15 năm mở rộng địa giới: Hà Nội hình thành cực tăng trưởng phía Tây

Ngày 11/12/2023
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính (2008 - 2023), hạ tầng giao thông khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội đã và đang được đầu tư mạnh mẽ, là cơ sở để hình thành một cực tăng trưởng của Thủ đô.

Ba trục chính cửa ngõ Nam - Tây Nam

Với sứ mệnh đi trước mở đường, giao thông là một trong những tiền đề quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng mọi mặt của mỗi địa phương.

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, khu vực tỉnh Hà Tây (cũ), nay là 17 quận, huyện, thị xã phía Tây và Tây Nam Hà Nội đã được đầu tư bài bản, hình thành năm trục chính giao thông kết nối với đô thị thị trung tâm, đồng thời là tuyến đường liên Vùng Thủ đô có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ kết nối giao thông từ cửa ngõ phía Nam Thủ đô
sang khu vực phía Tây, Tây Nam. 

Thứ nhất là tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đi qua các huyện: Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên, đang được xây dựng các tuyến nhánh nối đến khu vực Hà Đông. Từ đây mở ra một hệ thống giao thông linh hoạt từ cửa ngõ phía Nam Thủ đô sang khu vực phía Tây, Tây Nam, kết nối tới Ninh Bình, Hà Nam…

Thứ hai là tuyến Quốc lộ 1 đang được nâng cấp, cải tạo, mở rộng. Đây vốn là trục chính giao thương của khu vực Hà Tây (cũ) mặc dù trước đây đường nhỏ hẹp, năng lực đáp ứng giao thông khá hạn chế.

Những năm qua, Hà Nội đã tích cực đầu tư, mở rộng từng đoạn tuyến, và hiện đang đưa Quốc lộ 1 vào danh mục các dự án trọng điểm của thành phố nhằm giảm tải cho cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đồng thời nâng cao năng lực cho hệ thống GTVT phía Tây Nam Thủ đô.

Thứ ba là Quốc lộ 6, tuyến đường kết nối Hà Nội với Hòa Bình, Sơn La, các tỉnh Tây Bắc, cũng là tuyến đường có lưu lượng giao thông rất lớn từ khu vực Tây Nam với các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức đổ dồn vào đô thị trung tâm.

Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai đã khởi công vào tháng 12/2022 và nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo thành phố. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một mạch máu quan trọng tiếp sức cho sự phát triển của khu vực Tây Nam Thủ đô.

Phía Tây Thủ đô với định hướng phát triển cụm công nghệ cao Hòa Lạc, trục phát triển du lịch Hồ Tây - Ba Vì cũng đang được tiếp sức với việc mở rộng Đại lộ Thăng Long đoạn từ Quốc lộ 21 - cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.

Đây là tuyến đường hết sức quan trọng đối với toàn bộ khu Tây Thủ đô, nơi còn tiềm năng rất lớn về du lịch, sản xuất công nghiệp và phát triển đô thị. Tuyến Đại lộ Thăng Long còn được kết nối với Vành đai 4 - con đường chiến lược của cả Vùng Thủ đô.

Vành đai 4 đã được quy hoạch từ năm 2011, nhưng đến năm 2022 với quyết tâm mạnh mẽ của Hà Nội cũng như các địa phương liên quan, sự ủng hộ to lớn của Quốc hội, Chính phủ, dự án mới thực sự được khởi động.

Tháng 6/2023 dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được khởi công. Dự án đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông.

Có thể thấy Vành đai 4 có ảnh hưởng lớn nhất đối với khu vực địa giới mở rộng của Hà Nội với 5 quận, huyện. Đây sẽ là “đường băng” để cực tăng trưởng phía Tây Thủ đô nhanh chóng bay cao.

Hiện Hà Nội còn đang đặt mục tiêu khởi công dự án Vành đai 5. Theo quy hoạch, đường Vành đai 5 đi qua địa giới hành chính của 36 quận, huyện, thành phố trực thuộc 8 tỉnh, thành.

Tại Hà Nội, tuyến đường sẽ đi qua: Thị xã Sơn Tây, các huyện Ba Vì, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa. Vành đai 5 sẽ là tuyến giao thông quan trọng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực phía Tây, Tây Nam Thủ đô trong tương lai.

Bên cạnh các dự án giao thông lớn, có ảnh hưởng chi phối với toàn khu vực, Hà Nội cũng đang tập trung cải thiện, nâng cao năng lực hạ tầng cho khu vực phía Tây, Tây Nam thành phố.

Các dự án như: Đường trục phía Nam, Đường 70, Quốc lộ 21B… đều có ý nghĩa rất lớn với khu vực này. Đặc biệt Quốc lộ 21B sẽ góp phần giải phóng tiềm năng cho các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, biến nơi khu vực này thành chuỗi đô thị phát triển mới của Hà Nội trong tương lai./.

Nguồn: Kinh tế & Đô thị