Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Sẽ nâng tốc độ cao tốc từ 80 lên 90km/h

Ngày 06/11/2023
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, dự kiến trong quý I/2024, các tuyến cao tốc đang giới hạn tốc độ 80 km/h sẽ nâng lên 90km/h.

Chiều nay 6/11, Quốc hội bước vào phiên chất vấn thứ hai với phần trả lời chất vấn của bộ trưởng các bộ thuộc nhóm lĩnh vực: công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.


Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn chiều 6/11

Trong đó, giao thông vận tải là vấn đề được nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn nhất. Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời chất vấn và phản biện về các vấn đề liên quan đến cao tốc, các vướng mắc của Luật PPP, dự án BOT, xã hội hóa hàng không, kết nối đường sắt, nạo vét luồng Định An và tai nạn giao thông…

Đa phần các dự án GTVT triển khai tương đối tốt

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho rằng, 2/3 tổng vốn đầu tư công của giai đoạn dành cho GTVT, nhưng các dự án GTVT ở tất cả các nhóm cũng như các dự án quan trọng quốc gia đều phải điều chỉnh thời gian thực hiện, tổng mức đầu tư.

Trong khi đó, hồ sơ trình dự án đều báo cáo là chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, khách quan, khoa học, thực tiễn. Các dự án đều có phương án dự phòng, kể cả dự phòng ngân sách.


Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai)

Đại biểu đề nghị đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết trách nhiệm trong việc trình không chính xác thuộc về ai? Bộ trưởng có cho rằng cần phải xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi trình để các dự án không chính xác phải kéo dài thời gian tổ chức thực hiện?

Trả lời, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong kỳ trung hạn 2021-2025, Bộ GTVT được giao 64 dự án với số vốn hơn 300 nghìn tỉ, đến nay đã phê duỵệt 60 dự án và đang triển khai.

Trong quá trình triển khai, về cơ bản, các dự án đều được triển khai tương đối tốt, không tăng tổng mức đầu tư, nếu có thì cũng tương đối ít.

Duy nhất ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, có 3 dự án có tăng tổng mức đầu tư tương đối cao. Đó là cầu Rạch Miễu 2 nối giữa Biến Tre - Tiền Giang, đường cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; Nghĩa An - Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian triển khai ban đầu đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, do đó công tác khảo sát chưa được triệt để.

Nhưng nguyên nhân chính chủ yếu là do đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng của các địa phương này. Khi khảo sát là một đơn giá nhưng khi triển khai là một đơn giá khác, do đó, tổng mức đầu tư của ba dự án tăng cao hơn so với bình thường. Còn lại các dự án khác đều đảm bảo tổng mức đầu tư.

Khi xem xét trách nhiệm, Bộ GTVT thực hiện rất nghiêm túc.

"Cá nhân tôi đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, thậm chí là gửi các cơ quan liên quan để cùng tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý trách nhiệm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng báo cáo và thông tin với nhà thầu, Bộ GTVT đã có chế tài xử phạt.

Với đơn vị tư vấn có vi phạm, Bộ GTVT xử lý rất nghiêm khắc, kể cả phạt tiền và hạn chế tham gia thầu các dự án khác của Bộ.

Đối với ban quản lý dự án, chủ đầu tư, đã có chế tài để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, kể cả các cơ quan thẩm định thuộc Bộ GTVT.

Nâng tốc độ một số cao tốc lên 90km/h

Tham gia chất vấn, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề, quy định về tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc được các doanh nghiệp và cử tri rất quan tâm.

"Nhiều đại biểu nêu vấn đề tại sao đường cao tốc chỉ cho phép tốc độ tối đa là 80 km/h, như vậy là chưa giảm thiểu tối ưu vận tải và thời gian lưu thông. Đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian tới có điều chỉnh gì đối với tốc độ ở đường cao tốc nói chung và mục tiêu là giảm áp lực lưu thông, đặc biệt là giảm tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A hay không?", đại biểu Minh hỏi.


Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình).

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT cho biết, hiện nay, chúng ta có bốn giới hạn tốc độ. Cao nhất là 120km/h, tiếp đó là 100km/h, 80km/h và thấp nhất là 60km/h. Các tiêu chuẩn này phụ thuộc vào yếu tố kỹ thuật. Nếu đầu tư đồng bộ hoàn chỉnh như tuyến Hạ Long - Móng Cái thì có thể chạy tới 120 km/h.

Hay như cùng một tuyến, Pháp Vân - Cầu Giẽ là 100 km/h nhưng Cầu Giẽ - Ninh Bình là 120km/h. Lý do đơn giản là chỉ cần thêm yếu tố có độ nhám thì từ 100 km/h có thể nâng lên 120 km/h.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã nghiên cứu rà soát lại xem tiêu chuẩn cao tốc đã phù hợp thực tế chưa. Vừa qua, các cơ quan đã nghiên cứu và nhận thấy với các tuyến quy định 80km/h thì có thể nâng lên 90 km/h nhưng các dải tốc độ lớn hơn thì vẫn phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn".

Theo tư lệnh ngành GTVT, Bộ đang điều chỉnh lại  tiêu chuẩn, quy chuẩn cao tốc. Dự kiến trong quý I/2024 sẽ thay đổi tốc độ một số tuyến cao tốc từ 80 km/h lên 90km/h.

Cao tốc Cam Lộ - Tuý Loan đã được giải phóng mặt bằng cho cả hai giai đoạn

Tranh luận với Bộ trưởng GTVT, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho biết, tuyến đường Cam Lộ - Túy Loan là cao tốc có 2 làn xe, chưa được giải phóng mặt bằng. Cho nên trong giai đoạn hai mở rộng thì chắc chắn phải thực hiện, do đó sẽ gây ra lãng phí, tốn kém rất lớn về nguồn lực quốc gia.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Bộ trưởng GTVT kiểm tra lại vấn đề này và tham mưu Chính phủ khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng và nâng cấp tuyến đường này.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng GTVT cho biết, tuyến Cam Lộ - Túy Loan bao gồm hai dự án thành phần, một là Cam Lộ - La Sơn, hai là La Sơn - Túy Loan.

Cam Lộ - La Sơn là dự án đầu tư công, có chỗ bốn làn, có chỗ hai làn xe. Còn La Sơn – Túy Loan là cao tốc hai làn, triển khai theo hình thức BT.

"Như tôi đã báo cáo với Quốc hội, quan điểm của chúng ta là từ nhiệm kỳ này cố gắng giải phóng mặt bằng một lần, đầu tư có thể phân kỳ. Đối với La Sơn - Túy Loan, hiện nay đã giải phóng mặt bằng hết", Bộ trưởng Thắng cho biết, thời gian tới Bộ GTVT dựa trên cơ sở ngân sách, lưu lượng xe sẽ tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội mở rộng hai tuyến. Theo quy định hiện hành, tuyến Cam Lộ - La Sơn sau khi khánh thành cần 1 năm bảo hành dự án thì mới triển khai dự án mới được.

Cao tốc hai làn xe đạt tiêu chuẩn

Chủ tịch Quốc hội: Phân kỳ đầu tư cao tốc là đúng
Nói về vấn đề thiết kế xây dựng đường cao tốc hai làn xe, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã có nhiều đại biểu tranh luận về vấn đề này.
“Vốn liếng của ta không có nhiều nên phân kỳ đầu tư là đúng. Nhưng vấn đề phân kỳ đầu tư phải đạt mức tối thiểu như thế nào để đảm bảo an toàn giao thông thì Bộ GTVT cần suy nghĩ thêm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

    Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) tranh luận về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) về việc đầu tư tuyến đường cao tốc mà không có làn xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn hay không. 

Đại biểu Tiến cho rằng, Bộ trưởng GTVT mới chỉ trả lời về tiêu chí để xây dựng đường. Ngoài ra, theo ông Tiến, hiện nay, chúng ta tiếp tục đầu tư xây dựng làn đường khẩn cấp thì rất lãng phí.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cao tốc hai làn xe là phù hợp với tiêu chuẩn. Còn quy chuẩn chúng ta đang xây dựng.

"Tháng 10 vừa qua Thủ tướng có giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam. Chúng tôi dự kiến sẽ hoàn thành quy chuẩn này trong quý 1/2024", ông Thắng nói.

Bốn nguyên tắc đầu tư cao tốc, lý do phân kỳ làm cao tốc 2 làn xe

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng GTVT, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết: Nghị quyết 100 của Quốc hội yêu cầu là đánh giá tổng thể và đầu tư nghiên cứu để nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư theo quy mô phân kỳ hai làn xe hoặc bốn làn xe mà không có làn dừng khẩn cấp thành đường ô tô phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc theo quy định.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng GTVT cho biết, việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn dừng xe khẩn cấp thì có phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc hay không và giải pháp của Bộ trong thời gian tới?

Về nội dung này, Bộ trưởng GTVT cho biết, trong giai đoạn 2021-2026, Đảng và nhà nước ta rất quan tâm việc đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

​​​​​​​
Đại biểu 
Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc)

Trong nhiệm kỳ này, đã dành 375 nghìn tỉ để triển khai xây dưng hạ tầng, trong đó chủ yếu xây dựng đường cao tốc. Tuy nhiên, ngân sách này mới chỉ đạt 70% nhu cầu.

Do đó, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là khó khả thi. Thực tế, nhiều nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia.. và một số quốc gia châu Âu đều phải phân kỳ đầu tư với cao tốc.

Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước, Bộ GTVT đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo bốn nguyên tắc để đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng tạo được tiền đề, thuận lợi cho giai đoạn sau, khi có điều kiện nâng cấp.

Nguyên tắc ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh với các đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn và chỉ phân kỳ đầu tư bề rộng mặt cắt nền đường. Các hạng mục kỹ thuật, giải phóng mặt bằng thì chỉ làm một lần. Có nhiều đoạn tuyến đã đầu tư hoàn chỉnh như Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây... 

Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch nâng cấp các cao tốc 2 làn xe trong thời gian tới, dựa trên thực tế lưu lượng xe và khả năng của ngân sách.

Đang tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư PPP giao thông

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua, nhiều công trình, dự án lớn với phương thức đầu tư công tư PPP của ngành GTVT đã được phê duyệt, nhưng khi triển khai còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn và bất cập.

Đó là hạn chế về công tác thu hút qua xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, trong đó có việc hạn chế ở thời hạn bảo lãnh tín dụng, cho vay tín dụng từ 10 - 15 năm. Trong khi đó, khả năng thuần vốn hợp lý của các nhà đầu tư là 10, 20 đến 30 năm đối với với từng dự án PPP.

Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ rõ giải pháp nhằm tháo gỡ thực trạng những vướng mắc nêu trên nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ khi có Luật PPP thì việc thu hút dự án PPP chưa được nhiều, chưa hiệu quả.

Thời gian gần đây, Bộ GTVT phối hợp với bộ ngành khác và địa phương đã kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia dự án PPP.

Lý do không thu hút các doanh nghiệp thực hiện dự án PPP trong giao thông có nhiều nguyên nhân.Thứ nhất, về mặt khách quan, vừa qua do tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế khó khăn; Thứ 2, đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thì lợi nhuận không cao; Thứ 3 là có nhiều rủi ro.

Tiếp đến, Bộ trưởng GTVT cho biết, hiện nay tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP giao thông chưa được hấp dẫn, cao nhất là 50%.

"Nhiều dự án chi phí dành cho giải phóng mặt bằng lớn. Chính vì thế, vốn nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp không được nhiều", ông Thắng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng một số vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách thu hút cần phải điều chỉnh.

"Hiện nay tại sao chúng ta không có nhà đầu tư nước ngoài vào dự án PPP? Vì họ tham gia dự án PPP là hình thức nhà nước vay doanh nghiệp để làm, chính vì thế họ đòi hỏi hai thứ. Một là phải có bảo lãnh về doanh thu của Chính phủ, thứ hai đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ khi thu hồi vốn", ông Thắng nói.

Bộ trưởng GTVT cũng cho rằng, vấn đề các doanh nghiệp quan ngại nữa là giải phóng mặt bằng. Thường dự án PPP của nước khác thì bao giờ cũng tách giải phóng mặt bằng, khi doanh nghiệp vào làm thì chỉ tập trung vào triển khai dự án.

"Từ vấn đề này, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ các cơ chế chính sách để điều chỉnh từ đó thu hút các nhà đầu tư. Với tinh thần này, ngay kỳ họp Quốc hội này Chính phủ đã trình Quốc hội để có tháo gỡ nâng tỷ lệ vốn nhà nước các nhà đầu tư ở mức cao hơn", ông Thắng nói.

Đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định điểm đấu nối quốc lộ

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho biết, hiện nay việc xin giấy phép đấu nối các tuyến đường giao thông của huyện, của tỉnh và các tuyến đường quốc lộ, thủ tục rất phức tạp, địa phương phải đi lại nhiều lần.

"Tại sao không đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn để địa phương xem xét, quyết định?", đại biểu Thanh đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết: Năm 2021, Bộ GTVT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 117 về phân cấp phân quyền liên quan đến quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Chính phủ đồng ý phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định điểm đấu nối quốc lộ, nói cách khác đã phân cấp cho chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trước khi quyết định, địa phương phải có quy hoạch đấu nối trong quy hoạch tỉnh.

Liên quan đến vấn đề an toàn (như yêu cầu tiêu chí kỹ thuật để đảm bảo an toàn đấu nối) địa phương phải có trao đổi với Bộ GTVT.

Các địa phương trong quá trình triển khai có gì vướng mắc thì trao đổi với Bộ GTVT. 

Xã hội hóa đầu tư cảng hàng không là rất cần thiết

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, tăng trưởng GTVT hàng không là xu thế và mong muốn của nhiều địa phương hiện nay. Tỉnh Hà Tĩnh cũng có nhu cầu là xây dựng sân bay. Tuy nhiên, ngân sách của Trung ương có hạn. Do vậy, việc huy động xã hội hóa đầu tư lĩnh vực này là rất cần thiết.

"Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này và phương pháp trong thời gian tới như thế nào?", đại biểu Gia chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, chúng tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu là cần tăng cường xã hội hoá cảng hàng không. Theo quy hoạch trong phát triển cảng hàng không giai đoạn 2021-2030, chúng ta cần ít nhất 400 nghìn tỉ để hiện thực hoá.

Nhưng nguồn lực của ACV hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% do đó cần nguồn ngân sách lớn từ xã hội hoá.

Do đó, vừa qua Bộ GTVT đã được Bộ Chính trị, Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng đề án xã hội hoá, đặt ra nguyên tắc xã hội hoá cùng với đó là điều chỉnh quy hoạch.

Chúng tôi đã bổ sung thêm một số địa phương có tiềm năng phát triển cảng hàng không để thực hiện xã hội hoá.

Khi thực hiện xã hội hoá vừa phải đảm bảo lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Vừa phải có chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp vì thực tế khi đầu tư cảng hàng không thì rất khó đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó khi xã hội hoá cũng phải đảm bảo quốc phòng an ninh, quyền quản lý nhà nước về hàng không dân dụng quyền nhà nước quyền định đoạt kết cấu hạ tầng giao thông khi quốc gia dân tộc có vấn đề. 

Đang quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn 8 dự án BOT

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, tại Nghị quyết số 62, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT. 

Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ GTVT đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này?

Trả lời nội dung nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, thực hiện Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ đã quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn của 8 dự án BOT, nhiệm vụ này đã được triển khai từ lâu nhưng có nhiều vấn đề phức tạp trong việc tháo gỡ cho các dự án này.

Sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành kết luận, yêu cầu Bộ Giao thông và Chính phủ giải trình một số vấn đề trong đó, ngoài tám dự án trên, các địa phương có gặp khó, cần làm rõ để có giải pháp tháo gỡ; làm rõ nguồn vốn, các vấn đề liên quan đến pháp lý.

Bởi 8 dự án đều triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư có hiệu lực, hiện GTVT đã tích cực triển khai các bước tháo gỡ khó khăn trong đó, nhà đầu tư cần hy sinh lợi nhuận, ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo tồn vốn.

Bộ GTVT đã tổng hợp và giải trình cụ thể, sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 15/11. 

Cao tốc chưa có trạm nghỉ, mong bà con cảm thông

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, hiện nay đường cao tốc đi qua tỉnh Bình Thuận gần 200 km đi vào vận hành và lưu thông nhưng lại chưa bố trí trạm dừng nghỉ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ giải quyết vấn đề này ra sao?

Trả lời, Bộ trưởng GTVT nhận trách nhiệm trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ và rất chia sẻ với người dân khi tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc này thời gian qua.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, khi triển khai các tuyến cao tốc, chúng ta thực hiện theo kiểu "vừa chạy vừa xếp hàng".

Trạm dừng nghỉ không chỉ là nơi cung cấp dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, phòng nghỉ tạm cho lái xe, mà còn là nơi mà nếu biết khai thác sẽ mang lại lợi ích rất lớn. 

Chính vì thế, khi vừa làm cao tốc vừa rà soát các quy định về trạm dừng nghỉ, tôi nhận thấy hành lang pháp lý gần như chưa có gì. 

Do đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư trong thực hiện xã hội hóa vì trước đây chưa có chủ trương. 

Bộ trưởng cho biết, về quy mô trạm dừng nghỉ, chúng ta cũng chưa có. Trước đây, chúng ta chỉ có trạm dừng nghỉ của các tuyến cao tốc với quy mô tối đa là 1ha. Nhưng hiện nay quy mô như vậy không còn phù hợp.

Bộ đã quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư.

Hiện nay, trên các tuyến cao tốc giai đoạn 1 đã đưa vào, chúng tôi đã tiến hành đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư. 

9 trạm dừng nghỉ thuộc dự án thành phần thuộc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành ngay trong giai đoạn 2023-2024. 

Còn 15 trạm dừng nghỉ của giai đoạn 2, chắc chắn sẽ đảm bảo tiến độ, tức là khi đưa vào khai thác cao tốc thì sẽ có đầy đủ trạm dừng nghỉ phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ trưởng nói.

Bộ GTVT chịu trách nhiệm về chất lượng các công trình giao thông

Đặt vấn đề chất vấn tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh) cho biết, với việc cùng một lúc phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, thời gian hoàn thành mục tiêu 3000 km cao tốc đã rất gấp rút và cận kề vào năm 2025 thì điều mà cử tri băn khoăn, lo lắng là chất lượng của các công trình giao thông.

Đại biểu Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể để không xảy ra tình trạng cao tốc đi vào khai thác sớm hư hỏng, sửa chữa như tuyến Đà Nẵng Quảng Ngãi, Hà Nội, Lào Cai… trong thời gian vừa qua?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, hiện tượng này không phải diễn ra phổ biến.

"Chỉ xảy ra ở một, hai vị trí, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ Giao thông luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và theo chuẩn quốc tế", ông Thắng nói.

"Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ về chất lượng các tuyến cao tốc đang và sẽ thi công", ông Thắng nói.

Tiến độ 3 tuyến đường sắt kết nối

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) về vận tải đường sắt, Bộ trưởng GTVT cho biết, phát triển đường sắt đang vấn đề được Bộ Chính trị, Đảng, Nhà nước quan tâm, đặt ra nhiều nhiệm vụ cho Bộ GTVT.

Đường sắt khối lượng lớn, an toàn sẽ giảm tải cho đường bộ. Quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đề ra một số tuyến đường sắt kết nối như Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, Biên Hòa - Vũng Tàu, Thủ Thiêm - Long Thành...

Trong đó, tuyến Biên Hoà - Vũng Tàu để kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải, Bộ đang lập báo cáo tiền khả thi, dự kiến chi phí đầu tư 5 tỷ USD. Dự án này dự kiến đi theo hướng kêu gọi ngân sách và vốn ODA. 

Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành là đường sắt nhẹ kết nối sân bay Long Thành và TP.HCM thì dự kiến chi phí đầu tư 2,4 tỷ USD, có thể thực hiện theo xã hội hoá.

Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Bộ đã lập quy hoạch và đang triển khai thuê tư vấn để làm Pre FF, tổng mức đầu tư là 6,5 tỷ USD với đường đơn và đường đôi là 10-11 tỷ USD. 

"Đây là con số ngân sách lớn, Bộ GTVT đang tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ để ngoài nguồn ngân sách nhà nước, có thể kêu gọi nguồn lực xã hội hoá và huy động từ các tổ chức quốc tế mới đảm bảo vốn đầu tư", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

5 giải pháp kéo giảm TNGT

Trả lời ý kiến đại biểu về nguyên nhân và giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), Bộ trưởng GTVT cho biết, trong những năm vừa qua, tình hình kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, đồng thời lưu lượng phương tiện giao thông cũng gia tăng. 

Đảng, nhà nước rất quan tâm để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường các giải pháp để giảm thiểu TNGT. Đến nay, TNGT có được kéo giảm nhưng vẫn còn những vụ TNGT thương tâm, nghiêm trọng.

Nguyên nhân, trước hết là ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn  kém. Trong báo cáo của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 90% nguyên nhân TNGT liên quan tới ý thức người tham giao giao thông.

Nguyên nhân thứ hai, là việc thực thi pháp luật ở một số đơn vị còn hạn chế. Thứ ba, là một số địa phương còn chưa quyết liệt trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều khiển phương tiện dù có cố gắng nhưng chưa theo kịp thực tiễn.

Thứ năm, kết cấu hạ tầng GTVT chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện.

Từ phân tích nguyên nhân, thực trạng, ngành GTVT cũng đã đưa ra những giải pháp để kéo giảm TNGT. Trong đó, đáng lưu ý là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật cũng như các quy định đảm bảo an toàn giao thông.

Thứ hai là kiên trì xây dựng văn hoá giao thông. Thứ ba là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Thứ tư là tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ năm tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thuỷ, tránh phụ thuộc quá lớn vào vận tải đường bộ.

 

 

Nguồn: baogiaothong.vn