Phú Thọ: Mở rộng giao thông, kết nối giao thương

Ngày 26/09/2023
Xác định hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng thực hiện CNH-HĐH và xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, bằng nguồn ngân sách và sự đóng góp của nhân dân, các doanh nghiệp cùng với lồng ghép các nguồn vốn khác, Phú Thọ đã làm mới hàng ngàn km đường GTNT, đầu tư nâng cấp hoặc mở mới nhiều tuyến đường kết nối, liên vùng, đối ngoại; xây dựng nhiều cầu mới bắc qua sông không những tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu đi lại của người dân mà còn tăng cường các hoạt động giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều tuyến đường nội đô ở thành phố Việt Trì được mở rộng

góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Tập trung nguồn lực đầu tư

Vượt qua quãng đường 40km từ trung tâm huyện Thanh Sơn, qua những ngọn núi cao, dốc núi chóng mặt, chúng tôi đến khu Hồ, xã Yên Sơn - một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện. Khu Hồ có 32 hộ dân, 100% là đồng bào Dao sinh sống trên lưng chừng núi ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển...

Quay ngược lại thời gian cách đây khoảng chục năm, khu Hồ như một “ốc đảo” giữa rừng bị cô lập với cuộc sống bên ngoài bởi giao thông không thuận tiện. Cuộc sống người Dao ở đây cái gì cũng thiếu, từ điện, đường, trường đến cái ăn, cái mặc. Nhưng nay bản xa đã thay áo mới với nhiều khởi sắc đáng mừng. Nhà nào cũng có xe máy, ti vi, điện thoại, trẻ em được đến trường, người ốm được đưa đến cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời, ngày giáp hạt không còn lo cái ăn, cái mặc như trước nữa. Anh Đặng Văn Nguyên- Trưởng khu Hồ chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, đường giao thông vào Bản Hồ được đầu tư mở mới không chỉ rút ngắn về khoảng cách, thời gian đi lại mà còn giúp nông sản như khoai tầng, lợn cắp nách, mật ong rừng... có giá cao hơn. Vì vậy, khu không còn hộ đói, hộ nghèo ngày càng giảm”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 13 nghìn km đường bộ được phân theo tám loại đường: Cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường trục thôn, đường ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng, đường đô thị, đường chuyên dùng. Màng lưới giao thông cơ bản được phân bố hợp lý. Các tuyến quốc lộ tạo nên trục “xương sống” của hệ thống giao thông, còn các tuyến đường tỉnh, đường huyện đóng vai trò kết nối, xuyên suốt, góp phần lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân. Cùng với đường giao thông, tỉnh còn huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều cầu lớn bắc qua sông Lô, sông Đà, sông Thao... đảm bảo kết nối các vùng miền. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nửa nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh huy động hàng nghìn tỷ đồng huy động từ các nguồn lực Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp để làm đường. Đến nay, tỷ lệ cứng hoá đường giao thông nông thôn tăng nhanh từ 17,2% (năm 2004) dự kiến hết năm 2023 lên đến 78%, thiết thực làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Giao thông phát triển tạo điều kiện thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đời sống bà con nhờ đó từng bước được nâng lên rõ rệt. Cuộc sống mới no đủ, sung túc đang hiện hữu. Mục tiêu đưa Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc đang dần hiện thực hoá.

Mặc dù nguồn kinh phí được phân bổ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông hàng năm còn hạn chế nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động huy động bằng nhiều hình thức, đồng thời tích cực tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân có tuyến đường đi qua tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động. Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh thực hiện ba dự án giao thông trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi Yên Bái, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2023; Dự án đường giao thông kết nối đường tỉnh 323 đến Quốc lộ 2, huyện Phù Ninh; Dự án Cải tạo nâng cấp ĐT.314 đoạn Ấm Hạ QL.70, huyện Hạ Hòa và các dự án giao thông quan trọng khác. Công tác bảo dưỡng thường xuyên năm tuyến/405km quốc lộ được Bộ GTVT ủy quyền và 54 tuyến/786km đường tỉnh luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đảm bảo giao thông thông suốt, ngay cả trong mùa mưa bão. Sáu tháng đầu năm 2023, đã hoàn thành xử lý một điểm đen trên QL70B và một điểm tiềm ẩn trên QL32, sửa chữa gần 18km quốc lộ, đường tỉnh; bổ sung 2.200m rãnh thoát nước; bổ sung thay thế 2.115 biển báo các loại.

Tạo sự liên kết vùng

Giao thông phát triển không những tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, giao lưu thương mại, nhất là tại các xã vùng cao, miền núi khó khăn. Đồng thời là nền tảng quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương. Đường giao thông mở đến đâu, diện mạo nông thôn vùng sâu đổi thay đến đó. Trên thực tế, phong trào làm đường giao thông nông thôn đã và đang lan toả mạnh mẽ, phát huy hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân, được nhân dân tích cực ủng hộ.

Là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa của tỉnh, những năm qua, thành phố Việt Trì đã luôn chú trọng đầu tư cho giao thông để kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của quá trình phát triển ngày càng mạnh mẽ. Nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng được đầu tư nâng cấp; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, quốc lộ, cầu, đường đối ngoại được đầu tư xây dựng mới đã giúp kết nối giao thông, thúc đẩy kinh tế; tạo thành điểm nhấn cho thành phố. Cũng như Việt Trì, huyện Cẩm Khê luôn xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ then chốt, bởi vậy, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong năm năm qua, huyện đã huy động hàng ngàn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng; nhiều dự án, công trình quan trọng được đầu tư có ý nghĩa chiến lược, mở ra cơ hội, triển vọng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo sự liên kết giữa các vùng miền, thu hút các nhà đầu tư như: Nút giao IC 10, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa bàn; tuyến Quốc lộ 32C với chiều dài 29,5km chạy qua huyện là huyết mạch, trục nối giao thông đường bộ quan trọng của sáu tỉnh miền núi phía Bắc; tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Hệ thống giao thông được đầu tư hoàn thiện đã tạo sự kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong tỉnh và giao thương với các tỉnh lân cận. Năm 2022, Phú Thọ đã thu hút được 75 dự án, vốn đăng ký trên 29 nghìn tỉ đồng, trong đó 10 dự án FDI vào các khu công nghiệp. Giao thông thuận tiện cũng là cơ hội để tỉnh tăng cường hợp tác, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án du lịch, dịch vụ trọng điểm ở thành phố Việt Trì và các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn... Nhờ đó, trong năm, hoạt động du lịch phục hồi và có nhiều khởi sắc, doanh thu du lịch ước đạt 2.650 tỉ đồng.

Để tiếp tục từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ phục vụ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, Giám đốc Sở GTVT Trần Hoài Giang chia sẻ: Sở đã sớm đề xuất bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn tỉnh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Đồng thời báo cáo với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm sớm triển khai dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ đạt quy mô theo quy hoạch bốn làn xe; mở rộng tuyến đường kết nối cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với cao tốc Nội Bài- Lào Cai tại nút giao IC9; xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến và một số dự án giao thông quan trọng, kết nối với mạng lưới đường bộ quốc gia... Những dự án này được đầu tư, đưa vào sử dụng sẽ giúp hệ thống giao thông ngày càng phát triển hoàn thiện, hiện đại, đặc biệt là giao thông đối ngoại, giao thông liên vùng của tỉnh để từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh, bền vững, tạo sức thu hút các nhà đầu tư đến với Phú Thọ”./.

Nguồn: Báo Phú Thọ