Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông đường thủy cũng như trách nhiệm của các chủ phương tiện thủy, bến khách ngang sông.
Tổ công tác liên ngành kiểm tra các điều kiện an toàn giao thông
đường thủy nội địa tại huyện Phú Hòa
Nhiều trường hợp vi phạm
Phú Yên có đường bờ biển dài 189km; 4 con sông lớn với tổng chiều dài khoảng 258km. Đường nối đảo thuộc nội địa thủy có 4 cửa sông đổ ra biển, 7 hòn đảo nhỏ… Phần lớn các con sông có độ nghiêng dốc lớn; mùa nắng nước khô hạn, mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết, không thuận lợi phát triển giao thông đường thủy nội địa và vận tải hàng hóa, hành khách dọc các tuyến sông. Do vậy, việc quản lý, bảo đảm TTATGT đường thủy nội địa luôn được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
Toàn tỉnh hiện có 3 bến đò khách ngang sông. Trong đó, bến Cây Sộp (thuộc xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa) đã được cấp phép; bến Hòa Quạt (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) và bến Bà Thơm (xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân) chưa được cấp phép hoạt động. Hiện nay, hoạt động chở khách qua sông chủ yếu diễn ra trên bến Cây Sộp, đưa đón khách qua lại giữa xã Sơn Thành Đông và xã Hòa Định Tây. Tuy nhiên, phương tiện thủy hoạt động trên tuyến này đã hết hạn kiểm định từ tháng 8/2022.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Phú Yên còn có một số phương tiện thủy hoạt động tự phát, chủ yếu vận chuyển khách từ bờ hoặc từ bè nổi ven bờ đến các đảo tham quan du lịch. Qua kiểm tra, 16 phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, 11 phương tiện có đăng ký nhưng hết hạn kiểm định và 3 phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; 7 mô tô nước hoạt động trên các sông, đầm, vịnh… đều chưa được phép hoạt động.
Theo Phòng CSGT, Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt 9 trường hợp vi phạm các quy định về TTATGT đường thủy nội địa. Các lỗi vi phạm chủ yếu gồm: không kẻ vạch dấu mớn nước an toàn, không trang bị đầy đủ áo phao cứu sinh cá nhân, không có giấy đăng ký phương tiện thủy… Qua đó, đơn vị đã phạt tiền các cá nhân vi phạm hơn 10 triệu đồng và tạm giữ 3 phương tiện. Các ngành chức năng cũng đình chỉ hoạt động các chủ phương tiện, chủ bến đò khách ngang sông chưa được phép hoạt động và giao cho các địa phương theo dõi, quản lý.
Nâng cao nhận thức
Bên cạnh kiểm tra, quản lý, Phòng CSGT cũng tổ chức nhiều lượt tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện quy định về ATGT đường thủy nội địa; phổ biến những quy định về bảo đảm TTATGT trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa; điều kiện hoạt động của phương tiện thủy... Các lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, chủ bến đò khách ngang sông, người tham gia giao thông chấp hành quy định về trang bị, sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, các thủ tục về đăng ký, đăng kiểm phương tiện… Định kỳ hàng năm, Phòng CSGT tổ chức cho các chủ bến, chủ phương tiện thủy nội địa ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về TTATGT đường thủy nội địa.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, chủ phương tiện thủy PY-0090, hoạt động trên bến Cây Sộp, cho biết: Tôi làm nghề lái đò trên bến này hàng chục năm nay. Khách đi đò chủ yếu là người lao động có nhu cầu di chuyển từ bên kia sông (xã Sơn Thành Đông) sang bên này sông (xã Hòa Định Tây) làm việc. Sau khi được các ngành chức năng kiểm tra, nhắc nhở, tôi đã trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cũng như đăng ký, đăng kiểm phương tiện đầy đủ. Tuy nhiên, hiện nay phương tiện này đã quá cũ, lại vừa hết hạn kiểm định nên tôi quyết định đóng cái mới; sẽ sớm đưa vào hoạt động trong năm nay để đảm bảo an toàn cho khách qua sông.
Thượng tá Lê Tấn Sỹ, Phó Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Phú Yên cho biết: Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền về TTATGT nói chung và ATGT đường thủy nội địa nói riêng, thu hút gần 5.000 lượt người tham dự. Đơn vị cũng tổ chức cho 753 chủ phương tiện thủy thô sơ ký cam kết chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Nhờ vậy, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, tình hình TTATGT đường thủy nội địa trên địa bàn cũng được kiểm soát. Ngoài ra, đợt kiểm tra cũng giúp các lực lượng chức năng rà soát, đánh giá các vị trí nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy để chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn.