Quy hoạch 6 tuyến đường thủy nội địa tại Bến Tre

Ngày 23/11/2023
Với phương thức vận tải chính là đường sông, tỉnh Bến Tre sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo Quyết định số 1399/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đường thủy.

Theo đó, trong phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải và logistics, định hướng địa phương phối hợp với các bộ, ngành ngành trung ương và các địa phương liên quan phát triển tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên các tuyến sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên, kênh Chẹt Sậy - sông Bến Tre, rạch và kênh Mỏ Cày, kênh Chợ Lách.

Tỉnh Bến Tre có có 4 sông lớn chạy qua gồm sông Tiền,

sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên 

Cụ thể, Bến Tre sẽ quy hoạch 6 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, bao gồm tuyến sông Tiền (tuyến chính từ thượng lưu cảng Mỹ Tho 500m - điểm cuối biên giới Việt Nam – Campuchia), tuyến sông Hàm Luông (từ cửa Hàm Luông đến ngã ba sông Tiền), tuyến sông Cổ Chiên (từ cửa Cổ Chiên đến kênh Trà Vinh, từ kênh Trà Vinh đến ngã ba sông Cổ Chiên - sông Tiền, nhánh sông Băng Tra), tuyến kênh Chẹt Sậy - sông Bến Tre (từ ngã ba sông Tiền (vàm Giao Hòa) đến ngã ba sông Bến Tre, từ ngã ba sông Bến Tre đến ngã ba sông Hàm Luông), tuyến Rạch và kênh Mỏ Cày (từ ngã ba sông Hàm Luông đến ngã ba sông Cổ Chiên) và tuyến kênh Chợ Lách (Từ ngã ba sông Tiền - Chợ Lách đến ngã ba Chợ Lách – Cổ Chiên).

Đối với đường thủy nội địa địa phương, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng của 190 tuyến, chú trọng phát triển hành lang vận tải thủy kết nối với các trung tâm đầu mối của vùng. 

Đồng thời, phát triển giao thông đường thủy đa mục tiêu, vừa đảm bảo phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa gắn kết hài hòa với các giải pháp thủy lợi, nông nghiệp trong vùng, đảm bảo ngăn mặn và trữ ngọt.

Cùng đó, quy hoạch phát triển 24 cảng hàng hóa theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương và 10 cụm cảng, bến hành khách hoặc du lịch phục vụ vận chuyển hành khách. Các bến hành khách phát triển du lịch trên các tuyến sông chính như sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên…

Quyết định cũng nhấn mạnh, việc đầu tư các dự án bến cảng thủy nội địa, cảng biển trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

Theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre, trên địa bàn tỉnh đang tồn tại hai loại hình vận tải chính là vận tải đường bộ và vận tải đường thủy. Trong đó, đường thuỷ nội địa vẫn là kênh vận chuyển hàng hóa xuất khẩu quan trọng của tỉnh đến cổng giao dịch quốc tế chính tại khu vực TP.HCM.

Tỉnh Bến Tre có có 4 sông lớn chạy qua gồm sông Tiền, sông Hàm Luông, sông Ba Lai và sông Cổ Chiên. Tổng chiều dài đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh là 4.000km.

Trong đó, có 6 tuyến đường thủy do Trung ương quản lý (dài 312km), còn lại là các hệ thống sông, rạch, kênh mương do địa phương quản lý. Riêng hai tuyến sông Cổ Chiên và tuyến sông Hàm Luông là tuyến đường thủy quốc gia cấp đặc biệt.

Theo định hướng phát triển hành lang vận tải thủy và kết nối hạ tầng giao thông thủy quốc gia, hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa tỉnh Bến Tre được quy hoạch giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 3 hành lang vận tải thủy nội địa.

Trong đó, hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang phục vụ nhu cầu vận tải của các tỉnh, thành phố ven biển và các địa phương có tuyến vận tải sông biển kết nối, trong đó đoạn trong vùng ĐBSCL bao gồm các tỉnh ven biển như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.

Hành lang vận tải thủy TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa các tỉnh, thành phố ven biển phía Nam kết nối về khu vực cảng biển TP.HCM và cảng nước sâu tại Bà Rịa - Vũng Tàu, là tuyến vận tải đường thủy nội địa trọng yếu nhất của vùng ĐBSCL, đảm nhận khoảng 40% tổng lượng vận chuyển hàng hóa đường thủy nội địa toàn vùng.

Hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia (qua sông Tiền) phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, TP.HCM và quốc tế.

Nguồn: Báo Giao thông