhibber, thuộc công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, cho biết: “Chúng tôi dự đoán tổng thị trường xe 2 bánh đến cuối năm 2030 sẽ vào khoảng 25 triệu chiếc. Và trong số đó, chiếm tới 60 – 70% sẽ là xe điện”.

Sở dĩ, thị trường xe điện phát triển như vậy là bởi Ấn Độ đã thông qua chương trình Sản xuất và Sử dụng xe điện nhanh hơn (FAME). Chương trình bắt đầu từ năm 2019, chi hơn 1,2 tỉ USD trợ cấp cho người dùng xe điện cũng như thiết lập hàng nghìn trạm sạc. Việc trợ cấp đóng vai trò to lớn đối với làn sóng xe điện hiện nay.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mặc dù đã đạt được một cột mốc quan trọng nhưng 1 triệu chiếc được bán ra vào năm ngoái chẳng thấm vào đâu so với tổng số 250 triệu chiếc xe 2 và 3 bánh tại Ấn Độ, vì vậy cơ hội tăng trưởng vẫn rất lớn.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, giống như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ còn tụt hậu trong cơ sở hạ tầng sạc điện, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Trong một báo cáo vào tháng 11 năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính Ấn Độ cần khoảng 285 tỉ USD để điện khí hóa hoàn toàn thị trường xe 2 và 3 bánh.

Anmol Singh Jaggi, Giám đốc điều hành BluSmart, một công ty chia sẻ chuyến đi sử dụng đội xe chạy hoàn toàn bằng điện, cho rằng việc thiếu trạm sạc là “trở ngại lớn nhất”.

Ông cho biết: “Ngành công nghiệp xe điện là một trong những lĩnh vực lớn nhất trên thế giới. Tôi nghĩ chính phủ cần làm nhiều hơn nữa, không chỉ khuyến khích về tài chính”.

Còn tại Việt Nam, trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng xe máy điện dần trở nên phổ biến hơn ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Đáng chú ý, khác với dòng xe máy chạy xăng, thị trường xe máy điện có sự tham gia của khá nhiều nhà sản xuất trong nước như VinFast, Pega, Dat Bike, Detech, DKBike…

Gần đây, các hãng xe điện tăng cường hợp tác với các đơn vị vận chuyển để sử dụng xe máy điện trong giao hàng, chở khách, như Vingroup đã thành lập Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh cung cấp dịch vụ taxi xanh, gần đây đã cung cấp thêm dịch vụ xe ôm xanh.

Nguồn: VOV Giao thông