Đường sắt an toàn hơn nhờ đường ngang cảnh báo tự động

Ngày 17/11/2023
Đường sắt áp dụng nhiều công nghệ nâng cao an toàn tại đường ngang, ngăn ngừa tai nạn tàu va.

Lái tàu phấp phỏng lo tai nạn

Trở về từ chuyến lái tàu khách, anh Lê Công Thức, công nhân lái tàu Đội láy máy 10, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội thở phào: Thêm một chuyến đi an toàn, suôn sẻ, chứ giờ nhiều lối đi tự mở, nhiều đường ngang, không ít khu gian cảm giác như tàu đang chạy trên vỉa hè, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào...

Anh Thức cho biết, 15 năm lái tàu, chuyến nào đi cũng phấp phỏng, lo âu như thế. Vì tàu buộc phải đi trên đường ray, không như ô tô, thấy chướng ngại là có thể đi tránh sang vị trí khác được hoặc phanh khẩn cấp là dừng được ngay. Tàu muốn dừng được phải có cự ly hãm an toàn, vì tàu nặng, quán tính lớn nên mặc dù hãm, tàu vẫn lướt tiếp mấy trăm mét mới dừng được.


Đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động
ngăn người, phương tiện vào khu vực đường ngang đường sắt khi sắp có tàu đến

Cự ly hãm an toàn của tàu từ khi phát hiện chướng ngại đến khi dừng được phải 800m. Nếu lái tàu không phát hiện được chướng ngại, nguy hiểm từ xa thì dù có hãm khẩn, hãm độc, cũng rất khó tránh tai nạn. Vì thế, không chỉ tại các lối đi tự mở qua đường sắt, hay dọc đường sắt mà ngay tại các đường ngang cũng vẫn có nguy cơ.

Nhất là tại các đường ngang biển báo, dù là đường ngang hợp pháp nhưng cũng chỉ có tấm biển báo cảnh báo tàu hỏa, nên nhiều người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, không dừng lại quan sát, chú ý tàu đến, mà vượt ẩu qua đường sắt, tàu đâm va phải.

"Khoảng 2-3 năm gần đây, đường sắt đã nâng cấp các đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, lái tàu điều khiển tàu qua cũng yên tâm hơn, giảm thiểu được tai nạn tại các đường ngang này", lái tàu Thức cho hay.

Công nghệ tự động "gác" đường ngang, ngăn tai nạn

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, 8 tháng đầu năm 2023, tại các đường ngang đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường sắt, chiếm tỷ lệ 15,2%. Con số này đã giảm so với các năm trước đây do đường sắt đẩy mạnh áp dụng công nghệ tại các đường ngang, nhằm ngăn ngừa tai nạn.

Cụ thể, ngành Đường sắt thực hiện nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác. Vì thống kê từ năm 2015 đến năm 2018, tại 452 đường ngang này đã xảy ra 96 vụ tai nạn giao thông làm chết 46 người, bị thương 88 người, làm thiệt hại rất nhiều tài sản của nhà nước và người dân.

Với nâng cấp thành đường ngang cảnh báo tự động, đường sắt tiến hành lắp đặt các thiết bị nhận biết tàu sắp đến và tự động bật tín hiệu chuông đèn cảnh báo phía đường bộ, sau đó hạ cần chắn ngăn người và phương tiện qua đường ngang. Tuy nhiên, cần chắn chỉ chắn khoảng 2/3 chiều rộng đường ngang mà không đóng kín hoàn toàn.


Đường sắt đưa nhiều công nghệ tự động hóa và giám sát vào phát hiện tàu,
giám sát đường ngang để ngăn ngừa tai nạn (Ảnh minh họa)

Vị đại diện giải thích, do ý thức người tham gia giao thông chưa cao, nhiều khi tín hiệu cảnh báo tàu đến đã bật (chuông kêu, đèn đỏ sáng) nhưng vẫn đi vào đường ngang. Khi đó, nếu cả 2 cần chắn tự động hạ xuống, đóng kín, trong khi tàu đến gần sẽ rất nguy hiểm. Phương tiện muốn thoát ra buộc phải đâm hỏng cần chắn. Do vậy, chỉ làm cần đóng 2/3 đường ngang để trường hợp xe máy, xe đạp hay ô tô con trót vượt ẩu vào đường ngang vẫn có thể thoát ra được. 

Tính đến 31/8/2023, trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có 1.510 đường ngang các loại. Trong đó, 679 đường ngang có gác; 736 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động; 9 đường ngang cảnh báo tự động; 86 đường ngang biển báo.

Cùng đó, trạng thái hoạt động hệ thống này được giám sát 24/24 giờ do kết nối với trung tâm giám sát đặt tại các công ty thông tin tín hiệu đường sắt; đồng thời có camera theo dõi các hoạt động tại khu vực đường ngang. Thông qua các thông tin biểu thị trên màn hình, cán bộ trực kĩ thuật sẽ nắm bắt được trạng thái tức thời thiết bị có hoạt động không, có trục trặc không để điều nhân viên khắc phục kịp thời. Qua camera giám sát biết trên đường ngang có chướng ngại, sự cố không để thông tin các bộ phận liên quan xử lý, giải tỏa. Từ đó, phát hiện sớm sự cố, ngăn ngừa tai nạn.

Tiếp theo nâng cấp đường ngang biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động, Tổng công ty Đường sắt VN đã báo cáo và được cấp thẩm quyền chấp thuận cho phép lắp tín hiệu cảnh báo tàu đến gần tại 566 đường ngang có gác.

Theo đó, tại các vị trí đường sắt giữa ga và đường ngang sẽ lắp đặt cảm biến. Khi tàu chạy qua các cảm biến này, tín hiệu từ cảm biến sẽ truyền về tủ điều khiển đặt tại đường ngang. Tủ điều khiển sẽ tự động bật chuông trong nhà gác để báo cho nhân viên gác chắn biết 120 giây nữa có tàu đến, thực hiện tác nghiệp theo quy trình, phòng ngừa trường hợp nhân viên quên thao tác hoặc thao tác chậm.

Đồng thời chuông, đèn đỏ cảnh báo ở đường ngang cũng tự động bật để báo cho người tham gia giao thông đường bộ biết sắp có tàu đến và dừng lại trước đường ngang, không đi vào khu vực nguy hiểm.

"Năm 2022, ngân sách Nhà nước bố trí 200 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã triển khai thực hiện hoàn thành đối với 112 đường ngang có người gác, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Các đường ngang này từ khi đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần tăng cường đảm bảo ATGT.

Năm 2023, triển khai thực hiện 50 công trình, tương ứng khoảng 200 đường ngang. Tổng công ty cũng đã kiến nghị ưu tiên bố trí nguồn vốn dự kiến 450 tỷ đồng để tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành 254 đường ngang, như vậy sẽ hoàn thành toàn bộ 566 đường ngang đến hết năm 2025", đại diện Tổng công ty cho biết.

Nguồn: Báo Giao thông