Đèn giao thông dùng trí tuệ nhân tạo giúp giảm 1/3 tắc đường

Ngày 22/11/2023
Đèn giao thông thiếu linh hoạt không chỉ gây khó chịu cho người lái xe, mà còn làm gia tăng ô nhiễm không khí khi ô tô cứ nổ máy và đứng im một chỗ.

Sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ liên quan đến giao thông thu được từ ứng dụng Google Maps và sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI), tập đoàn công nghệ Google đang hy vọng giải quyết cả hai vấn đề đó bằng cách điều chỉnh cơ sở hạ tầng hiện có.

Dự án Đèn xanh - Google Green Light - đang được thí điểm tại 12 thành phố ở Mỹ, châu Âu và châu Á, sẽ mở rộng thêm trong năm tới.

Ô tô dừng chờ đèn đỏ nhiều sẽ góp phần làm gia tăng ô nhiễm không khí

(Ảnh minh họa: ST).

Mô hình dựa trên AI sẽ xem xét cấu trúc, mô hình giao thông xanh và lập kế hoạch đảo đèn ở từng giao lộ, sử dụng dữ liệu từ Google Maps. Sau đó, mô hình sẽ đưa ra các đề xuất nhằm tối ưu hóa đèn giao thông, điều chỉnh thời gian đèn đỏ tùy theo lưu lượng xe.

Những điều chỉnh đó không chỉ giới hạn ở một đèn giao thông duy nhất, mà có thể phối hợp nhiều nút giao gần đó, tạo ra "làn sóng đèn xanh", giúp giảm tắc nghẽn giao thông.

Mặc dù hệ thống giám sát trực truyến có vẻ hiệu quả và dễ thực hiện hơn, nhưng giải pháp của Google không đòi hỏi bất kỳ sự thay đổi, nâng cấp nào với cơ sở hạ tầng hiện có, nên không tốn kém.

Tập đoàn công nghệ này cho biết, trước khi có dự án Google Green Light, đèn giao thông được tối ưu hóa "bằng cách sử dụng các cảm biến đắt tiền hoặc việc đếm xe thủ công tốn nhiều thời gian". Hiệu quả của dự án sẽ càng rõ ràng hơn ở những nơi đang dùng hệ thống đèn giao thông lạc hậu, không có sự giám sát.

Theo các nghiên cứu, ô nhiễm không khí ở các nút giao thông trong thành phố có thể cao hơn 29 lần so với đường thông thoáng và một nửa trong số đó đến từ việc xe phải dừng lại chờ đèn, hoặc tắc đường.

Thống kê ban đầu từ các thử nghiệm của Google cho thấy dùng AI điều khiển đèn giao thông có thể giúp giảm 30% số lần dừng xe và giảm tới 10% lượng khí thải ở các giao lộ.

Dự án Google Green Light đang được triển khai ở 12 thành phố, bao gồm Seattle (Mỹ), Rio de Janeiro (Brazil), Manchester (Anh), Hamburg (Đức), Budapest (Hungary), Haifa (Israel), Abu Dhabi (UAE), Bangalore, Hyderabad, và Kolkata (Ấn Độ), Bali và Jakarta (Indonesia), tác động đến 30 triệu hành trình bằng ô tô mỗi tháng.

Google hy vọng sẽ mở rộng dự án trong năm 2024, và đã mời các kỹ sư giao thông đô thị từ khắp nơi trên thế giới đăng ký tham gia.

Google Green Light không phải là dự án duy nhất nỗ lực giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở đô thị. Công ty phân tích Inrix đang giám sát dữ liệu từ hơn 250.000 trong số 300.000 đèn giao thông ở Mỹ, hỗ trợ các cơ quan chức năng tính toán cài đặt.

Theo Wired