Hà Nội cần điều chỉnh, bổ sung 34 tuyến đường và 5 cầu vượt sông

Ngày 11/10/2023
Sau 3 tháng rà soát Quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô, Sở GTVT Hà Nội đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và thành phố cho điều chỉnh, bổ sung nhiều tuyến đường đối ngoại, đường đô thị và cầu vượt sông Hồng, sông Đà nhằm tối ưu khả năng liên kết vùng.

Bám sát định hướng liên kết Vùng Thủ đô

Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GTVT Hà Nội) Phan Trường Thành cho biết, Hà Nội đang cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược phục vụ cho việc phát triển Thủ đô theo từng giai đoạn.

Cụ thể gồm: Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đại lộ Thăng Long là một trong những trục chính quan trọng của Hà Nội

Với vai trò và tính chất quan trọng hàng đầu, lĩnh vực GTVT được xem là xương sống đối với sự phát triển của Thủ đô. Trên thực tế Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ - TTg năm 2016 cần phải được cập nhật để phù hợp với định hướng mới.

“Trong 9 Đồ án Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, Quy hoạch GTVT là Đồ án duy nhất được Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội giao Sở GTVT Hà Nội phối hợp với các địa phương lân cận, thuê tư vấn có kinh nghiệm rà soát, đề xuất điều chỉnh bổ sung” - ông Phan Trường Thành nói.

Sau khi rà soát, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung thêm 22 tuyến đường bộ đối ngoại, trên cơ sở kéo dài một số tuyến hiện có kết hợp bổ sung một số tuyến mới, để tăng cường kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận.

Trong đó có: 5 tuyến kết nối với tỉnh Hoà Bình; 1 tuyến kết nối với tỉnh Phú Thọ, 3 tuyến kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc; 2 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Giang; 4 tuyến kết nối với tỉnh Bắc Ninh; 5 tuyến kết nối với tỉnh Hưng Yên; 2 tuyến kết nối với tỉnh Hà Nam.

Đặc biệt, để phù hợp với định hướng phát triển đô thị dọc theo hai bờ sông Hồng, một số trục dọc hai bên sông được đề xuất kéo dài, kết nối tới Hưng Yên và Hà Nam.

Sở GTVT Hà Nội cũng đề xuất mạng lưới đường ngoài đô thị sẽ được điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển mới. Trong đó, trọng tâm điều chỉnh các trục kết nối với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và một số trục nối với Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô, đảm bảo có 2 đường cao tốc và 2 tuyến đường trục.

Theo đó, Hà Nội cần điều chỉnh, bổ sung 7 tuyến đường ngoài đô thị gồm: 1 tuyến kết nối Cảng hàng không Nội Bài; 1 tuyến kết nối cảng hàng không thứ hai (dự kiến nằm tại khu vực phía Nam thành phố); 4 tuyến kết nối với các tỉnh lân cận; 1 tuyến có tính chất kéo dài để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Thêm cầu vượt sông

Song song với mạng lưới đường đối ngoại và đường ngoài đô thị, Hà Nội cũng cần điều chỉnh, bổ sung 5 tuyến đường trục chính đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông, tối ưu kết nối giữa các vành đai lớn, sân bay, và đường sắt đô thị.

Cụ thể các tuyến đề xuất gồm: Đường cao tốc trên cao dọc theo trục kinh tế phía Nam, đoạn bên trong Vành đai 4; đường trên cao dọc trục Nhật Tân - Nội Bài; đoạn tuyến kết nối đường Vành đai 3,5 đến sân bay Nội Bài; cầu trên tuyến đường từ Vành đai 2,5 sang Đông Anh, kết hợp với tuyến đường sắt đô thị số 2; cầu và tuyến đường kết nối Bắc Hồng theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để phân bổ hợp lý mạng lưới đường phía Tả Hồng.

Theo Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GTVT Hà Nội) Phan Trường Thành, về cơ bản sẽ không có điều chỉnh, bổ sung đối với nút giao trên hệ thống giao thông đã được quy hoạch.

Tuy nhiên, đối với các tuyến đường cao tốc sẽ quy hoạch mở theo hướng linh hoạt; và căn cứ theo nhu cầu thực tế có thể bổ sung thêm một nút giao trực thông hoặc liên thông, nhằm đảm bảo tính kết nối hai bên đường, hạn chế việc chia cắt về giao thông.

Theo quy hoạch, Hà Nội có 18 cầu vượt sông Hồng, tuy nhiên với định hướng phát triển đô thị hai bên sông, kéo dài đến các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, thành phố sẽ cần thêm nhiều cầu vượt sông hơn nữa.

Chính vì vậy, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất bổ sung 4 cầu qua sông Hồng để tăng cường kết nối một số khu đô thị, cũng như với các tỉnh lân cận. Cụ thể gồm: Cầu vượt sông Hồng số 1 nằm trên trục đường Tây Bắc - QL5B, để kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.

Cầu số 2 nằm trên đường tỉnh 429B, kết nối Hà Nội với Hưng Yên. Cầu số 3 theo hướng kéo dài trục Vành đai 2,5 để kết nối Tả, Hữu sông Hồng theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 8. Cầu số 4 nằm trên tuyến đường Vành đai 2,5 sang Đông Anh.

Ngoài ra, cần bổ sung 1 cầu qua sông Đà (cầu Tu Vũ) để kết nối Hà Nội với tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh các cầu/hầm đã xác định cụ thể, trong quy hoạch sẽ cần định hướng mở linh hoạt và căn cứ trên nhu cầu thực tế để bổ sung thêm một số cầu/hầm qua sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Đáy.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định, việc điều chỉnh, bổ sung mạng lưới đường bộ và cầu vượt sông đối với Hà Nội có ảnh hưởng rất lớn, rất quan trọng.

Đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thuỷ có mối quan hệ mật thiết tương hỗ và tương tác lẫn nhau. Có đường bộ kết nối tốt thì các cảng hàng không, cảng thuỷ và đường sắt đô thị mới phát huy được hiệu quả. Và ngược lại quy hoạch cảng hàng không, cảng thuỷ… sẽ định hướng cho sự mở rộng, phát triển của đường bộ.

“Chỉ trong khoảng 3 tháng rà soát, Sở GTVT Hà Nội đã đưa được một bức tranh toàn cảnh những bất cập cần điều chỉnh bổ sung của Quy hoạch GTVT Thủ đô là nỗ lực đáng kinh ngạc” - ông Đỗ Cao Phan nói.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị