Những người "canh sóng" từ biển khơi

Ngày 30/11/2023
Giữa biển khơi mênh mông sóng nước, một sự cố nhỏ, một trận lốc xoáy cũng có thể uy hiếp đến tính mạng của hàng chục ngư dân trên những con tàu đánh cá. Trong những thời khắc sinh tử, khó khăn như vậy, Đài Thông tin duyên hải Nha Trang luôn là nơi tiếp nhận thông tin sớm nhất để các đơn vị cứu hộ ứng cứu kịp thời.

Lắng nghe tiếng gọi về từ biển

Mới sáng sớm, ở Phòng Khai thác của Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang (Vùng III), âm thanh từ các thiết bị thu phát sóng vang lên ở nhiều tầng nấc, tạo ra vô số tạp âm. Tiếng sóng vô tuyến điện bị nhiễu, xen lẫn tiếng gió át cả tiếng nói ở đầu dây bên kia. Các khai thác viên tập trung cao độ để dò sóng, lắng tai tập trung hết cỡ nghe thông tin trên sóng trong tiếng rè rè pha nhiều tạp âm từ phía các tàu thuyền ngoài biển. Ngồi chăm chú lắng nghe, thu nhận thông tin qua những quãng sóng truyền chập chờn, lúc đứt tiếng, lúc lại bật dội tiếng ngư dân hào sảng, chị Phan Chế Thị Diệu Na (Phòng Khai thác) liên tục trả lời các cuộc gọi từ biển với chất giọng nhẹ nhàng như những điện thoại viên của Tổng đài 108 trước đây. Thỉnh thoảng, chị Na ghi vào sổ nhật ký những thông tin quan trọng của ngư dân báo về từ giữa biển khơi. “Người bình thường vào không gian này cỡ 30 phút là không chịu nổi bởi những âm thanh hỗn tạp, bởi sóng cao tần nhưng chúng tôi thì quá quen rồi. Mỗi thanh âm đều là nhịp đập của biển. Dù ở đất liền song các hoạt động trên biển của ngư dân chúng tôi được biết thông qua các cuộc gọi về đài. Chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng hỗ trợ ngư dân trên biển bất kể ngày đêm. Mỗi chuyến tàu ra khơi luôn có sự đồng hành của Đài Thông tin duyên hải Nha Trang” - chị Phan Chế Thị Diệu Na chia sẻ.


Lực lượng trực canh của đài đang tiếp nhận và xử lý thông tin từ các tàu cá

Được biết, hiện nay, Đài Thông tin duyên hải Nha Trang phụ trách khu vực biển từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Ninh Thuận, trong đó có vùng biển Trường Sa rộng lớn. Để hỗ trợ thông tin một cách hiệu quả cho tàu thuyền đánh cá, các bản tin về an toàn hàng hải thường xuyên được hệ thống cập nhật trên tần số 7906 kHz và đài tổ chức trực canh 24/24 giờ phục vụ ngư dân các thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên tần số 7903 kHz. Khi có thông tin cần hỗ trợ từ phía ngư dân, đài sẽ chuyển thông tin tới Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV để có những biện pháp ứng cứu kịp thời, đồng thời phát thông báo tới các tàu hoạt động trong khu vực tàu bị nạn tăng cường quan sát và tìm kiếm.

Chị Lương Thị Ngọc Thắm - Tổ trưởng Tổ Khai thác Đài Thông tin duyên hải Nha Trang tâm sự: “Vùng biển Nam Trung Bộ và quần đảo Trường Sa đang mùa mưa bão, tàu của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh ven biển vẫn vững vàng nhổ neo rời bến, đến với những ngư trường khai thác hải sản ở vùng biển xa xôi của đất nước. Đài Thông tin duyên hải Nha Trang luôn dõi theo, sẵn sàng hỗ trợ tích cực và hiệu quả khi cần thiết để các ngư dân tin rằng bên mình luôn có người bạn đường thân thiết. Dù công việc mùa này khá vất vả nhưng tất cả luôn làm hết mình vì những chuyến biển an toàn, hiệu quả cho ngư dân”.

Để khơi xa gần với đất liền

Thật thú vị, trong mấy giờ đồng hồ ở Phòng Khai thác của Đài Thông tin duyên hải Nha Trang, chúng tôi thấy ở đây không chỉ đơn thuần là sự hỗ trợ về thông tin ngư trường, thời tiết cho ngư dân. Những tần số sóng của đài còn như sợi dây nối liền giữa ngư dân trên biển với người thân đang ở nhà mỗi khi có việc cần hoặc chỉ để nghe được giọng vợ, con trong những chuyến biển đằng đẵng hàng tháng trời. 


Thuyền trưởng Trần Quang Thái kiểm tra thiết bị liên lạc trước khi ra khơi

10 giờ, khi bản tin cảnh báo thời tiết còn đang phát, tiếng bộ đàm ngoài biển sang sảng gọi về: “Đài Nha Trang phải không? Cho tôi kết nối với số máy 0983437XXX”. Chỉ chưa đầy 15 giây, cuộc gọi đã được kết nối. Phía ngoài biển là người chồng đang đánh bắt cá trên vùng biển Trường Sa, đầu dây bên này là người vợ ở Ninh Hòa. Trong 2 phút ngắn ngủi, cuộc gọi chủ yếu để người chồng thăm hỏi tình hình con cái học hành, sức khỏe của cha mẹ ở nhà. 

Khai thác viên Trần Thị Phương Ánh chia sẻ: “Chúng tôi mỗi ngày kết nối hàng chục cuộc gọi như vậy. Chuyện gia đình, chuyện xóm làng, tình hình trên biển đều được 2 đầu dây trao đổi như những cuộc nói chuyện thường ngày. Nhờ có hệ thống liên lạc như vậy mà các ngư dân đánh bắt trên biển dài ngày cảm thấy gần gũi với gia đình hơn. Nhiều anh em đánh bắt ban đêm, trong lúc rảnh còn gọi điện trò chuyện với khai thác viên để đỡ nhớ đất liền, bớt buồn khi ở giữa biển cả mênh mông”. 


Các nhân viên của đài phối hợp xử lý thông tin

Đặc biệt, trong mùa mưa bão, nhiều gia đình vì không biết được thông tin chồng, con trên biển như thế nào, họ đã lên tận Đài Thông tin duyên hải Nha Trang nhờ các khai thác viên phát trên đài để được kết nối với người thân ngoài biển. Ngược lại, mỗi lần Nha Trang bị lũ lụt, những ngư dân ở Phước Đồng, Vĩnh Trường lại liên tục nhờ đài kết nối để liên lạc với gia đình nhằm nắm tình hình ở nhà. Nhớ lại những phút giây như thế, ông Trần Quang Thái - thuyền trưởng tàu KH 97779 TS xúc động tâm sự: “Giữa biển cả mênh mông, nếu không có kết nối của Đài Thông tin duyên hải Nha Trang, ngư dân đánh bắt khơi xa sẽ khó liên lạc với gia đình. Trước đây đi biển là biền biệt, khi nào về bờ mới biết thông tin. Nay nhờ các trang thiết bị và hệ thống sóng vô tuyến mà hàng ngày anh em trên tàu đều kết nối được với gia đình. Người thân ở trong bờ cũng vì thế mà bớt lo lắng hơn”.

Giúp ngư dân yên tâm bám biển

Được chứng kiến nhịp công việc gấp gáp và sự hỗ trợ thầm lặng từ các nhân viên của Đài Thông tin duyên hải Nha Trang, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu ý nghĩa công việc mà họ đang làm. Với 3 kíp trực/ngày, các khai thác viên làm việc 24/24 giờ, bất kể ngày nghỉ, lễ, Tết. Tính chất công việc đòi hỏi kỹ lưỡng, cẩn thận, tỉ mỉ, chuyên cần; do đó thường do nữ đảm nhận. Chị Lương Thị Ngọc Thắm chia sẻ: “Dù công việc nhiều áp lực, đòi hỏi sự toàn tâm toàn ý khi vào ca song được mang hơi ấm đất liền đến với những ngư dân ngày đêm lao động vất vả trên biển hay những người lính đang ngày đêm canh giữ bình yên cho biển trời quê hương và đón nhận tình cảm chân thành của những người con của biển, đó chính là động lực to lớn để chúng tôi gắn bó lâu dài với công việc của mình”.

Bà Phạm Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Đài Thông tin duyên hải Nha Trang cho biết, đài đã liên kết với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Viện Vật lý địa cầu, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang và Vùng 4 Hải quân để cập nhật thông tin cần thiết và đảm bảo độ chính xác về phòng tránh bão, tìm kiếm cứu nạn, cảnh báo diễn tập quân sự, cảnh báo sóng thần... nhằm phục vụ ngư dân trên biển. Hàng năm, Đài đều phối hợp cùng các đơn vị tại địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thông tin liên lạc, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển đến bà con ngư dân. Trong các buổi tuyên truyền, Đài phát tờ rơi có in tần số trực canh, tần số làm việc, lịch phát sóng của các Đài trong hệ thống Thông tin Duyên hải Việt Nam, sách về những điều ngư dân cần biết trong phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển để ngư dân nắm và biết cách liên lạc, xử lý khi gặp những sự cố. 

9 tháng năm 2023, đài đã tiếp nhận và xử lý 2.259 bản tin MSI (thông tin an toàn hàng hải), thực hiện phát 8.240 lượt qua các phương thức Navtex, MF/HF, VHF. Đồng thời, tiếp nhận và xử lý 35 sự kiện thông tin cấp cứu, khẩn cấp và an toàn an ninh, trợ giúp cho 35 tàu thuyền. “Đặc biệt, nhờ sự kết nối mà đài đã hỗ trợ được 10 trường hợp cấp cứu y tế khẩn cấp, liên quan đến tính mạng của ngư dân. Trong đó, có 2 trường hợp tai biến, 3 trường hợp bị trọng thương, mất máu, hôn mê. Các trường hợp còn lại cũng trong tình trạng nguy kịch. Mỗi khi cứu giúp được một ngư dân là tiếp thêm động lực cho chúng tôi thêm yêu nghề mình đã chọn”, bà Hiền chia sẻ.

Chia tay những người thầm lặng làm cầu nối giữa biển khơi với đất liền, chúng tôi chợt nhớ đến những lời tâm sự chân chất, mộc mạc của ngư dân Võ Anh Tài (thuyền viên tàu KH 90145TS, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh): “Lênh đênh giữa nghìn trùng sóng cả, ngư dân khó có thể lường hết những hiểm nguy, tai nạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn vững tin vươn khơi bám biển, bởi chúng tôi biết luôn có các lực lượng thường trực sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi cần”.

Nguồn: Báo Khánh Hòa

EMC Đã kết nối EMC