Là một trong những đơn vị của Bộ GTVT tích cực chuyển đổi số, sau những thử nghiệm ứng dụng công nghệ số vào quản lý, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam đã và đang triển khai một loạt ứng dụng mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp vận tải và cả cơ quan quản lý.
Theo ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, ngay từ giai đoạn 2015, 2016, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã linh hoạt vận dụng để có thể đầu tư 12 hệ thống các phần mềm nghiệp vụ trong công tác văn phòng, quản lý và công nghệ hóa các công trình kết cấu hạ tầng.
Nổi bật là một số hệ thống như: Xây dựng cơ sở dữ liệu cho hơn 18.000 phao báo hiệu đường thủy nội địa lên bản đồ số; ứng dụng công nghệ định vị GPS lắp đặt trên hơn 4.500 phao báo tự động cập nhật vị trí, tình trạng đèn báo hiệu để phục vụ công tác quản lý, thống kê báo cáo; đưa vào sử dụng 50 trạm đo mực nước trực tuyến tự động thay thế dần phương pháp thủ công gửi dữ liệu về trung tâm và cung cấp số liệu trên Cổng Thông tin điện tử của Cục ĐTNĐ Việt Nam để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Xây dựng triển khai cơ sở dữ liệu danh bạ cảng bến thủy nội địa trên toàn quốc, với 251 cảng và hơn 5.000 bến thủy nội địa do Trung ương quản lý để phục vụ công tác quản lý, giúp cho việc báo cáo thống kê lượng hàng hóa thông qua, lượt phương tiện thông qua chính xác, hiệu quả. Đồng thời, công khai để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tra cứu, sử dụng thông tin cảng bến, công nghệ bốc xếp, khối lượng và chủng loại hàng hóa thông qua.
Ứng dụng phần mềm quản lý cấp phép phương tiện ra vào cảng bến triển khai tại 4 cảng vụ Trung ương và 2 cảng vụ địa phương, cùng với việc đưa vào sử dụng hệ thống nhắn tin làm thủ tục rất tiện lợi và hiệu quả.
Cục ĐTNĐ Việt Nam đang áp dụng quản lý, giám sát trực tuyến
hệ thống phao, đèn tín hiệu trên luồng đường thủy quốc gia
Hệ thống báo cáo trực tuyến hoạt động vận tải và ATGT đã và đang được áp dụng như: Phần mềm báo cáo trực tuyến hoạt động vận tải và ATGT để thống kê số liệu về ATGT, số liệu vận tải, lưu lượng hành khách và phương tiện... được thực hiện qua trang web online, dữ liệu báo cáo được lưu trữ tập trung tại Cục ĐTNĐ Việt Nam, giúp cho việc thống kê dữ liệu được thực hiện tức thời mọi lúc mọi nơi, qua đó giúp cho nhà quản lý đưa ra những phương án chính xác đảm bảo giao thông và lên kế hoạch giảm thiểu tai nạn, tuyên truyền ATGT...
Cũng theo phó Cục trowrng Lê Minh Đạo, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hoạt động đường thủy nội địa không chỉ nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi mà còn góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và bảo đảm trật tự an toàn giao thông những năm gần đây.
Có thể lấy một ví dụ rất thực tế như sau: Trước đây, mỗi trạm đo mực nước phải bố trí 3 ca trực, ghi chép về mực nước thủ công vào sổ sách. Vì vậy, thông tin về mực nước luôn bị cũ và thiếu phù hợp với thực tế.
Nếu có hệ thống đo mực nước tự động thì có thể chuyển hóa toàn bộ nghiệp vụ này khi tự động hóa tất cả hệ thống đo, cung cấp thông tin trực tuyến kịp thời và chính xác cho người dân và doanh nghiệp. Thông tin được cập nhật đầy đủ trên hệ thống phần mềm như vị trí, mực nước cao nhất, thấp nhất.
Đi kèm với đó, hệ thống đèn báo hiệu năng lượng mặt trời lắp đặt GPS cũng giúp công tác quản lý, giám sát trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả rất cao với hệ thống phao, báo hiệu đã được “số hóa” trên phần mềm.
Đèn báo hiệu trên phao có gắn hệ thống giám sát tình trạng hoạt động và cảnh báo dời vị trí, cảnh báo về các tính năng hỗ trợ cảnh báo giao thông.
Khi có bất kỳ hiện tượng bất thường nào, hệ thống sẽ tự động báo về Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam để xử lý. Nhờ đó, cơ quan quản lý có thể kiểm tra, giám sát các hoạt động trong hệ thống kết cấu hạ tầng ở bất cứ đâu bằng máy tính, thậm chí sử dụng điện thoại di động cũng có thể đăng nhập vào hệ thống theo dõi.
Hệ thống đo mực nước tự động trên sông Đồng Nai
Hay một hệ thống hữu hiệu khác là thủy đồ điện tử có thể cập nhật thường xuyên và chính xác các thông tin về luồng, tuyến, tọa độ và các chi tiết liên quan đến an toàn chạy tàu như: độ sâu; vị trí phao tiêu, báo hiệu; công trình vượt sông; các điểm khan cạn, chướng ngại vật... Việc kết hợp bản đồ điện tử với những thiết bị định vị GPS, AIS mang lại nhiều tiện ích, nhất là tăng cường an toàn giao thông đường thủy nội địa.
P.V