Quốc lộ 17, đoạn qua địa bàn xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên),
được sửa chữa, cải tạo và xây dựng rãnh dọc thoát nước.
Thái Nguyên hiện có 5 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài gần 230km, xấp xỉ 400km tỉnh lộ, khoảng 4.000km đường huyện, xã và đường giao thông nông thôn. Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay, 100% các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đã được đổ nhựa và khoảng 80% đường xã, xóm, ngõ xóm được đổ bê tông.
Đối với các tuyến đường tỉnh trên địa bàn, hầu hết được đầu tư đổ nhựa từ 10-20 năm trước, nhưng do thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp. Mặt khác, do lưu lượng phương tiện giao thông lớn, mặt đường lại nhỏ hẹp nên gây mất an toàn, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân…
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, nhu cầu kinh phí để quản lý, duy tu, sửa chữa các tuyến đường này ước tính vào khoảng 300 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, nguồn vốn phân bổ của Trung ương và tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với thực tế.
Để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn và tăng cường năng lực vận chuyển hàng hóa, Sở Giao thông vận tải thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra các tuyến đường được giao quản lý, ủy thác quản lý nhằm đánh giá mức độ xuống cấp, hư hỏng để kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục.
Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Sở Giao thông vận tải sẽ căn cứ vào nguồn vốn được phân bổ để triển khai thực hiện các dự án theo thứ tự ưu tiên. Cụ thể, đoạn đường xuống cấp nhất sẽ được ưu tiên đầu tư sửa chữa trước; tiếp đó là các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, khu vực đông dân cư…
Kết quả, từ năm 2020 đến nay, Sở Giao thông vận tải đã triển khai gần 50 dự án sửa chữa, cải tạo nền, mặt đường và xây dựng hàng chục cây cầu, cống hộp qua các khe suối, xóa các "điểm đen" về giao thông.
Riêng trong năm 2023, Sở Giao thông vận tải được phân bổ trên 79 tỷ đồng để triển khai 12 dự án thuộc các tuyến tỉnh lộ. Ngoài ra, đối với các tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý, trên cơ sở đề xuất của Sở, Bộ Giao thông vận tải sẽ bố trí vốn để lập dự án sửa chữa, như: Quốc lộ 17, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, Quốc lộ 3C… Thực tế cho thấy, những dự án được đầu tư sửa chữa kịp thời đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông và được người dân trong khu vực thụ hưởng rất đồng tình.
Đơn cử như trên Quốc lộ 17 đoạn từ cầu Linh Nham đi thị trấn Trại Cau với chiều dài khoảng 15km có nhiều phương tiện trọng tải lớn vận chuyển khoáng sản, thép. Trong khi đó, mặt đường khá hẹp, lề đường lún nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trước tình hình đó, năm 2022, tuyến đường đã được đầu tư để thảm nhựa, xây dựng rãnh dọc thoát nước ở những khu vực đông dân cư sinh sống. Dự án được triển khai, người dân sinh sống dọc Quốc lộ 17 rất vui mừng, những hộ bị ảnh hưởng đều tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình trên đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Anh Trần Văn Kiên, nhà ở xóm Thông Nhãn, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), phấn khởi chia sẻ: Đoạn Quốc lộ 17 qua khu vực này đã xuống cấp, đường rất hẹp. Đến khi Nhà nước đầu tư thảm lại mặt đường, xây dựng rãnh dọc thoát nước và đậy tấm bê tông, mặt đường đã rộng thêm 2m, vừa đảm bảo an toàn vừa hạn chế được tình trạng bụi bặm.
Hay như Dự án sửa chữa mặt, nền đường, rãnh dọc thoát nước trên tuyến Quốc lộ 37, đoạn từ Km151-Km156, với tổng số vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng, được triển khai từ tháng 5/2023 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Ngoài ra còn có Dự án sửa chữa Đường tỉnh 270, đoạn từ xã Tân Thái đi thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) với chiều dài gần 6km hiện đã cơ bản hoàn thành...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số tuyến đường được đầu tư cải tạo, nâng cấp do Ban Quản lý Dự án xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, như: Đường tỉnh 261, đoạn từ thị trấn Hùng Sơn đi thị trấn Quân Chu (Đại Từ); Đường tỉnh 266, đoạn từ ngã tư Sông Công đi đường tròn Điềm Thụy (Phú Bình); nâng cấp đường Hóa Thượng - Minh Lập - Hòa Bình - Tân Long (Đồng Hỷ) thành Đường tỉnh 273; tuyến đường Cù Vân - An Khánh - Quyết Thắng...
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, do nguồn kinh phí phân bổ còn hạn chế nên hầu hết các dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông của tỉnh không có kinh phí hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, mà chỉ vận động nhân dân hiến đất, tháo dỡ công trình trên đất. Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng ở một số địa điểm còn gặp khó khăn.
Tuy nhiên, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, lắng nghe nguyện vọng của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án để tháo gỡ khó khăn kịp thời nên hầu hết các hộ đều đồng thuận hiến đất, tháo dỡ công trình trên đất, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Qua đó giúp các dự án đã và đang được triển khai bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.