Công nghệ là yếu tố quan trọng quyết định thành công của Chính phủ số

Ngày 14/11/2023
Khi công nghệ tiến bộ với tốc độ nhanh chóng thì việc áp dụng công nghệ trong lĩnh vực tư nhân đã làm thay đổi đáng kể kỳ vọng của mọi người về lợi ích của số hóa. Do đó, chính quyền các cấp đang theo đuổi cuộc cách mạng với mong muốn cung cấp các dịch vụ công tốt hơn, nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn.

Công nghệ rất quan trọng đối với các chính phủ khi họ muốn giải quyết những thách thức trong hoạch định chính sách. Công nghệ khiến cho việc điều hành của chính phủ được tốt hơn, giúp ích cho lấy người dân làm trung tâm trong cung cấp dịch vụ cơ bản, mang lại cơ hội phát triển xã hội nhanh hơn, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển kinh tế và cải thiện mức độ hòa nhập để không người dân nào bị bỏ lại phía sau.

Trong khi đó, đại dịch COVID-19 cho thấy sự cần thiết của tính linh hoạt trong các quy trình chính phủ đối với việc ứng phó với nhiều thách thức và các công cụ, dữ liệu số có thể hỗ trợ điều này .

a1.png

Những câu chuyện thành công đã được minh chứng

Đã có những nghiên cứu điển hình về việc triển khai kỹ thuật số giúp nâng cao những năng lực của chính phủ. Ví dụ, ở Singapore, 180 tổ chức chính phủ và thương mại đã cung cấp hơn 2.700 dịch vụ của chính phủ cho 4 triệu cư dân của đất nước. Trong số các dịch vụ này có thể kể đến dịch vụ hoàn thuế cùng với dịch vụ bảo vệ an ninh mạng hàng đầu thế giới. Kết quả là, hơn 95% các giao dịch của chính phủ được thực hiện trực tuyến, tỷ lệ hài lòng của người dân là 86%.

Ngoài cung cấp các dịch vụ công, chính phủ số cũng mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ, ở các quốc gia ở phía Tây Balkan (Western Balkans), các sáng kiến về chính phủ số được hỗ trợ bởi chương trình số hóa mở rộng nhằm tìm cách tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, tìm kiếm nhiều cơ hội học tập và nâng cao kỹ năng số cho người dân cũng như những chính sách bảo mật minh bạch cho các dịch vụ sử dụng dữ liệu của người dân.

Thực hiện chuyển đổi số (CĐS)

Quy mô của các chính phủ là quá trình số hóa có thể có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và cơ quan khác nhau, mỗi đơn vị đều có cơ chế quản lý và hệ thống công nghệ thông tin (IT) cũ của riêng mình.

Quá trình CĐS cũng đòi hỏi phải xem xét lại toàn bộ văn hóa nơi làm việc của cán bộ công chức; việc chống lại sự thay đổi và thiếu hiểu biết về kỹ thuật số có thể cản trở quá trình này. Chi phí đầu tư như cho đào tạo và bảo trì cũng cần được xem xét cùng với khả năng tương tác để đảm bảo liên lạc không bị gián đoạn giữa các hệ thống và phòng ban.

Việc tích hợp các yếu tố này vào một hệ sinh thái số an toàn và hợp nhất là một thách thức lớn, tuy nhiên, những rào cản này không phải là không thể vượt qua. Rào cản đầu tiên là đảm bảo có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ lãnh đạo, tiếp theo là cần có sự tham gia của các bên liên quan. Kế đến là thay đổi các biện pháp quản lý cho phù hợp với quá trình CĐS; đạt được sự cân bằng phù hợp giữa sự chuyển đổi và tính liên tục cho phù hợp với đội ngũ nhân viên để họ không cảm thấy xa lạ chỉ sau một đêm.

Và yêu cầu thứ ba là phải hiểu rằng CĐS là một quá trình đang diễn ra chứ không phải là một mục tiêu cuối cùng duy nhất. Đây là một cam kết cải tiến liên tục với công nghệ là yếu tố quyết định chính.

CĐS ở Châu Phi

Những bước tiến lớn đã được thực hiện trong việc số hóa các dịch vụ của chính phủ trên khắp Châu Phi. Trong vòng hai thập kỷ qua, điểm số của lục địa này trong chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc (E-Government Development Index - EGDI) về cơ bản đã tăng gấp đôi. Mặc dù khu vực này vẫn tụt hậu so với mức trung bình của thế giới về mặt số hóa, nhưng vẫn có yếu tố lạc quan như: các chính phủ trên khắp lục địa đang ngày càng nhận thức rõ hơn về lợi ích của phát triển nền kinh tế số.

Ví dụ, ở Zambia, chính phủ đã hợp tác với viện Tony Blair để phát triển chương trình nghị sự số; Bộ Y tế đã đưa ra chiến lược y tế số quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số, đào tạo kỹ năng số và cung cấp dịch vụ số trên khắp các tổ chức y tế của đất nước.

Trong khi đó, ở Rwanda, chiến lược, chính sách, lập kế hoạch phân phối và triển khai công nghệ đang được Viện Tony Blair hỗ trợ để theo đuổi mục tiêu chính phủ số hoàn chỉnh vào cuối năm 2024 cũng như tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại xung quanh công nghệ nền tảng, khả năng kết nối và cơ sở hạ tầng đám mây.

Kết luận

Những mối quan hệ đối tác với các nhà cung cấp công nghệ là một một phần của việc tạo ra kiến trúc chính phủ số mạnh mẽ. Do vậy, đây là yếu tố quan trọng cần được cân nhắc và không thể xem nhẹ (không thể lựa chọn chỉ vì gia thành rẻ nhất).

Chính phủ điện tử triển khai thành công trên thế giới đều có chung một số điểm quan tâm như: một số đối tác công nghệ hàng đầu hiện nay cộng tác với các chính phủ trong thời dài hạn; phát triển nền tảng mạnh như cơ sở hạ tầng và kết nối đám mây; triển khai linh hoạt theo từng giai đoạn nhằm xây dựng và duy trì đà phát triển với các nhân viên chính phủ cũng như người dân.

Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và nền tảng no-code hay low-code mang lại cơ hội mới để giảm những chu trình triển khai kéo dài và khai thác các dịch vụ trực tuyến nhanh hơn. Nhưng có lẽ quan trọng nhất là phải có sẵn công nghệ nền tảng như cơ sở hạ tầng đám mây, hệ thống nhận dạng số và sơ đồ kết nối, nếu không những nỗ lực đó có thể sẽ thất bại.

Tóm lại, trong một thế giới, nơi công nghệ đang viết lại các quy tắc thì các chính phủ cần tham gia cuộc cách mạng kỹ thuật số. Từ các dịch vụ trực tuyến liền mạch của Singapore đến khát vọng ngày càng tăng của Châu Phi đã đưa ra thông điệp rất rõ ràng là: chính phủ số không phải là thứ xa xỉ mà là điều cần thiết./.

Nguồn: institute.global, Tạp chí TT&TT