Chạy đua với thời tiết để đảm bảo tiến độ
Những ngày đầu tháng 10, tại công trình sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và công trình đoạn Km 65+300 - Km 70+350, quốc lộ 21 qua huyện Lương Sơn (Hòa Bình) các kỹ sư, công nhân Công ty TNHH Đầu tư Đình Thắng đang hăng say làm việc.
Các kỹ sư, công nhân Công ty TNHH Đầu tư Đình Thắng
đang tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ dự án
Anh Vũ Văn Thịnh - Chỉ huy công trường cho biết: Nắng nóng bất lợi cho nhiều ngành nghề nhưng với thi công đường bộ, những ngày này là thời gian vàng để làm việc. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chúng tôi triển khai lu nền để chuẩn bị thảm mặt đường.
"Đối với đơn vị có kinh nghiệm về duy tu sửa chữa, thi công công trình đường bộ gần 10 năm như chúng tôi thì dự án này không có gì khó cả.
Nếu mặt bằng và nền gia cố xong thì chỉ trong thời gian ngắn sẽ thảm xong tất cả. Dự án có hợp đồng thi công 4 tháng, nhưng chúng tôi phấn đấu rút ngắn ít nhất 1 tháng về tiến độ", anh Thịnh nói.
Theo anh Thịnh, vấn đề đáng ngại ở đây là mặt đường nhỏ hẹp, chỉ có 5m, trong khi mật độ phương tiện nhất là xe ô tô trên tuyến lại cao nên rất vất vả khi vừa làm, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện.
Để đảm bảo giao thông trong quá trình thi công, đơn vị đã bố trí 2 tổ điều tiết, luân phiên làm việc. Những người trong tổ này được trang bị bộ đàm, áo phản quang, mũ, bảo hộ lao động, còi, gậy điều tiết giao thông.
Công tác đảm bảo an toàn giao thông luôn được duy trì.
Ông Bùi Văn Trọng, người dân xóm Cáp, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn cho biết: Quá trình thi công dự án nhà thầu thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông. Luôn có người trực hai đầu tuyến đường phân luồng cho phương tiện lần lượt đi một chiều trên làn đường còn lại, biển bảng cẩn thận khiến người dân chúng tôi đi lại rất yên tâm.
Tuy thời tiết diễn biến thất thường, nhưng vì tiến độ, vì sớm có đường cho nhân dân đi lại nên dù rất mệt nhưng ai nấy đều bày tỏ quyết tâm.
Công nhân Nguyễn Văn Phức cho biết: Từ khi nhận tuyến (tháng 7/2023) đến nay, thời tiết trên địa bàn thường xuyên xảy ra các đợt mưa kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thi công.
Chúng tôi phải tranh thủ những ngày nắng để tăng tốc công việc, chạy đua với tiến độ. Đến nay, đã cơ bản xong phần gia cố đá dăm láng nhựa, một số đoạn đã thảm bê tông nhựa, bà con phấn khởi vô cùng.
Tối ưu từng đồng vốn bảo trì
Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, Hòa Bình có 6 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 322km cùng với hệ thống đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn hơn 10.000km, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn giữa các vùng, miền.
Việc kịp thời bảo trì, sửa chữa mạng lưới đường bộ tạo điều kiện
cho người dân đi lại an toàn, thuận lợi phát triển KT-XH
Việc kịp thời thực hiện bảo trì, sửa chữa mạng lưới đường bộ đã góp phần duy trì tình trạng kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ và khả năng khai thác của các tuyến đường.
Đến nay, 100% các tuyến đường tỉnh, đường huyện đã được bê tông hóa, nhựa hóa tuy nhiên cấp kỹ thuật còn thấp, vì vậy tỉnh Hòa Bình luôn chú trọng nâng cấp, cải tạo, cứng hóa các tuyến đường đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi và an toàn.
Trao đổi với PV, một cán bộ quản lý dự án - Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông (Sở GTVT Hòa Bình) cho biết: "Dự án sửa chữa QL21 chỉ là một trong rất nhiều dự án bảo trì đường bộ mà Ban đang triển khai.
Các dự án như: Xử lý nguy cơ mất an toàn giao thông dốc Cun đoạn Km 78+420 - Km 85+100 quốc lộ 6; Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường và công trình thoát nước đoạn Km 24+26, đường Trường Sơn A; Sửa chữa ngầm đồng Nu tại Km14+120, ĐT449… cũng đang trong quá trình hoàn thành.
Việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường cho phù hợp với cấp đường quốc gia để đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân, phát triển giao thương, KT-XH lúc này càng trở nên cấp bách.
Tuy nhiên, do nguồn vốn Trung ương và địa phương có hạn, nên không thể cùng một lúc đầu tư làm đồng bộ, làm đều trên tất cả các tuyến.
Hoạt động bảo trì đường bộ chia làm 2 lĩnh vực gồm bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ. Trong đó, bảo dưỡng thường xuyên gồm: Phát cây, cắt cỏ, đào rãnh, vệ sinh mặt đường, dặm vá ổ gà...; Còn sửa chữa định kỳ là lập dự án đầu tư nâng cấp, sửa chữa khi đường, cầu cống có hư hỏng lớn.
Hai hoạt động này bổ trợ cho nhau nhưng thực tế nguồn vốn bố trí mới chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu. Để đảm bảo chất lượng đường, nhiều khi chúng tôi phải căn ke ưu tiên nơi này, bỏ nơi khác.
Phải cân đong, đo đếm cẩn thận để lựa chọn làm trước vị trí đường hư hỏng nặng, làm trước tuyến trục chính, khu vực đông dân cư".
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông (Sở GTVT Hòa Bình) cho biết: "Công tác quản lý kết cấu hạ tầng giao thông được lãnh đạo Sở GTVT đặc biệt quan tâm và thường xuyên tăng cường chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Tập trung rà soát xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn về ATGT, sắp xếp tổ chức giao thông tại các vị trí trọng yếu một cách linh hoạt, khoa học, sát với đời sống.
Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ trên các tuyến, Ban yêu cầu các đơn vị tập trung xử lý, sửa chữa ngay các vị trí bị hư hỏng, nơi được cử tri và nhân dân phản ánh.
Quá trình triển khai thi công áp dụng linh hoạt các biện pháp, phương pháp tổ chức thi công kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công trình phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi và an toàn".
Hiện, Sở GTVT Hòa Bình đang triển khai khoảng 10 dự án sửa chữa định kỳ với tổng mức đầu tư 223,5 tỷ đồng (bao gồm dự án chuyển tiếp năm 2022 và dự án mới được phê duyệt triển khai năm 2023).
Trong năm 2023, Sở GTVT Hòa Bình được giao dự toán chi là 212,7 tỷ đồng cho công tác bảo trì, đến nay mới giải ngân được 93,8 tỷ (đạt 44%), tỉ lệ nghiệm thu đạt 31,5%.
Sở GTVT Hòa Bình đang chỉ đạo quyết liệt tới các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện với cam kết giải ngân 100% vốn giao theo kế hoạch.
P.V