Hãng tin Reuters cho biết, sau hai vụ tai nạn vào năm 2018 và 2019 liên quan tới dòng máy bay Boeing 737 MAX khiến 346 người thiệt mạng, vào cuối năm 2020, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật sửa đổi quy trình FAA cấp chứng nhận cho các dòng máy bay mới.
Đạo luật bao gồm quy định yêu cầu các nhà sản xuất phải báo cáo với FAA những thông tin an toàn quan trọng, bao gồm thông tin về hệ thống kiểm soát chuyến bay mà không có sự can thiệp hoặc điều khiển trực tiếp từ phi công.
Ngày 28/11, FAA thông báo đã áp dụng quy trình mới về cấp chứng nhận cho máy bay, đồng thời ban hành hướng dẫn bổ sung cho các hãng sản xuất máy bay về cách thức xác minh, nhận dạng những thông tin an toàn quan trọng.
Theo FAA, hai giải pháp mới của cơ quan này sẽ giúp cải thiện quy trình đánh giá mức độ an toàn trong quá trình cấp chứng nhận cho máy bay.
Ảnh minh họa.
Theo Reuters, Boeing đã không báo cáo thông tin chi tiết về hệ thống an toàn có tên MCAS (được thiết kế để ngăn mũi máy bay hướng lên quá cao) với FAA. Hệ thống này liên quan tới cả hai vụ tai nạn nêu trên.
Một báo cáo của Hạ viện Mỹ cho rằng Boeing đã không phân loại MCAS vào loại hệ thống an toàn quan trọng. Trong trường hợp Boeing làm như vậy, FAA đã kiểm tra hệ thống này kỹ càng hơn trong quá trình cấp chứng nhận máy bay. Báo cáo cũng cho rằng FAA đã thất bại trong quá trình đánh giá, cấp chứng nhận cho mẫu máy bay Boeing 737 MAX.
Các vụ tai nạn chết người đã khiến Boeing mất hơn 20 tỷ USD cho các khoản bồi thường, chi phí sản xuất, các khoản phạt và khiến dòng máy bay bán chạy nhất của hãng bị “đắp chiếu” trong 20 tháng.
Vào tháng 7, FAA thông báo sẽ thiết lập các tiêu chuẩn trong quy trình cấp chứng nhận máy bay để đánh giá liệu thay đổi thiết kế trong các hệ thống của phương tiện có được coi là khác thường, cần được kiểm tra bổ sung hay không.
Hiện FAA vẫn đang trong quá trình kiểm tra để cấp chứng nhận cho hai biến thể của dòng Boeing MAX là MAX 7 và MAX 10.
Cả Boeing và Airbus chưa phản hồi trước thông tin trên.