Theo Văn bản số 6316/VPCP-QHĐP ngày 17/8/2023 của Văn phòng Chính phủ chuyển kiến nghị của các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV theo yêu cầu của Ban Dân nguyện tại Văn bản số 929/BDN ngày 09/8/2023 chuyển đến Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị như sau:
“Tuyến Quốc lộ 27: kiến nghị đầu tư 30 km đoạn từ thị trấn Nam Ban đến cầu sông Krông Nô giáp với Đắk Nông, thuộc tỉnh Lâm Đồng không được bố trí vốn trong nhiều năm.
Tuyến tránh thành phố Bảo Lộc: được khởi công từ năm 2017, là tuyến đường huyết mạch, vận chuyển hàng triệu tấn alumin về các cảng ở Đông Nam Bộ, vận chuyển hàng triệu du khách từ Đông Nam Bộ lên đến với Cao nguyên Lâm Đồng, đã giải quyết được nhiều ách tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thông tuyến. Tuyến dài 15,6 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi, tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, hơn 6 năm qua vẫn chưa hoàn thiện. Mặc dù các đơn vị thi công gắn biển cấm, cọc tiêu, hàng rào chắn một số vị trí cấm các phương tiện lưu thông qua lại để bảo đảm an toàn, nhưng xe cộ vẫn lưu thông khá nhiều gây ra những vụ tai nạn vô cùng thảm khốc và nghiêm trọng. Việc trả lời của các bộ, ngành trung ương trong thời gian qua với hơn 10 văn bản là không bố trí được nguồn vốn và không có điểm kết thúc cuối cùng.
Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các Bộ ngành liên quan đề xuất về cơ chế, chính sách tài chính để có nguồn vốn đầu tư dứt điểm để nút mắc, điểm nghẽn của dự án để giải tỏa được nỗi bức xúc, khó khăn, nỗi khổ của cử tri hơn 10 năm qua. Đề nghị cho địa phương xin tạm ứng nguồn dự phòng của ngân sách trung ương khoảng từ 500 tới 600 tỷ đồng để triển khai thi công, bảo đảm an toàn giao thông vận hành thông suốt vào năm 2024 và địa phương sẽ cam kết với Trung ương kết bảo đảm hoàn trả lại nguồn vốn tạm ứng này trong thời gian là 5 năm, từ nguồn phấn đấu tăng thu ngân sách trên địa bàn hàng năm và có nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc này đã có tiền lệ và giai đoạn 2010 và 2020 địa phương đã áp dụng và đã thực hiện tuyến cao tốc Liên Khương - Đà Lạt được sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành trong quá trình thi công theo hình thức BOT đã hoàn trả lại ngân sách Trung ương dứt điểm vào trước năm 2020 khoảng 700 tỷ”.
Về nội dung kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
1. Về bố trí vốn đầu tư tuyến Quốc lộ 27 đoạn từ thị trấn Nam Ban đến cầu sông Krông Nô giáp với Đắk Nông, thuộc tỉnh Lâm Đồng Theo quy hoạch Quốc lộ 27 dài khoảng 282 km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 124 km (Km83+00 - Km206+532) là tuyến đường nối tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng, mặt đường 5,5m, thảm bê tông nhựa. Hiện nay một số đoạn đã hư hỏng, xuống cấp trong đó có đoạn từ huyện Lâm Hà đến cầu Krông Nô (huyện Đam Rông), tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 30km như Đại biểu Nguyễn Tạo đã nêu.
Để bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến, trong các năm qua Bộ GTVT đã giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì để bảo đảm an toàn giao thông đoạn tuyến (trong đó: năm 2023, Sở GTVT Lâm Đồng đang thực hiện các thủ tục để triển khai thực hiện 03 công trình sửa chữa với tổng kinh phí 46,1 tỷ đồng; năm 2024, trên cơ sở kết quả rà soát hiện trạng đoạn Km83+000 - Km174+000, Bộ GTVT cân đối chấp thuận danh mục sửa chữa để thực hiện trong kế hoạch bảo trì đường bộ với kinh phí 56 tỷ đồng). Tuy nhiên, do tuyến đường đi qua khu vực miền núi có điều kiện địa hình, địa chất phức tạp, thường xuyên sạt lở trong mùa mưa nên việc bảo trì không giải quyết triệt để được tình trạng xuống cấp.
Về đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 27 qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt đối với một số đoạn xung yếu, tiềm ẩn tai nạn giao thông phục vụ nhu cầu an toàn đi lại, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội của bà con nhân dân, từ năm 2019, Bộ GTVT đã nghiên cứu lập Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 27 đoạn qua các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT được phân bổ hạn hẹp, ngoài điều chỉnh giảm phân bổ lại cho địa phương, nguồn lực còn lại tập trung cho các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ nên chưa thể cân đối để thực hiện thêm các dự án mới (bao gồm cả Quốc lộ 27). Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản số 13214/BGTVT-KHĐT ngày 13/12/2021 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để triển khai.
Trong thời gian tới, khi cấp có thẩm quyền có chủ trương về sử dụng dự phòng vốn trung hạn 2021 - 2025 hoặc sử dụng nguồn vượt thu hằng năm, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị ưu tiên bố trí vốn để triển khai Dự án. Trước mắt để bảo đảm an toàn giao thông Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên thực hiện công tác bảo trì trên tuyến.
2. Đối với tuyến tránh thành phố Bảo Lộc
Tuyến tránh thành phố Bảo Lộc dài 15,5 km là hạng mục được bổ sung vào Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 -Km123+105,17 (Dự án) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư . Bộ GTVT phê duyệt bổ sung vào hợp đồng Dự án với tổng mức đầu tư khoảng 760 tỷ đồng. Nhà đầu tư triển khai xây dựng từ tháng 02/2017. Dự án được đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT, trong đó, theo phương án tài chính nhà đầu tư được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào khoảng 361,937 tỷ đồng. Trong quá trình rà soát việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài và đề xuất sử dụng nguồn vốn dư của Dự án, trên cơ sở đề nghị hỗ trợ của Bộ GTVT, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có cam kết “trường hợp không đủ vốn đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm bố trí kinh phí phần vốn còn thiếu từ ngân sách tỉnh Lâm Đồng để thực hiện”.
Quá trình thực hiện tuyến tránh phía Nam thành phố Bảo Lộc, do kinh phí giải phóng mặt bằng địa phương phê duyệt có điều chỉnh giá đền bù dẫn đến phát sinh tăng; đồng thời, việc hoàn thuế cho nhà đầu tư và thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào gặp vướng mắc dẫn đến nhà đầu tư thiếu kinh phí để hoàn thành tuyến tránh thành phố Bảo Lộc. Trên cơ sở kết quả làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng và để phù hợp với tình hình thực hiện Dự án, Bộ GTVT đã xác định điểm dừng kỹ thuật, dừng thi công tuyến tránh từ ngày 07/10/2020.
Để đảm bảo an toàn, Dự án chỉ đưa vào khai thác, lưu thông chính tuyến trên QL20 đã được khôi phục, cải tạo theo hợp đồng. Tuyến tránh thành phố Bảo Lộc không đưa vào khai thác, được lắp đặt các biển báo, rào chắn cấm các phương tiện lưu thông trong thời gian dừng để chờ xử lý nguồn vốn. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn tìm cách lưu thông vào tuyến đường cấm nên đã xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông như ý kiến của Đại biểu đã nêu. Để giải quyết tình trạng này, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị, nhà đầu tư bổ sung thực hiện, lắp đặt thêm biện pháp bảo vệ và bảo đảm an toàn giao thông. Đến nay, đã cơ bản được khắc phục và xử lý. Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND thành phố Bảo Lộc tăng cường quản lý hành lang an toàn đường, xử lý các vi phạm (nếu có) các phương tiện cố tình lưu thông trên tuyến tránh.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 5100/BTC-TCT ngày 19/5/2023 về xử lý một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án, trong đó phát sinh chi phí dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư Dự án (giải phóng mặt bằng, xử lý sụt trượt, hoàn thuế giá trị gia tăng và các chi phí khác theo phương án tài chính,...), Bộ GTVT đã giao các đơn vị của Bộ, nhà đầu tư rà soát, tổng hợp và đề xuất phương án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2023 để xử lý dứt điểm tồn tại, sớm hoàn thành hạng mục tuyến tránh thành phố Bảo Lộc và toàn bộ Dự án bảo đảm đồng bộ, hiệu quả.