“Nước rút” bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh

Ngày 19/09/2023
Hà Tĩnh đang tập trung cao nhất giải quyết những khó khăn, vướng mắc cuối cùng trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc – Nam đúng tiến độ.

Tuyến chính cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đi qua 7 xã của huyện Thạch Hà có tổng chiều dài 18,27 km với 2 dự án thành phần Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng. Trên địa bàn Thạch Hà còn xây dựng thêm 2 tuyến đường song hành kết nối cao tốc là tuyến tỉnh lộ 550 – Hàm Nghi kéo dài (dài 3,944 km) và đường nối Ngô Quyền – Tỉnh lộ 550 (dài 5,503 km) qua các xã Thạch Đài, Lưu Vĩnh Sơn và thị trấn Thạch Hà.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi

qua địa phận xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà)

Theo thống kê của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam huyện Thạch Hà, địa phương này cần bàn giao hơn 170 ha đất các loại với gần 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng, xây dựng 8 khu tái định cư, 1 nghĩa trang và di dời hạ tầng đường điện cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB) công trình.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, sự đồng thuận ủng hộ cao từ người dân, Thạch Hà đã hoàn thành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi đạt 91,51%, đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng đạt 99,21%, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình triển khai xây dựng các gói thầu xây lắp dự án cao tốc Bắc – Nam. Để có thể bàn giao phần diện tích còn lại cho chủ đầu tư thi công dự án, chủ yếu là các hộ dân thuộc diện di dời tái định cư, hộ bị ảnh hưởng một phần tài sản, vật kiến trúc, cây cối và một số trang trại chăn nuôi, thời gian qua, huyện Thạch Hà tập trung cao cho công tác GPMB.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Văn Sáu cho hay: Phần diện tích mặt bằng phải bàn giao còn lại là không lớn nhưng hiện đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần sự hỗ trợ, phối hợp của các ban, ngành cấp tỉnh. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sáu, huyện đang chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành các khu tái định cư; hoàn thiện hồ sơ di dời đường điện 220kV trình Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, còn với đường điện 110kV, trung thế, hạ thế hoàn thành di dời trong tháng 10 tới. Đồng thời, kiến nghị tỉnh, các sở, ngành tiếp tục hướng dẫn huyện xác định giá trị bồi thường đối với trang trại chăn nuôi lợn ở xã Việt Tiến.

Trong khi đó, với 27,03 km tuyến chính cao tốc Bắc – Nam đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng và 3,2 km chiều dài tuyến đường kết nối cao tốc, huyện Cẩm Xuyên là địa phương chiếm tới 30% tổng số km toàn tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh. Diện tích mà huyện cần bàn giao là hơn 230 ha đất các loại với 2.300 hộ dân bị ảnh hưởng, xây dựng 8 khu tái định cư, di dời hệ thống đường điện cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh thông tin: Dù khối lượng GPMB lớn nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, đến nay, Cẩm Xuyên đã bàn giao mặt bằng đạt 98,15%, khối lượng xây dựng 8 khu tái định cư đạt từ 52 – 92%; đang triển khai hồ sơ, thủ tục di dời hạ tầng đường điện. Địa phương đang tích cực tập trung cho công tác GPMB với mục tiêu bàn giao số diện tích còn lại sớm nhất cho chủ đầu tư. Tuy vậy, quá trình triển khai, Cẩm Xuyên đang gặp một số khó khăn nhất định về công tác GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam. Địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với phương án bồi thường, sớm nhận kinh phí, bàn giao mặt bằng dự án.

Phần đường điện ở xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) cần
được di dời để dự án cao tốc Bắc - Nam thuận lợi thi công

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 qua địa bàn Hà Tĩnh có chiều dài 102,38km, gồm 3 đoạn: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng. Ngoài ra, còn có 3 tuyến đường kết nối cao tốc dài 12,18km là đường Ngô Quyền – ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan – quốc lộ 1.

Theo đó, Hà Tĩnh cần bàn giao 1.000 ha đất các loại với hơn 8.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 404 hộ tái định cư; 746 hộ ảnh hưởng một phần tài sản, vật kiến trúc, cây cối; xây dựng 26 khu TĐC, 4 nghĩa trang; di dời hệ thống đường điện cao thế, trung thế, hạ thế và các công trình, hạ tầng kỹ thuật khác.

Xác định công tác GPMB là việc làm khó, phức tạp khi ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, cùng với việc huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, chủ đầu tư trong quá trình triển khai việc kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam.

Với việc thực hiện song song các giải pháp, đến nay, Hà Tĩnh đã hoàn thành việc kiểm đếm; thực hiện việc áp giá, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,07% và bàn giao mặt bằng đạt 98,04%, giải ngân nguồn vốn GPMB đạt 2.127/2.853,43 tỷ đồng (đạt 74,54%); 26 khu tái định cư và 4 khu nghĩa trang đã triển khai xây dựng, trong đó 8 khu 96 khu tái định cư, 2 khu nghĩa trang) có khối lượng đạt 100%, còn lại đạt từ 20 – 97%.

Để đảm bảo tiến độ dự án không bị ảnh hưởng về vấn đề mặt bằng, Hà Tĩnh đang chỉ đạo các ban, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp để tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” trong công tác GPMB gắn với mốc thời gian cụ thể hoàn thành từng phần việc. Đối với một số trường hợp cố tình không nhận tiền đền bù GPMB, dù chính quyền địa phương đã làm đúng trình tự, thủ tục thì sẽ củng cố hồ sơ để có phương án xử lý phù hợp, không vì một vài cá nhân mà làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án trọng điểm quốc gia.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh